Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Review

HTML

418

Total

214

Share

The trend of economic structural transformation in Vietnam during the 2010 - 2022 period






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

This article is based on secondary data from the General Statistics Office and the World Bank. Using criteria to assess economic structural transformation, the article aims to evaluate the trend of economic structural transformation in Vietnam in recent years. The research results indicate that since 2010, the economic sector has shifted from a significant reliance on agriculture, forestry, and fisheries to an increasing share of industry, construction, and service sectors in the country's GDP structure. Labor in various economic sectors has shown a shift with a decreasing proportion in the agricultural, forestry, and fisheries sectors and an increasing proportion in the industry, construction, and service sectors. Vietnam's export product structure has also positively shifted, with a reduced proportion of agricultural and forestry products and an increased share of industrial processing, manufacturing, and services. The industrial and construction sectors have the highest labor productivity among the three economic regions, while the agricultural, forestry, and fisheries sectors have the lowest labor productivity. Alongside the achievements, the process of economic structural transformation in Vietnam still faces various difficulties and certain limitations. Based on these findings, the article proposes some recommendations for a more rational and sustainable transformation of the country’s economic sector.

Đặt vấn đề

“Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là quy luật tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ hay một địa phương. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là cơ hội để các nước đang phát triển khai thác lợi thế các nguồn lực, đảm bảo tốc độ nhanh và ổn định, tạo nên sự bền vững” 1 . Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã được Đảng và nhà nước ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển kinh tế. Nghị quyết “Số 31/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đã nêu rõ mục tiêu: hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả của từng ngành, từng lĩnh vực; giữa các ngành, các lĩnh vực và cả nền kinh tế, phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao, tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực ...”. Cùng với quá trình đổi mới của nền kinh tế, tất cả các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế đã và đang được cơ cấu lại theo hướng tích cực, tiến bộ và hợp lý. Từ một nền kinh tế có trình độ phát triển thấp, hàng hóa chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài, đến nay Việt Nam đã có sự đổi mới toàn diện và đạt được nhiều thành tựu đáng kể, Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2015, quốc gia có kim ngạch xuất siêu vào năm 2016 và nhiều thành tựu kinh tế nổi bật khác. Sự thay đổi đó cũng nhờ một phần vào định hướng và chính sách phát triển kinh tế đúng đắn của Đảng và Nhà nước mà cụ thể là chính sách dịch chuyển cơ cấu ngành kinh tế ngày càng hợp lý và khoa học hơn. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, Việt Nam phải đối mặt với không ít những khó khăn và thách thức ở trong nội bộ quốc gia lẫn từ bên ngoài. Xuất phát từ thực tiễn đó, bài nghiên cứu xem xét đánh giá thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại Việt Nam trong thời gian vừa qua nhằm làm cơ sở đề xuất kiến nghị để hỗ trợ quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Việt Nam ngày càng hợp lý và hiệu quả hơn.

Cơ sở lý luận về chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Khái niệm có liên quan

Khái niệm cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

“Cơ cấu kinh tế được hiểu theo cả hai phương diện chất và lượng. Về chất, đó là các quan hệ gắn bó giữa các yếu tố kinh tế trong một chỉnh thể thống nhất, các yếu tố này vừa làm điều kiện cho nhau, vừa tác động thúc đẩy nhau đảm bảo cho nền kinh tế vận động cân đối, nhịp nhàng, đem lại hiệu quả cao. Về lượng, đó là quan hệ tỷ lệ giữa các yếu tố cấu thành nền kinh tế, quan hệ này được xác định trong một thời điểm nhất định theo chỉ số kỹ thuật hoặc chỉ số giá trị nên nó luôn vận động, biến đổi tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của lịch sử nhân loại. Do đó, với một nền kinh tế tăng trưởng đòi hỏi tất yếu phải có chuyển dịch cơ cấu kinh tế” 2 . “Cơ cấu kinh tế là tổng thể các bộ phận của nền kinh tế, có mối quan hệ hữu cơ với nhau theo những tỉ lệ nhất định về mặt lượng và liên quan chặt chẽ với nhau về mặt chất. Các bộ phận kinh tế tác động qua lại lẫn nhau trong cùng một không gian và thời gian nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao” 3 .

“Chuyển dịch cơ cấu là sự thay đổi của cơ cấu kinh tế theo thời gian từ trạng thái và trình độ này tới một trạng thái và trình độ khác phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và các điều kiện vốn có nhưng không lặp lại trạng thái cũ” 4 . “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là quá trình chuyển dịch từ trạng thái này sang trạng thái khác phù hợp với phân công lao động và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong giai đoạn phát triển kinh tế nhất định” 5 .

“Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự thay đổi tỷ lệ thành phần trong cơ cấu kinh tế từ trạng thái này sang trạng thái khác nhằm có được sự phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn” 6 .

Do trong cơ cấu kinh tế bao gồm: cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu lãnh thổ và cơ cấu thành phần kinh tế nên khi đánh giá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng theo các khía cạnh trên, bao gồm: chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lãnh thổ và chuyển dịch thành phần kinh tế.

Khái niệm cơ cấu ngành kinh tế và chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế

“Cơ cấu ngành kinh tế là một phạm trù động, nó biến đổi theo từng thời kì phát triển bởi các yếu tố hợp thành cơ cấu luôn thay đổi”. 7 “Chuyển dịch cơ cấu ngành là quá trình thay đổi của cơ cấu ngành từ trạng thái này sang trạng thái khác ngày một hoàn thiện hơn, phù hợp với môi trường và điều kiện phát triển” 8 . “Chuyển dịch cơ cấu ngành không chỉ là sự thay đổi về số lượng các ngành, tỷ trọng của mỗi ngành mà bao gồm sự thay đổi về vị trí, tính chất mối quan hệ trong nội bộ cơ cấu ngành” 6 .

Như vậy, có thể hiểu rằng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế là quá trình thay đổi cơ cấu ngành kinh tế theo hướng ngày một hoàn thiện hơn.

Chỉ tiêu đánh giá chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế

“Trong hệ thống các chỉ tiêu đánh giá chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế thì hai chỉ tiêu mang tính khái quát và đáng chú ý hơn cả là: (1) chỉ tiêu về cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội và GDP/người và (2) Chỉ tiêu về cơ cấu và năng suất lao động. Trong đó chuyển dịch cơ cấu GDP thường được xem xét dưới góc độ các nhóm ngành và trong nội bộ từng ngành”. 1

“Chỉ tiêu để đánh giá chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế bao gồm: Cơ cấu GDP của ngành, cơ cấu lao động của ngành đang làm việc trong nền kinh tế và cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của ngành”. 9

Dựa vào các chỉ tiêu nêu trên, bài viết đánh giá thực trạng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế dựa trên các chỉ tiêu: cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội, cơ cấu lao động đang làm việc trong nền kinh tế, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của ngành và năng suất lao động của ngành.

Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Nguồn dữ liệu thứ cấp được tác giả tiến hành thu thập trong giai đoạn 2010-2022 từ Tổng Cục Thống kê. Cụ thể là các dữ liệu về GDP của các ngành kinh tế, cơ cấu lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của các ngành, năng suất lao động của các ngành. Ngoài ra, bài viết còn sử dụng một số dữ liệu thứ cấp của Ngân hàng Thế giới để phân tích, đánh giá.

Bài nghiên cứu sử dụng phương pháp đánh giá, phân tích, tổng hợp để tổng quan tài liệu nghiên cứu làm nền tăng xây dựng cơ sở lý thuyết về chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phương pháp thống kê mô tả được sử dụng trong bài nghiên cứu để mô tả thực trạng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, cụ thể là mô tả sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, công nghiệp và ngành dịch vụ qua các nguồn số liệu thứ cấp và phương pháp so sánh được sử dụng để so sánh cơ cấu GDP giữa các ngành kinh tế so với tỷ trọng của cả nước.

Thực trạng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế tại Việt Nam

Cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội của ngành

Trải qua quá trình thực hiện đổi mới toàn diện nền kinh tế kể từ sau đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Tất cả các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế đã có những chuyển biến rõ nét và được thể hiện qua kết quả của sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế giữa các ngành. Cụ thể, kể từ năm 2010 cho đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều hướng giảm tỷ trọng đóng góp vào GDP của nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản và thay vào đó là tăng tỷ trọng đóng góp vào GDP của nhóm ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ. Số liệu minh chứng cụ thể của Tổng cục Thống kê được thể hiện ở Table 1 cho thấy trong cơ cấu GDP của cả nước thì GDP của nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm và có mức đóng góp thấp nhất vào GDP của cả nước, từ mức đóng góp 421.253,37 tỷ đồng, tương ứng 15,38% GDP của cả nước vào năm 2010 giảm xuống còn 11,96% GDP của cả nước vào năm 2022 ( mức đóng góp tuyệt đối là 1.141.602,12 tỷ đồng) . Trong giai đoạn 2010 – 2022, GDP của nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng dao động từ 11,78% - 16,26%; GDP của nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có xu hướng tăng, từ mức đóng góp 904.775,04 tỷ đồng, tương ứng với mức 33,02% vào GDP của cả nước vào năm 2010 đã tăng mức đóng góp lên 3.645.266,52 tỷ đồng, tương ứng 38,17% vào GDP của cả nước vào năm 2022, GDP của nhóm ngành công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng dao động từ 33,02%-38,17% trong giai đoạn 2010 – 2022; GDP của nhóm ngành dịch vụ đóng góp nhiều nhất vào GDP của cả nước và có xu hướng tăng, từ mức đóng 1113126,28 tỷ đồng, tương ứng 40,63% vào GDP của cả nước ở năm 2010 đã tăng lên mức 3945763,2 tỷ đồng, tương ứng 41,32% vào GDP của cả nước vào năm 2022. GDP của nhóm ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng dao động từ 38,91% - 42,58% trong giai đoạn 2010 – 2022. Qua sự chuyển dịch này có thể thấy rõ cơ cấu ngành kinh tế Việt Nam đang dịch chuyển theo hướng giảm tỷ trọng GDP của khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng GDP của khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Qua đó, cũng cho thấy rõ vai trò đóng góp ngày càng quan trọng của khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đối với sự phát triển kinh tế của cả nước. Kết quả này cũng đang dần đưa Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp và trở thành quốc gia công nghiệp vào năm 2030 như mục tiêu của Nghị quyết số 29-NQ/TW - Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra. Để đạt mục tiêu này, Nghị quyết đề xuất nhiều chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp phát triển như “các chính sách về phát triển khu công nghiệp; thu hút vốn đầu tư nước ngoài; xây dựng và phát triển được một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp; Hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn v.v”.”

Table 1 GDP theo giá thực tế năm 2010 và cơ cấu GDP của các ngành kinh tế trong tổng GDP của Việt Nam giai đoạn 2010-2022

Cơ cấu lao động đang làm việc trong nền kinh tế

Cơ cấu sử dụng lao động theo ngành kinh tế ở Việt Nam những năm gần đây có những thay đổi đáng chú ý. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy số lao động có việc làm năm 2010 đạt 49124,4 nghìn người thì đến năm 2022 số lao động có việc làm tăng lên và đạt 50.604,71 nghìn người. Trong đó, số liệu ở Table 2 cho thấy lao động làm việc trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản năm 2010 có 23.890,3 nghìn lao động, chiếm tỷ trọng cao nhất với 48,6%, do Việt Nam có lịch sử phát triển phát triển nông nghiệp lâu đời và là ngành truyền thống nên người lao động trong làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao. Đến năm 2022 số lao động có việc làm trong nông nghiệp giảm xuống và đạt 13.937,6 nghìn lao động, chiếm 27,54% trong tổng số lao động có việc làm. Lao động làm việc trong ngành công nghiệp tăng từ mức 10.659,80 nghìn lao động, chiếm 21,8% trong tổng số lao động làm việc năm 2010 lên mức 16.926,91 nghìn lao động, tương ứng 33,45% trong tổng số lao động làm việc vào năm 2022 và lao động làm việc trong ngành dịch vụ cũng gia tăng, từ mức 14.574,3 nghìn lao động, chiếm 29,6% trong tổng số lao động có việc làm vào năm 2010 tăng lên mức 19.740,2 nghìn lao động, chiếm 39,01% trong tổng số lao động đang làm việc vào năm 2022. Như vậy, lao động làm việc ở các ngành kinh tế ở nước ta trong thời gian vừa qua có sự thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm, thủy sản xuống, đồng thời tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ. Sự dịch chuyển về cơ cấu lao động này cho thấy đã có sự tăng cường nguồn lao động cho ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng mạnh của nhóm các ngành này và góp phần vào sự thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Table 2 Lao động và Cơ cấu lao động có việc làm trong nền kinh tế phân theo ngành kinh tế (%)

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể. Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2010 đạt 72236,7 triệu USD thì đến năm 2022 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng lên và đạt 371304,2 triệu USD. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu thì số liệu ở Table 3 cho thấy kể từ năm 2010 cho đến nay, nhóm hàng nông lâm nghiệp và thủy sản có cơ cấu hàng hóa xuất khẩu giảm, từ mức 7,09 % năm 2010, tương ứng với trị giá xuất khẩu 5.123,6 triệu USD đã giảm xuống còn 2,53%, tương ứng trị giá xuất khẩu 9387 triệu USD vào năm 2022. Nhóm hàng công nghiệp có hàng hóa xuất khẩu gia tăng, từ mức 66.485,4 triệu USD, tương ứng 92,04% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2010 đã tăng lên 353.188,3 triệu USD, tương ứng 94,32% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2022. Nhóm hàng dịch vụ xuất khẩu cũng có sự gia tăng, từ mức 0,87% vào năm 2010 đã tăng lên mức 2,35% vào năm 2022. Cơ cấu nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam kể từ năm 2010 cho đến nay đã có sự dịch chuyển theo chiều hướng tích cực, giảm tỷ trọng nhóm hàng nông lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ. Cơ cấu chuyển dịch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Table 3 Trị giá và Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu phân theo ngành kinh tế

Năng suất lao động

Năng suất lao động của Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể. Theo số liệu công bố của Tổng Cục Thống kê được trình bày ở Table 4 cho thấy năng suất lao động năm 2010 của Việt Nam đạt 44 triệu đồng/lao động/năm thì đến năm 2022 năng suất lao động của Việt Nam đã tăng lên và đạt 187,99 triệu đồng. Trong đó, năng suất lao động của từng nhóm ngành cụ thể như sau:

Ngành nông lâm nghiệp và thủy sản có mức năng suất lao động đạt thấp nhất trong các ngành kinh tế. Năm 2010 năng suất lao động của ngành nông lâm và thủy sản đạt 16,8 triệu đồng/lao động/năm thì đến năm 2022 năng suất lao động lao động của ngành nông lâm và thủy sản tăng lên và đạt 81,07 triệu đồng/người/năm. Năm 2010 năng suất lao động của ngành nông lâm và thủy sản chỉ bằng 38,2% năng suất lao động chung của cả nền kinh tế và năm 2022 chỉ bằng 43,1% năng suất chung của toàn nền kinh tế. So với ngành công nghiệp và xây dựng thì năng suất lao động của ngành nông lâm và thủy sản chỉ bằng 37,7%. Kể từ năm 2010 cho đến nay năng suất lao động của ngành nông lâm và thủy sản có sự gia tăng về quy mô nhưng năng suất lao động của ngành này vẫn còn khá thấp khi so sánh với năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế và của ngành công nghiệp và dịch vụ.

Công nghiệp và xây dựng là ngành có mức năng suất lao động cao nhất trong tất cả các ngành và cũng có sự gia tăng đáng kể từ năm 2010 cho đến nay. Năng suất lao động của ngành công nghiệp và xây dựng đạt 46,3 triệu đồng/người/năm và đã tăng lên 215 triệu đồng/người/năm vào năm 2022. So với năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế thì năng suất lao động của ngành này tăng gấp 1,14 lần.

Đứng vị trí thứ hai về năng suất lao động là nhóm ngành dịch vụ, nhóm ngành này cũng có mức năng suất lao động cao hơn mức năng suất lao động của toàn nền kinh tế và cao gấp 1,06 lần. Cụ thể, năng suất lao động của ngành dịch vụ đạt 33,3 triệu đồng/người/năm vào năm 2010 và tăng lên mức 199,2 triệu đồng/người/năm vào năm 2022.

Table 4 Năng suất lao động theo các khu vực kinh tế theo giá hiện hành (ĐVT: triệu đồng/lao động)

Như vậy, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức năng suất lao động cao nhất trong ba khu vực kinh tế và khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản có mức năng suất lao động thấp nhất. “Nguyên nhân chủ yếu do nông nghiệp nước ta với điểm xuất phát còn rất thấp, cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa lớn, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lao động đang làm việc trong nền kinh tế”. 10

Qua nội dung phân tích nêu trên cho thấy quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định, cụ thể như sau:

Sau hơn 35 năm thực hiện đổi mới toàn diện nền kinh tế, GDP của toàn nền kinh tế theo giá so sánh năm 2010 đã có sự tăng trưởng đáng ghi nhận, đạt mức 5.545.715,93 tỷ đồng vào năm 2022, tăng 2.805.872,76 tỷ đồng so với năm 2010, tương ứng với mức tăng 202%. Trong đó, GDP của ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng chủ yếu và có xu hướng gia tăng.

Nhờ có những định hướng và chính sách phát triển kinh tế đúng đắn, Việt Nam đã và đang phát triển đa dạng ngành, nghề và lĩnh vực với sự tham gia của đa dạng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động. Số lao động làm việc trong nền kinh tế đã có sự gia tăng từ mức 49124,4 nghìn lao động vào năm 2010 đã tăng lên 50604,71 nghìn người vào năm 2022. Cơ cấu lao động có sự sự thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm, thủy sản xuống, đồng thời tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ.

Năng suất lao động chung của nền kinh tế cũng đã có sự gia tăng đáng ghi nhận, từ mức 44 triệu đồng/lao động/năm vào năm 2010 đã tăng lên và đạt 187,99 triệu đồng/lao động/năm. Trong đó, năng suất lao động của ngành công nghiệp và xây dựng đạt mức cao nhất 215 triệu đồng/lao động/năm, mức năng suất này cũng phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp, xây dựng trong những năm gần đây, góp phần đưa nền kinh tế nước ta đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp vào năm 2030.

Việt Nam luôn chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào trong quá trình sản xuất và áp dụng cho tất cả các ngành, các lĩnh vực. Điều này thể hiện qua sức sản xuất của nền kinh tế ngày một gia tăng, vừa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, vừa xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường lớn trên thế giới. Theo số liệu công bố của Tổng Cục Thống kê thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng nhanh, từ mức 72236,7 triệu USD vào năm 2010 đã tăng lên và đạt mức 371304,2 triệu USD vào năm 2022. Trong đó, cơ cấu nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có sự dịch chuyển theo chiều hướng tích cực, giảm tỷ trọng nhóm hàng nông lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam còn gặp những khó khăn, hạn chế nhất định, cụ thể như sau:

Mặc dù quy mô GDP của Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể trong những năm vừa qua nhưng khi so sánh với các quốc gia trong khu vực ASEAN thì quy mô GDP của Việt Nam vẫn còn khá thấp. Cụ thể theo số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới thì quy mô GDP năm 2021 của Việt Nam đạt 332,27 tỷ USD, đứng vị trí thứ 6 trong khu vực. Indonesia có quy mô GDP đạt 1065,6 tỷ USD, gấp 3 lần Việt Nam; Thái Lan có quy mô GDP đạt 438,48 tỷ USD, gấp 1,31 lần Việt Nam.

“Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm và chất lượng chưa cao. Ngành công nghiệp tuy có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng yếu tố hiện đại trong toàn ngành chưa được quan tâm đúng mức, trình độ kỹ thuật công nghệ nhìn chung, vẫn ở mức trung bình. Công nghiệp chế biến, đặc biệt là những ngành công nghệ cao chưa phát triển”. 11

Khi so sánh với các quốc gia trong khu vực ASEAN thì chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam theo hướng công nghiệp và dịch vụ vẫn còn chậm. Số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới ở Table 5 cho thấy các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Philippine, Singapore, Indonesia có sự dịch chuyển cơ cấu ngành kinh tế qua ngành dịch vụ và công nghiệp chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng GDP của quốc gia.

Table 5 Đóng góp GDP của các ngành trong tổng GDP của các quốc gia khu vực ASEAN (ĐVT:%)

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn còn khá thấp. Điều này phản ánh hàng hóa của Việt Nam chưa đa dạng, phong phú, chất lượng chưa cao và chưa đáp ứng được yêu cầu của các thị trường lớn trên thế giới. Theo số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới vào năm 2022 thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 93,3% GDP, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Singapore đạt 186,6% GDP.

Kết luận và đề xuất kiến nghị

Sau hơn 35 năm thực hiện đổi mới toàn diện nền kinh tế kể từ năm 1986 cho đến nay, cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam đã có sự chuyển dịch theo hướng hợp lý và tích cực, GDP của ngành nông lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng giảm và GDP của ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng dần. Đây là xu hướng dịch chuyển ngành kinh tế phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển nền kinh tế nước ta theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở nước ta vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như đã phân tích ở nội dung nêu trên. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số kiến nghị góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Việt Nam theo hướng hợp lý, tích cực, đóng góp vào quá trình phát triển của nền kinh tế như sau:

Cơ cấu ngành kinh tế cần được chuyển dịch theo hướng chuyên sâu hơn. Cụ thể, tái cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng gia tăng sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm sạch, sản phẩm có giá trị cao trên cơ sở tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Đồng thời đẩy mạnh mối liên kết sản xuất giữa các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp để phát triển hài hòa và nâng cao giá trị gia tăng của các ngành kinh tế.

Chính phủ cần thực hiện nhiều giải pháp vĩ mô và vi mô nhằm nâng cao quy mô GDP của Việt Nam trong những năm tới. Trong đó, chú trọng nâng cao GDP của ngành công nghiệp, dịch vụ và ngành nông nghiệp.

Gia tăng tốc độ và chất lượng chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, áp dụng trình độ khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại nhất là ngành công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị và GDP của ngành công nghiệp.

Gia tăng quy mô kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng được yêu cầu của các thị trường lớn trên thế giới.

Các doanh nghiệp cần được tạo mọi điều kiện thuận lợi và được hỗ trợ để nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào trong quá trình sản xuất, hướng tới sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia xuất khẩu trên toàn cầu. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong việc sản xuất, chế biến, cung ứng sản phẩm hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

ASEAN: Association of South East Asian Nations

GDP: Gross Domestic Product

NG: Nghị quyết

TW: Trung ương

WB: World Bank

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung bài viết chỉ do tác giả thực hiện.

References

  1. Nguyễn Thị Huyền Trang. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tác động của nó tới sự phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh [Luận án tiến sĩ]. Hà Nội: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; 2016. . ;:. Google Scholar
  2. Nguyễn Thị Đông.Tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến tạo việc làm cho người lao động ở Phú Yên. Tạp chí Phát triển và Hội nhập 2014 1-2; 14(24): 82-90. . ;:. Google Scholar
  3. Phạm Công Nghĩa. Cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nghiên cứu thống kê cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân; 2007. p53. . ;:. Google Scholar
  4. Bùi Quang Bình. Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhìn từ góc độ chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế. Kỷ yếu hội thảo: Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân 2011; (2020): p340-345. . ;:. Google Scholar
  5. Nguyễn Văn Tuyên, Trần Hoàng Tuấn. Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra. Tạp chí Tài chính [serial online] 2021 8; (2). . ;:. Google Scholar
  6. Ngô Doãn Vịnh. Bàn về phát triển kinh tế (Con đường dẫn tới giàu sang).Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia Hà Nội; 2005. p463. . ;:. Google Scholar
  7. Ngô Đình Giao. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiêp hóa nền kinh tế quốc dân. Hà nội: NXB Chính trị quốc gia; 1994 (2). p256. . ;:. Google Scholar
  8. Bùi Tất Thắng. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành trong quá trình công nghiêp hóa của các nền kinh tế mới công nghiệp hóa ở Đông Á và Việt Nam. Hà Nội: NXB Khoa học xã hội; 1994. p385. . ;:. Google Scholar
  9. Phí Thị Hồng Linh, Bùi Đức Tuân, Trần Văn Thành. Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng giải pháp giai đoạn 2021-2030. Tạp chí Kinh tế dự báo [serial online] 2020 4. . ;:. Google Scholar
  10. Tổng Cục Thống kê. Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020: thực trạng và giải pháp; 2020. . ;:. Google Scholar
  11. Trần Anh Phương. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: thực trạng và những vấn đề đặt ra. Tạp chí Cộng Sản [serial online] 2009 1 8. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 8 No 1 (2024)
Page No.: 5089-5097
Published: Mar 31, 2024
Section: Review
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v8i1.1340

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Lê, H. (2024). The trend of economic structural transformation in Vietnam during the 2010 - 2022 period. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 8(1), 5089-5097. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v8i1.1340

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 418 times
PDF   = 214 times
XML   = 0 times
Total   = 214 times