Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Review

HTML

1341

Total

369

Share

Vietnam economic positioning in ASEAN since Vietnam joined the ASEAN economic community (AEC)






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Based on secondary data collected from the World Bank, the study presents the position of Vietnam's economy in the ASEAN region since Vietnam joined the ASEAN Economic Community (AEC), from 2016 until now. The analysis results show that the Vietnamese economy has achieved many remarkable results and has increased significantly.This result is shown through indicators of gross national income (GDP), GDP structure, GDP growth rate, Per capita GDP,, import and export turnover of goods and services, labor productivity has grown steadily.Especially in this period, despite facing many difficulties and challenges of the covid-19 pandemic, Vietnam's economy still maintained a positive growth rate and reached an average of 5.65% during this period.However, when compared with countries in the ASEAN region, the scale of Vietnam's economy is still quite low, Vietnam is still one of the least developed economies and the difference between Vietnam and developed countries in the region through comparative indicators. comparison is still quite high. On the basis of the analysis, the study has proposed a number of recommendations for the Vietnamese economy to gradually improve its position in the region in the near future.

Giới thiệu

Việt Nam thực hiện chính sách phát triển và đổi mới nền kinh tế kể từ năm 1986. Kể từ đó, nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, cụ thể theo tính toán của tác giả dựa trên số liệu công bố của Ngân hàng thế giới thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam liên tục đạt ở mức cao và đạt bình quân 5,96 % giai đoạn 2010-2015 và 5,64 % giai đoạn 2016-2021; GPD bình quân đầu người đã tăng từ mức 2291 USD/người/năm vào năm 2010 và đạt mức 3.905 USD/người/năm vào năm 2021. Vào năm 2007, Việt Nam tham gia vào tổ chức thương mại thế giới WTO, hoạt động này đã đánh dấu cho quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới của nước ta. Kể từ năm 2010 Việt Nam đã thoát ra khỏi nhóm các nước nghèo và lạc hậu, chuyển qua nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình. Và từ ngày 31/12/2015 Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập đã mở ra nhiều cơ hội mới cho kinh tế Việt Nam phát triển. Với vai trò là thành viên trong khu vực AEC, nền Việt Nam dự kiến sẽ có nhiều điều kiện cho thuận lợi cho phát triển nhất là về thị trường tiêu thụ sản phẩm và cơ hội tiếp nhận vốn đầu tư. Đặc biệt việc thành lập Cộng đồng AEC với mục tiêu đưa ASEAN trở thành một thị trường và một cơ sở sản xuất thống nhất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các quốc gia trong khu vực. “Có thể nói, nền kinh tế nước ta đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận là do Việt Nam có chính sách kinh tế đúng đắn và và nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới (Nguyễn Thị Cành, 2015)” 1 . Bên cạnh những thuận lợi từ quá trình hội nhập quốc tế nói chung và tham gia cộng đồng kinh tế AEC nói riêng thì nền kinh tế nước ta vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức nhất là trong bối cảnh Việt Nam cam kết hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Nghiên cứu của Nguyễn Trúc Lê, Nguyễn Anh Thu, Nguyễn Quốc Việt (2021) 2 đã khẳng định “Việt Nam đã gia nhập nhóm nước phát triển có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn chưa bền vững, chủ yếu là do phát triển theo chiều rộng, dẫn tới tăng trưởng nóng ở Việt Nam”.Trên cơ sở đó bài viết xác định vị trí nền kinh tế Việt Nam trong khu vực ASEAN qua các chỉ tiêu kinh tế, xem xét những thuận lợi và khó khăn của nền kinh tế kể từ khi gia nhập cộng đồng AEC để có những đề xuất kiến nghị phù hợp.

Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

Bài nghiên cứu sử dụng các chỉ số kinh tế của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Cụ thể là các chỉ tiêu kinh tế được Chính phủ ban hành để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và được cụ thể hóa trong Quyết định số 288/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 ban hành Khung đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 3 . Các chỉ tiêu kinh tế bao gồm: tổng sản phẩm GDP, cơ cấu GDP, tốc độ tăng GDP, GDP bình quân đầu người, xuất nhập khẩu hàng hóa, năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp,…Ngoài ra, dựa trên các nghiên cứu của Nguyễn Trúc Lê, Nguyễn Anh Thu, Nguyễn Quốc Việt (2021) đã định vị lại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu dựa trên việc đánh giá các trong mối tương quan với các quốc gia khác và dựa vào đóng góp của Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào sự phát triển của ngành. Trên cơ sở đó, bài nghiên cứu sử dụng các chỉ tiêu sau đây để định vị nền kinh tế Việt Nam: tổng sản phẩm GDP, cơ cấu GDP, tốc độ tăng GDP, GDP bình quân đầu người, xuất nhập khẩu hàng hóa, năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp.

Số liệu trong bài nghiên cứu chủ yếu là nguồn số liệu thứ cấp được thu thập từ Ngân hàng thế giới trong giai đoạn kể từ sau khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) tức là kể từ năm 2016 cho đến nay. Cụ thể số liệu về tổng sản phẩm GDP thực của các quốc gia trong khu vực ASEN, Cơ cấu GDP của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực ASEAN (GDP bình quân đầu người theo giá cố định năm 2015 của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực ASEAN giai đoạn 2016-2021, kim ngạch xuất khẩu/GDP, nhập khẩu/GDP của các quốc gia trong khu vực ASEAN giai đoạn 2016-2021, năng suất lao động của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực ASEAN giai đoạn 2016-2021 theo giá so sánh năm 2010.

Bài nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích mô tả số liệu thống kê, phương pháp đánh giá và so sánh các chỉ tiêu kinh tế giữa các quốc gia.

Định vị kinh tế Việt Nam trong khu vực ASEAN kể từ sau khi Việt Nam gia nhập AEC

Việt Nam chính thức gia nhập vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á kể từ ngày 28 tháng 7 năm 1995 và là một trong những quốc gia thành viên tích cực, có trách nhiệm, chủ động tham gia và thực hiện đầy đủ các cam kết đã thỏa thuận. Đến cuối năm 2015 với sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Việt Nam tham gia với tư cách là thành viên nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực. Với mục đích tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn với đầu tư – kinh doanh từ bên ngoài, các quốc gia đã kí kết thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong đó có Việt Nam. Tham gia vào cộng đồng AEC, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định:

Vị trí nền kinh tế Việt Nam trong khu vực ASEAN qua các chỉ tiêu kinh tế

Về tổng sản phẩm quốc nội GDP : Trong bài viết, tác giả sử dụng chỉ tiêu GDP thực vì GDP thực bằng GDP danh nghĩa trừ đi các yếu tố thay đổi giá từ thời kỳ này sang thời kỳ khác. Chúng ta so sánh tăng trưởng GDP giữa hai thời kỳ, tăng trưởng GDP danh nghĩa có thể vượt quá mức tăng trưởng nếu có lạm phát. Các nhà kinh tế sử dụng giá hàng hóa tại một năm gốc (base year) như một điểm tham chiếu khi so sánh GDP từ năm này sang năm khác (Trần Văn Hùng, 2022) 4 . Theo số liệu công bố của Ngân hàng thế giới về tổng sản phẩm GDP theo giá so sánh năm 2015 của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực ASEAN được thể hiện ở Table 1 cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đạt 255,26 tỷ USD vào năm 2016 thì đến năm 2021 tổng GDP của Việt Nam đã tăng lên và đạt 332,27 tỷ USD. Như vậy kể từ sau khi gia nhập cộng đồng AEC, GDP của Việt Nam đã tăng lên 1,3 lần, đặc biệt kể từ cuối năm 2019 Việt Nam và các quốc gia trên thế giới chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch covid -19 nhưng GDP của Việt Nam vẫn tăng và đạt 314,94 tỷ USD vào cuối năm 2019 và đạt 323,97 tỷ USD vào năm 2020. So với các quốc gia trong khu vực thì GDP của Việt Nam đứng vị trí thứ 6, cao hơn GDP của Myanma, Lào, Campuchia và Brunei. Như vậy, với định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước về chiến lược phát triển nền kinh tế theo hướng hội nhập quốc tế và khu vực, tổng sản phẩm quốc nội GDP của Việt Nam đã đạt được đáng ghi nhận. Tuy nhiên, GDP của Việt Nam khi so sánh với các quốc gia trong khu vực vẫn còn khá thấp, chỉ bằng 1/3 của Indonesia, bằng 3/4 so với Thái Lan, vẫn còn thấp hơn Malaysia, Phillipines, Singapore.

Table 1 GDP thực của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực ASEAN theo giá so sánh năm 2015 giai đoạn 2016 – 2021 ( ĐVT: tỷ USD)

Tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội GDP : Do có định hướng và đường lối hội nhập đúng đắn mà nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng khá kể từ khi đổi mới nền kinh tế. GDP thực của nền kinh tế có xu hướng tăng trưởng ổn định qua các năm và ngay kể cả đại dịch covid – 19 diễn ra, Việt Nam vẫn giữ được mức tăng GDP thực dương cho đến nay. Kết quả đó giúp cho tốc độ tăng GDP nền kinh tế luôn được giữ vững ở mức trên 6% kể từ sau năm 2015 cho đến hết năm 2019. Đặc biệt, kể từ năm 2020 trở đi trong khi tốc độ tăng GDP thực của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới giảm hoặc tăng trưởng âm nhưng tốc độ tăng GDP thực của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng dương và đạt mức 2,56% vào năm 2021. Và bình quân giai đoạn 2016-2021 tốc độ tăng GDP thực của Việt Nam đạt mức 5,65%/năm. Đây là sự cố gắng nỗ lực và thành công lớn của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ đại dịch covid-19, xung đột quân sự, lạm phát, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn, chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh bị gián đoạn…

Table 2 Tốc độ tăng GDP thực của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực ASEAN theo giá so sánh năm 2015 giai đoạn 2016 – 2021 ( ĐVT: %)

Theo kết quả tính toán của tác giả từ số liệu của Worldbank về tốc độ tăng GDP thực của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực ASEAN theo giá so sánh năm 2015 giai đoạn 2016 – 2021 được thể hiện ở Table 2 cho thấy tốc độ tăng GDP thực theo giá so sánh năm 2015 của Việt Nam khá cao và ổn định trong khu vực. Với tốc độ tăng GDP thực bình quân đạt 5,65%/năm trong giai đoạn 2016-2021 đưa Việt Nam là quốc gia có mức tăng trưởng GDP thực cao nhất trong khu vực trong giai đoạn này, trong khi tốc độ tăng GDP thực trong giai đoạn này của Indonesia đạt 3,65%/năm, Malaysia đạt 2,85%/năm, Thái Lan đạt 1,55%/năm, và nhiều quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng GDP thực âm trong giai đoạn này như Brunei có tốc độ tăng trưởng GDP thực âm 1,56% vào năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP thực của Indonesia đạt mức âm 2,07% vào năm 2020, Malaysia có tốc độ tăng trưởng GDP thực ở mức âm 5,53% vào năm 2020 và Phillipines có tốc độ tăng trưởng GDP thực ở mức âm 9,52% vào năm 2020. Đây là giai đoạn mà hầu hết các gia phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức của đại dịch covid-19 nên tốc độ tăng GDP chậm hơn so với các năm trước và thậm chí rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Riêng Việt Nam thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế” với sự nỗ lực của toàn dân và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận như đã phân tích nêu trên.

Cơ cấu GDP: đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế của các ngành được thể hiện ở Table 3 . Số liệu cho thấy cơ cấu GDP của các quốc gia nhìn chung có xu hướng gia tăng qua các năm đối với ngành công nghiệp và dịch vụ. Ngành công nghiệp và dịch vụ đóng góp chủ yếu trong cơ cấu GDP của các quốc gia trong khu vực. Điều này thể hiện định hướng và kết quả phát triển nền kinh tế của các quốc gia trong khu theo xu hướng phát triển mạnh về công nghiệp và dịch vụ. Đối với Brunei, ngành công nghiệp đóng góp nhiều nhất trong cơ cấu GDP chiếm 62,7%, trong khi đó ngành dịch vụ lại có đóng góp nhiều nhất trong cơ cấu GDP của Singapore 75,1%, của Philiipines 61% và Thái Lan là 56,7%. Riêng đối với Việt Nam trong cơ cấu GDP thì ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng từ 12,6 - 13,8% trong giai đoạn 2016-2021; ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng dao động từ 33,9 - 37,5%, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng dao động từ 49,9% - 52,3%. Như vậy kể từ năm 2016 cho đến nay, cơ cấu GDP đã sự thay đổi theo hướng gia tăng tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ và ngành công nghiệp, đồng thời giảm dần tỷ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp. Đồng thời ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu GDP của cả nước. Như vậy, mục tiêu của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ 2011- 2015 và 2016-2020 là giảm tỷ trọng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản, tăng mạnh tỷ trọng của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và giữ tỷ trọng của nhóm ngành dịch vụ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã hoàn thành được mục tiêu đề ra.

Table 3 Cơ cấu GDP của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực ASEAN (ĐVT:%)

Mặc dù đại dịch covid-19 diễn biến phức tạp và tạo ra nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế song các khu vực của nền kinh tế đã chủ động và có kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể, khắc phục khó khăn, phục hồi và tiếp tục sản xuất. Trong đó, phải kể đến khu vực dịch vụ có sự khôi phục đáng kể sau đại dịch covid-19 và đóng góp vào GDP với tỷ trọng 49,9%.

GDP bình quân đầu người: GDP bình quân theo đầu người thể hiện số lượng hàng hóa và dịch vụ được tạo ra trên mỗi người, cho biết về mức sống trung bình của công dân mỗi quốc gia hay đây là chỉ tiêu cốt lõi đánh giá hiệu quả kinh tế và thường được sử dụng rộng rãi để làm thước đo mức sống trung bình hoặc phúc lợi kinh tế (OECD, 2013) 5 . Theo số liệu công bố về GDP bình quân đầu người của Worldbank được trình bày ở Table 4 cho thấy GDP bình quân đầu người ở hầu hết các quốc gia trong khu vực ASEAN có chiều hướng gia tăng kể từ năm 2016 cho đến nay. Điều này cũng thể hiện mức sống của người dân trong khu vực cũng được tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người giữa các quốc gia trong khu vực có sự chênh lệch và có khoảng cách khá xa. Singapore là quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất trong khu vực với mức 66.176,4 USD/người/năm vào năm 2021, gấp 50 lần Myanma – quốc gia có GDP bình quân đầu người thấp nhất trong khu vực và chỉ đạt 1317 USD/người/năm vào năm 2021. Trong khu vực ASEAN, vào năm 2021 Việt Nam có GDP bình quân đầu người xếp vị trí 6 với mức 3.409 USD/người/năm. Kể từ sau khi đổi mới nền kinh tế vào năm 1986, dưới sự điều hành của Chính phủ và sự quyết tâm của toàn dân, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng khá ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững. Năm 2010, Việt Nam bước vào ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình, thoát khỏi nhóm quốc gia nghèo và lạc hậu. Sau khi gia nhập cộng đồng AEC, năm 2016 GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 2.741,1 USD/người/năm và tăng dần qua các năm. Đến năm 2021 GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 3.409 USD/người/năm, tăng 668 USD/người/năm so với năm 2016, tương ứng với mức tăng 24,36%. So với quốc gia đứng đầu về GDP bình quân đầu người trong khu vực là Singapore thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam còn thua kém 19,4 lần, thua kém về GDP bình quân đầu người so với Malaysia 3,1 lần và so với Thái Lan về GDP bình quân đầu người là 1,8 lần. So với mức GDP bình quân đầu người trung bình của thế giới thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/3 mức trung bình của thế giới. GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể kể từ năm 2016 cho đến nay nhưng so với các quốc gia trong khu vực và trung bình của thế giới thì mức GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn khá thấp và vẫn còn khoảng cách khá xa.

Table 4 GDP bình quân đầu người theo giá cố định năm 2015 của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực ASEAN giai đoạn 2016-2021 (ĐVT: USD/người/năm)

Như vậy, với những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với những xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp vào năm 2015. Đến cuối năm 2021 GDP bình quân đầu người đã tăng 2,4 lần so với năm 2010, tăng 1,3 lần so với năm 2016 và tăng 1,016 lần so với năm 2020.

Xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ: Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Theo nhiều nghiên cứu của nhiều tác giả mà điển hình là Ahmad, D., & Ahmad, J. (2018) 6 , Dritsaki, C, &Stiakakis, E. (2014) 7 , Đinh Hải Phong, Nguyễn Thị Mai Hương (2021) 8 , Lê Hằng Mỹ Hạnh (2021) 9 đã khẳng định những tác động tích cực từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa tới tăng trưởng kinh tế của các quốc gia và của Việt Nam. Ngay từ sau đổi mới nền kinh tế, Chính phủ luôn coi trọng hoạt động xuất khẩu bởi vì “xuất khẩu là mũi nhọn có ý nghĩa quyết định đối với nhiều mục tiêu kinh tế trong 5 năm này (1986-1990), đồng thời cũng là khâu chủ yếu của toàn bộ các quan hệ kinh tế đối ngoại”. Đến năm 2000 Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 22/2000/CT-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ thời kỳ 2001-2010, đã xác định: tiếp tục chủ trương dành ưu tiên cao nhất cho xuất khẩu, tăng tốc xuất khẩu trên mọi lĩnh vực; tạo nguồn hàng có chất lượng, có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao để xuất khẩu; góp phần giải quyết việc làm cho xã hội, tạo nguồn dự trữ ngoại tệ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa…”. Điều này đã thể hiện tầm quan trọng của hoạt động xuất khẩu đối với quá trình phát triển của nền kinh tế. Qua số liệu về kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước ASEAN được trình bày ở Table 5 cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước ASEAN đã có sự gia tăng đáng kể từ năm 2016 cho đến nay. Năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với ASEAN đạt 41.150 triệu USD thì đến năm 2021 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với ASEAN đã tăng lên và đạt 69.892 triệu USD, tăng 28.733 triệu USD, tương ứng với mức tăng 69,8%. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với ASEAN cũng có sự gia tăng đáng ghi nhận, từ mức 17.289 triệu USD vào năm 2016 đã tăng lên và đạt 28.779 triệu USD vào năm 2021, tương ứng với mức tăng 66,45%. Ngay cả khi đại dịch covid-19 diễn biến phức tạp và gây nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu nhưng kết quả hoạt động xuất khẩu của Việt Nam với ASEAN vẫn tăng trưởng dương. Điều này thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của cả nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nói riêng.

Table 5 Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN giai đoạn 2016-2021 (ĐVT: triệu USD)

Trong thời gian tới quy mô và tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước, đặc biệt là khu vực ASEAN được sự báo là sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định với những yếu tố hỗ trợ như tiếp tục hưởng ưu đãi thuế quan với tổng số trên 99% dòng thuế của ASEAN+6 là 0% theo ATIGA; tự do hóa thuế quan; xóa bỏ hàng rào phi thuế; cải thiện yêu cầu về quy tắc xuất xứ; thuận lợi hóa thương mại; đơn giản, hiện đại hóa thủ tục hải quan; hài hòa tiêu chuẩn và chứng nhận sự phù hợp; áp dụng các biện pháp kiểm dịch vệ sinh động thực vật phù hợp. Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục có ưu thế khi xuất khẩu sang thị trường Lào và Campuchia thông qua bản thỏa thuận ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu với Lào và Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mai song phương với Campuchia. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam, giá trị kim ngạch nhập khẩu vẫn còn lớn, Việt Nam và các quốc gia thành viên AEC vẫn chưa chủ động thực hiện liên kết, phân công, thực hiện sản xuất,… để tăng khả năng cạnh tranh quốc gia.

Năng suất lao động: đây là chỉ tiêu thường được sử dụng để phản ánh hiệu suất làm việc của lao động, thường đo bằng tổng sản phẩm trong nước tính bình quân cho một lao động trong thời kỳ tham chiếu, thường là một năm (Tổng cục Thống kê, 2019) 10 . Hay Năng suất lao động được định nghĩa là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực trên mỗi giờ làm việc. Điều này nắm bắt việc sử dụng đầu vào lao động tốt hơn so với chỉ đầu ra trên mỗi lao động, với đầu vào lao động được xác định là tổng số giờ làm việc của tất cả những người liên quan. Dữ liệu được tính bằng số giờ làm việc trung bình nhân với thước đo việc làm tương ứng và nhất quán cho từng quốc gia cụ thể. Dự báo dựa trên đánh giá về môi trường kinh tế ở từng quốc gia và nền kinh tế thế giới, sử dụng kết hợp các phân tích dựa trên mô hình và đánh giá của chuyên gia. Chỉ số này được đo lường như một chỉ số với năm gốc năm 2010=1 (OECD, 2021) 11 . Theo số liệu công bố của tổ chức Lao động thế giới (ILO) được thể hiện ở Table 6 cho thấy năng suất lao động của các quốc gia trong khu vực ASEAN có xu hướng gia tăng kể từ năm 2016 cho đến nay. Singapore là quốc gia có năng suất lao động cao nhất trong khu vực với mức 99.569 USD/người/năm. Brunei có năng suất lao động xếp vị trí thứ 2 và đạt mức 71.435 USD/người/năm. Việt Nam có năng suất lao động xếp vị trí thứ 7 trong khu vực với mức 3.905 USD/người/năm. Cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam cũng có sự gia tăng đáng ghi nhận. Năm 2016 năng suất lao động của Việt Nam đạt mức 2.970 USD/người/năm thì đến năm 2021 năng suất lao động của Việt Nam đạt 3.905 USD/người/năm, tăng 1,3 lần so với năng suất lao động năm 2016. Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực thì năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn khá thấp, chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, bằng 1/7 so với Malaysia, bằng 1/25 so với Singapore.

Table 6 Năng suất lao động của Việt Nam và các quốc gia trong khu vực ASEAN giai đoạn 2016-2021 theo giá so sánh năm 2010 (ĐVT: USD/người/năm)

Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP): phản ánh sự đóng góp của các yếu tố vô hình như kiến thức- kinh nghiệm-kỹ năng lao động, cơ cấu lại nền kinh tế hay hàng hoá-dịch vụ, chất lượng vốn đầu tư mà chủ yếu là chất lượng thiết bị công nghệ, kỹ năng quản lý... Tác động của nó không trực tiếp như năng suất bộ phận mà phải thông qua sự biến đổi của các yếu tố hữu hình, đặc biệt là lao động và vốn (Trung tâm năng suất Việt Nam, 2011) 12 . Theo số liệu công bố của APO được trình bày ở Table 7 cho thấy trong giai đoạn 2015-2020, hầu hết các quốc gia trong khu vực ASEAN đã bị sụt giảm tốc độ tăng TFP và tỷ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế. Riêng Việt Nam có tốc độ tăng TFP dương và đạt 1,4, song tỷ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này giảm 25%. Nguyên nhân là do tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng, mức độ đóng góp của cải thiện công nghệ và năng suất lao động cho tăng trưởng của Việt Nam còn thấp.

Table 7 Tốc độ tăng trưởng kinh tế (%) và tỷ lệ đóng góp của TFP của các nước ASEAN giai đoạn 2015-2020

Đánh giá chung thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong khu vực ASEAN

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên các lĩnh vực tăng trưởng GDP, GDP bình quân đầu người, năng suất lao động, thương mại, dịch vụ…Tuy nhiên, so với các nước ASEAN Việt Nam vẫn là một trong những nước có nền kinh tế kém phát triển nhất, là một trong bốn nước gia nhập ASEAN muộn (CLMV: Campuchia, Lào, Malaysia, Việt Nam). Quy mô nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn khá thấp, theo số liệu công bố của Worldbank thì quy mô GDP của Việt Nam đạt 332,27 tỷ USD, đứng vị trí thứ 6 trong khu vực. Đối với chỉ tiêu GDP bình quân đầu người, cũng theo số liệu công bố của Worldbank thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2021 đạt 3.409 USD/người/năm, xếp vị trí thứ 6 trong khu vực. Vấn đề đáng quan tâm là mức chênh lệch giữa Việt Nam với các quốc gia phát triển ASEAN-6 (Bruney, Indonesia, Malaysia, Philipines, Thái Lan, Singapore) là khá cao. Chênh lệch về cơ cấu kinh tế của các nước khá rõ nét như phân tích nêu trên. Mặc dù có sự gia tăng của các hiệp định thương mại song phương với các đối tác ngoài ASEAN, các nước ASEAN không có một cơ chế chung về thương mại với bên ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty nước ngoài hoạt động tại khu vực ASEAN phải đối mặt với 10 hệ thống (pháp lý) khác nhau. Như vậy giữa các nước thành viên ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng có khoảng cách chênh lệch khá lớn và để liên kết tạo thành một khối thống nhất như mục tiêu AEC đã đề ra thì cần phải nhanh chóng thu hẹp dần khoảng cách này.

Hoạt động thương mại giữa Việt Nam với ASEAN mà cụ thể là cán cân xuất nhập khẩu còn chiếm tỷ lệ thấp, chưa khai thác hết tiềm năng của Việt Nam và ASEAN, hoạt động thương mại của Việt Nam với ASEAN còn theo xu hướng nhập khẩu cao hơn xuất khẩu. Số liệu thống kê của Cơ quan thống kê ASEAN cho thấy trong năm 2021 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang ASEAN đạt 69.892 triệu USD, chỉ chiếm tỷ lệ 14% trong tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam, đáng chú ý Việt Nam vẫn còn ở tình trạng nhập siêu với thị trường này. Năm 2016 Việt Nam nhập siêu từ thị trường ASEAN 6.581 triệu USD thì đến năm 2021 giá trị nhập siêu của Việt Nam từ thị trường đã tăng lên mức 12.334 triệu USD. Nguyên nhân các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa khai thác hết thị trường này, còn tập trung chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Mỹ và EU. Ngoài ra, các nước ASEAN-6 có trình độ phát triển cao nên đòi hỏi tiêu thụ hàng hóa chất lượng cao, khá biệt hoàn toàn với các nước ASEAN-4 có thu nhập thấp và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cấp thấp. Đây là sự phân hóa thị trường lớn khiến nhu cầu hàng hóa bị xé lẻ, không thống nhất và rất khó để xâm nhập thị trường. Với việc đẩy mạnh tự do hóa thương mại nội khối, hàng rào thuế quan và phi thuế quan giữa các nước thành viên AEC sẽ dần bị xóa bỏ. Theo cam kết của Việt Nam trong Hiệp định ATIGA, tính đến tháng 7 năm 2013, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10.000 dòng thuế xuống mức 0 - 5% theo ATIGA, chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế. Từ 2015, sẽ có thêm 1.720 dòng thuế của Việt Nam được cắt giảm xuống mức thuế suất 0%, số còn lại gồm 687 dòng thuế (chiếm 7% biểu thuế), chủ yếu là các mặt hàng nhạy cảm trong thương mại giữa Việt Nam và ASEAN sẽ xuống 0% vào năm 2018. Với mức giảm thuế sâu như vậy, trong tương lai, hàng hóa của các nước ASEAN sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam, dẫn đến việc cải thiện tình trạng nhập siêu của Việt Nam với các nước ASEAN càng trở nên khó khăn hơn.

“Mặc dù Việt Nam có quy mô nguồn lao động lớn và tăng nhanh nhưng chất lượng lao động của Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được các yêu cầu trong phát triển kinh tế. Hiện nay, nước ta đang tồn tại tình trạng thừa lao động phổ thông, thiếu lao động kĩ thuật” (Phạm Thị Bạch Tuyết, 2014) 13 . Từ đó làm cho năng suất lao động của Việt Nam thấp. Năng suất lao động của Việt Nam còn khá thấp và vẫn còn có khoảng cách khá lớn so với các quốc gia trong khu vực như đã phân tích nêu trên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp, trong đó tập trung vào các nguyên nhân chủ yếu là: “quy mô nền kinh tế còn nhỏ, rào cản từ thể chế, quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng tích cực nhưng còn chậm, máy móc thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực còn thấp, khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng năng suất lao động của nền kinh tế (Nguyễn Thị Thu Trang, 2020) 14 . Ngoài ra, tình trạng thể lực của lao động Việt Nam ở mức trung bình kém, cả về chiều cao, cân nặng cũng như sức bền, sự dẻo dai. Do đó, người lao động chưa đáp ứng được cường độ làm việc và những yêu cầu trong việc sử dụng máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế.

Kết luận và kiến nghị

Kể từ sau khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 cho đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận và dần khẳng định vị trí quan trọng của mình trong khu vực. Việc gia nhập AEC có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam và có nhiều lợi thế trên các lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, thu hút vốn đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm nhiều việc làm hơn với mức lương cao hơn ở các nước trong khu vực. Tuy nhiên, tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều thách thức, nhiều vấn đề đang đặt ra. Đó là sự chêch lệch khá xa giữa Việt Nam với các nước trong khu vực như quy mô nền kinh tế Việt Nam nhỏ, mức thu nhập bình quân đầu người thấp, hoạt động thương mại còn chiếm tỷ lệ thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam và các nước ASEAN. Bên cạnh, vấn đề năng suất lao động của Việt Nam cũng là trở ngại khi hội nhập vào AEC, Việt Nam có năng suất lao động thấp hơn hẳn các nước trong khu vực, trình độ tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ ngoại ngữ của lao động thấp. Chính vì vậy bài viết đề xuất một số kiến nghị góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam nâng dần vị trí trong khu vực trong thời gian sắp tới như sau:

Chính phủ tiếp tục thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt kịp trình độ của các nước phát triển hơn trong khu vực.

Chính phủ và các cơ quan ban ngành có liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách trong nước phù hợp với những định hướng lớn của Đảng và nhà nước trong vấn đề phát triển thương mại, phù hợp với luật pháp quốc tế và những khuôn khổ hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả của việc tham gia vào cộng đồng AEC.

Việt Nam cần dành sự đầu tư lớn hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao năng suất lao động vì đây là yếu tố then chốt đưa Việt Nam vượt khỏi ngưỡng nước có thu nhập trung bình trong những năm tới. Đầu tư mạnh mẽ cho phát triển lực lượng lao động có kỹ năng thông qua nâng cao chất lượng đào tạo nghề, cùng với cơ chế, chính sách sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực.

Chính phủ cần giao cho các bộ ngành liên quan xây dựng cơ chế quản lý nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, phương án cơ chế tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, tiến hành điều tra, phân loại, đánh giá khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm, từng ngành hàng, từng dịch vụ, từng doanh nghiệp, từng địa phương để xây dựng kế hoạch, biện pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả và tăng cường khả năng cạnh tranh. nghiên cứu sức cạnh tranh của một số hàng hoá và dịch vụ nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam; xúc tiến việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam.

Chính phủ cần có sự hỗ trợ đối với doanh nghiệp để giảm thiểu chi phí hoạt động kinh doanh thông qua việc cắt giảm chi phí đầu vào sản xuất và cung ứng dịch vụ với thời gian ngắn nhất.

Các doanh nghiệp cần linh hoạt, nhạy bén, sớm nhận diện và nắm bắt cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, nhanh chóng tận dụng những lợi thế và ưu đãi để xúc tiến xuất khẩu qua các quốc gia ASEAN.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

AEC: ASEAN Economic Community

APO: Asian Productivity Organization

ASEAN: Association of South East Asian Nations ATIGA: ASEAN Trade in Goods Agreement

GDP: Gross Domestic Product GNP: Gross National Product

ILO: International Labour Organization

OECD: Organization for Economic Cooperation and Development TFP: Total Factor Productivity

USD: United States Dollar WTO: World Trade Organization

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung bài viết chỉ do tác giả thực hiện.

References

  1. Cành NT, Ngọc ĐT. Tình hình kinh tế Việt Nam trong bối cảnh gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC ). Tạp chí Công nghệ Ngân hàng. 2016. Số 129: 7-22. . ;:. Google Scholar
  2. Lê NT, Thu NA, Việt NQ. Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021. Cổng thông tin đối ngoại (VIETNAM.VN). 2021; Truy cập 9/3/2023. . ;:. Google Scholar
  3. TTg. Quyết định số 288/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc ban hành Khung đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam (Hà Nội); 2022. . ;:. Google Scholar
  4. Hùng TV. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020. Sci. Tech. Dev. J. - Eco. Law Manag 2022; 6(3):3250-3259. . ;:. Google Scholar
  5. OECD. GDP per capita, National Accounts at a Glance 2013. Paris: OECD Publishing; 2013. p.111. . ;:. Google Scholar
  6. Ahmad D, & Ahmad J. An empirical analysis of agricultural export on economic growth: A case study of Pakistan. International Journal of Advanced and Applied Sciences. 2018; 5(2), 25-32. . ;:. Google Scholar
  7. Dritsaki C, & Stiakakis E. Foreign direct investments, exports, and economic growth in Croatia: A time series analysis. Procedia Economics and Finance. 2014; 14, 181-190. . ;:. Google Scholar
  8. Phong ĐH, Hương NTM. Tác động tích cực từ xuất khẩu hàng hóa tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tạp chí Tài chính online. 2021. Truy cập ngày 22/7/2022. . ;:. Google Scholar
  9. Hạnh LHM. Đánh giá tác động của xuất khẩu đến tăng trưởng kinh tế. Tạp chí Tài chính online. 2021. Truy cập ngày 22/7/2022. . ;:. Google Scholar
  10. Tổng cục thống kê. Năng suất lao động xã hội. 2019. Truy cập 21/7/2022. . ;:. Google Scholar
  11. OECD. OECD compendium of producivity indicators 2021. 2021. . ;:. Google Scholar
  12. Trung tâm Năng suất Việt Nam. Báo cáo nghiên cứu chỉ tiêu năng suất Việt Nam 2006-2007. 2011. Truy cập 9/3/2023. . ;:. Google Scholar
  13. Tuyết PTB. Thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với lao động ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Khoa học ĐH Sư Phạm TP.HCM. 2014; số 60: 162-170. . ;:. Google Scholar
  14. Trang NTT. Thực trạng năng suất lao động của Việt Nam và giải pháp tăng năng suất lao động. Tạp chí Công Thương. 2020; số 12, tháng 5/2020. Truy cập 22/7/2022. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 2 (2023)
Page No.: 4284-4294
Published: May 31, 2023
Section: Review
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i2.1196

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Le, H. (2023). Vietnam economic positioning in ASEAN since Vietnam joined the ASEAN economic community (AEC). Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 7(2), 4284-4294. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i2.1196

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1341 times
PDF   = 369 times
XML   = 0 times
Total   = 369 times