Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

1185

Total

456

Share

The impact of firm characteristics on accrual-based earnings management: The case of listed companies in the manufacturing industry






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The research focuses on measuring the impact of factors related to the firm’s character: firm performance, investment opportunities, financial leverage, firm size, capital intensity that affect the accrual-based earnings management of manufacturing companies listed in Viet Nam. Data sample of 203 manufacturing companies listed in Viet Nam during the period 2017-2020 resulting in 812 firms-year observation, the FGLS regression method was selected through the necessary tests. The results of the analysis showed firm performance, financial leverage have positive effects on earnings management; firm size, capital intensity have negative effects on earnings management; investment opportunities insignificant effects on earnings management of manufacturing companies listed in Viet Nam during the period 2017-2020. In addition, the research has divided the sample to test the different trend impact of firm characteristics on accrual-based earnings management when data 2020 have been severely affected by the COVID-19 pandemic. The results show that the impact of firm characteristics on accrual-based earnings management with the sample year 2019-2020 has a different trend with the sample year 2017-2018; 2018-2019 and total sample 2017-2020.

Giới thiệu

Thông tin lợi nhuận trình bày trên báo cáo tài chính được xem là chỉ tiêu quan trọng nhất và thường được sử dụng trong các mô hình định giá doanh nghiệp 1 . Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận có thể bị bóp méo bởi hành động quản trị lợi nhuận nhằm đạt được lợi thế trong việc thương lượng giá hoặc đáp ứng một số yêu cầu trong quản lý. Hành động quản trị lợi nhuận có thể được thực hiện thông qua việc vận dụng tính linh hoạt của khoản dồn tích 2 , 3 . Khi có sự can thiệp của nhà quản lý vào quá trình lập báo cáo tài chính, sẽ làm giảm mức độ tin cậy của lợi nhuận được trình bày, theo đó chất lượng lợi nhuận sẽ bị đánh giá thấp.

Tại Việt Nam, đã có khá nhiều nghiên cứu về chủ đề lợi nhuận, một số nghiên cứu tập trung vào phân tích các nhân tố đặc điểm công ty tác động đến quản trị lợi nhuận 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 . Các kết quả nghiên cứu cho thấy có sự tác động khác nhau của các nhân tố đến quản trị lợi nhuận của công ty, tạo cơ sở đưa ra các nhận xét, các khuyến nghị nhằm giúp nhà đầu tư, các bên liên quan có các quyết định thích hợp. Bên cạnh các nghiên cứu với mẫu tổng thể các công ty niêm yết, một số nghiên cứu còn tập trung đo lường với đối tượng công ty thuộc một ngành nghề cụ thể 9 . Nhân tố ngành có tác động đến quản trị lợi nhuận 10 nên việc nghiên cứu liên quan đến chủ đề quản trị lợi nhuận tại một ngành cụ thể cũng thường được xem xét nhằm tránh ảnh hưởng của nhân tố ngành.

Tại Việt Nam, các công ty thuộc ngành sản xuất giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế 11 . Đồng thời, các công ty thuộc ngành sản xuất niêm yết trên thị trường chứng khoán thường có quy mô lớn. Điều này sẽ thu hút sự chú ý của người sử dụng thông tin và sự kỳ vọng lớn của nhà đầu tư về hiệu quả hoạt động của công ty khi đưa ra các quyết định.

Với các lý do trên, tác giả đã thực hiện đề tài “Tác động của các nhân tố đặc điểm công ty đến quản trị lợi nhuận dồn tích: Trường hợp các công ty thuộc ngành sản xuất”. Các nhân tố đặc điểm công ty được nghiên cứu trong bài viết bao gồm: hiệu quả hoạt động, triển vọng phát triển, đòn bẩy tài chính, quy mô công ty, mức độ thâm dụng vốn. Khoảng thời gian nghiên cứu được cập nhật mới giai đoạn 2017-2020, kết quả thực nghiệm được mong đợi sẽ đưa đến người đọc những thông tin về hành động quản trị lợi nhuận của các công ty thuộc ngành sản xuất niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2017-2020 và dựa vào đó có thể đưa ra những nhận xét về quản trị lợi nhuận của công ty. Đồng thời, nghiên cứu cũng cung cấp cho người đọc những thông tin về sự tác động của các nhân tố liên quan đến đặc điểm công ty đến quản trị lợi nhuận, từ đó đưa ra những nhận xét, gợi ý chính sách phù hợp.

Bài nghiên cứu sẽ có cấu trúc gồm 5 phần: (1) Giới thiệu; (2) Cơ sở lý thuyết và tổng quan các nghiên cứu liên quan đến bài nghiên cứu; (3) Phương pháp nghiên cứu; (4) Kết quả nghiên cứu và thảo luận; (5) Kết luận và gợi ý chính sách.

1. Cơ sở lý thuyết và tổng quan các nghiên cứu liên quan đến bài nghiên cứu

Cơ sở lý thuyết

Chất lượng lợi nhuận và quản trị lợi nhuận

Chất lượng lợi nhuận (EQ) được đánh giá qua nhiều khía cạnh, nhiều hoàn cảnh, nhiều quan điểm khác nhau nên gần như không có một định nghĩa cụ thể nào về chất lượng lợi nhuận 12 . Theo quan điểm của nhà phân tích tài chính cho rằng lợi nhuận có chất lượng cao khi giá trị lợi nhuận được trình bày phản ánh chính xác giá trị nội tại của công ty. Cũng dựa vào tính hữu ích của thông tin lợi nhuận đối với người sử dụng thông tin, Barker và Imam (2008) 13 nhận xét rằng công ty có chất lượng lợi nhuận cao sẽ nhận được sự ưu thích của người sử dụng thông tin báo cáo tài chính hơn những công ty có chất lượng lợi nhuận thấp.

Quản trị lợi nhuận được định nghĩa: “Quản trị lợi nhuận xảy ra khi nhà quản lý sử dụng sự điều chỉnh trong báo cáo tài chính và trong cấu trúc các giao dịch để thay đổi báo cáo tài chính hoặc nhằm đánh lừa một số bên liên quan về hiệu quả hoạt động của công ty hoặc ảnh hưởng đến kết quả hợp đồng mà phụ thuộc vào số liệu kế toán được báo cáo” (Healy và Wahlen, 1999) 14 .

Giữa chất lượng lợi nhuận và quản trị lợi nhuận có mối liên hệ chặt chẽ. Nhiều quan điểm đồng ý rằng quản trị lợi nhuận càng cao sẽ ảnh hưởng làm cho chất lượng lợi nhuận thấp 15 . Theo hướng quan điểm này, tác giả sẽ vận dụng đo lường quản trị lợi nhuận là một yếu tố đại diện cho chất lượng lợi nhuận.

Các lý thuyết liên quan đến bài nghiên cứu

Một số lý thuyết được vận dụng trong bài nghiên cứu để đưa ra giả thuyết về ảnh hưởng của các nhân tố đặc điểm công ty tác động đến quản trị lợi nhuận:

Lý thuyết ủy nhiệm (Agency theory) liên quan giữa bên ủy nhiệm và bên được ủy nhiệm 16 được vận dụng trong bài nghiên cứu để đưa ra giả thuyết về sự tác động của nhân tố đòn bẩy tài chính đến hành động quản trị lợi nhuận của nhà quản lý. Bên cho vay được xem là người trao quyền đối với bên đi vay để quản lý một lượng tiền nhất định nhằm thực hiện một số nghĩa vụ theo thỏa thuận. Tuy nhiên, khi công ty dường như không duy trì được điều kiện về lợi nhuận thì ban lãnh đạo sẽ có xu hướng điều chỉnh lợi nhuận nhằm tránh các vi phạm điều khoản theo thỏa thuận. Điều này dẫn đến chất lượng lợi nhuận sẽ thấp. Do đó, công ty có mức đòn bẩy càng cao thì mức quản trị lợi nhuận tăng dẫn đến chất lượng của lợi nhuận sẽ thấp.

Lý thuyết tín hiệu (Signaling theory) được vận dụng trong bài nghiên cứu để đưa ra giả thuyết về mối quan hệ của nhân tố hiệu quả hoạt động với chất lượng lợi nhuận của công ty. Các công ty có xu hướng lựa chọn những chính sách nhằm thể hiện chất lượng vượt trội của công ty hoặc che giấu bớt những khuyết điểm khi công ty có chất lượng thấp 17 . Khi công ty có hiệu quả hoạt động kém, các nhà quản lý có xu hướng tác động đến lợi nhuận theo hướng điều chỉnh tăng lợi nhuận nhằm đưa đến đưa đến thị trường những tín hiệu về sự duy trì hiệu quả hoạt động của công ty.

Các nghiên cứu nước ngoài

Bài nghiên cứu tổng quan của 12 đã phân nhóm các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận của công ty thành sáu nhóm: (1) Đặc điểm công ty; (2) Thông lệ báo cáo tài chính; (3) Quản trị và kiểm soát; (4) Kiểm toán; (5) Sự thúc đẩy của thị trường vốn; (6) Các yếu tố bên ngoài. Trong đó, nhân tố liên quan đến đặc điểm công ty được nhận định là có mối liên quan lớn đến việc áp dụng các chính sách kế toán. Vì vậy, nó thường được xem xét đưa vào mô hình nghiên cứu đo lường tác động của các nhân tố đến khoản dồn tích.

Khá nhiều nghiên cứu thực nghiệm đo lường quản trị lợi nhuận dồn tích theo mô hình Jones điều chỉnh 18 , 19 , 20 , 21 , 22 , 23 , 24 , 25 khi thực hiện đề tài nghiên cứu về nhân tố đặc điểm công ty ảnh hưởng đến quản trị lợi nhuận dồn tích. Các nhà nghiên cứu có thể kết hợp nhiều nhóm nhân tố khác nhau để thực hiện nghiên cứu hoặc tập trung vào một nhóm nhân tố cụ thể.

Nghiên cứu của Bassiouny (2016) 20 thì tập trung vào nghiên cứu tác động của các nhân tố đặc điểm công ty đến quản trị lợi nhuận dồn tích. Bassiouny (2016) 20 nghiên cứu với mẫu là các công ty niêm yết tại Egypt giai đoạn 2007-2011. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra đòn bẩy tài chính và quản trị lợi nhuận có mối quan hệ cùng chiều, các nhân tố liên quan đến đặc điểm công ty còn lại gồm quy mô công ty, tuổi công ty chưa thấy mối liên hệ về mặt ý nghĩa thống kê.

Jessica (2020) 24 nghiên cứu đặc điểm công ty và đặc điểm quản trị công ty tác động đến hành vi quản trị lợi nhuận với mẫu nghiên cứu là các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Indonesia giai đoạn 2014-2018. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nhân tố liên quan đến đặc điểm công ty (hiệu quả hoạt động, quy mô công ty) có tác động đến quản trị lợi nhuận. Quản trị lợi nhuận đo lường theo mô hình nghiên cứu của Dechow và cộng sự (1995) 2 . Kết quả nghiên cứu của Jessica (2020) 24 cũng cho thấy các nhân tố liên quan đến đặc điểm quản trị công ty (hoạt động phát hành cổ phiếu và công ty kiểm toán) có tác động đến quản trị lợi nhuận.

Nghiên cứu thực nghiệm của Gozali và cộng sự (2021) 23 tại các công ty niêm yết tại Singapore về đặc điểm công ty tác động đến quản trị lợi nhuận trong giai đoạn 2017-2018. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhân tố tuổi công ty, quy mô công ty tác động đến hành động quản trị lợi nhuận dựa vào khoản dồn tích, các nhân tố đòn bẩy tài chính và lợi nhuận (ROA) thì không tác động.

Bên cạnh việc nghiên cứu với mẫu là tổng thể các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, một số nhà nghiên cứu còn đi sâu vào phân tích mối quan hệ này theo từng ngành khác nhau. Bởi vì, các ngành khác nhau có những đặc điểm, chính sách đặc thù của ngành và nghiên cứu thực nghiệm cũng chỉ ra nhân tố ngành có tác động đến hành động quản trị lợi nhuận của nhà quản lý 10 .

Nghiên cứu của Ghani và cộng sự (2019) 26 về tác động của đặc điểm công ty đến quản trị lợi nhuận dựa vào khoản dồn tích đo lường theo mô hình nghiên cứu của Dechow và cộng sự (1995) 2 tại các công ty thuộc ngành công nghệ tại Malaysian. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhân tố quy mô công ty tác động cùng chiều đến quản trị lợi nhuận. Các công ty lớn có xu hướng thực hiện quản trị lợi nhuận nhằm cải thiện thông tin về hiệu quả của công ty. Hai nhân tố còn lại liên quan đến đặc điểm công ty được Ghani và cộng sự (2019) 26 đưa vào mô hình nghiên cứu là lợi nhuận của công ty (ROA) và đòn bẩy tài chính (LEV) thì không tác động đến quản trị lợi nhuận. Tuy nhiên, bài nghiên cứu của Ghani và cộng sự (2019) 26 cũng còn một số hạn chế khi phạm vi nghiên cứu khá ngắn 2015-2016 và các nhân tố liên quan đến đặc điểm công ty đưa vào mô hình khá ít. Vì vậy, nghiên cứu Ghani và cộng sự (2019) 26 cũng đề xuất cần quan sát thực nghiệm qua một vài năm và mở rộng hơn về nhân tố liên quan đến đặc điểm công ty vào mô hình nghiên cứu.

Cudia và cộng sự (2021) 22 nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm công ty và quản trị công ty đến quản trị lợi nhuận: trường hợp các công ty thuộc lĩnh vực bất động sản niêm yết trên thị trường Philippines. Kết quả nghiên cứu cho thấy trong các nhân tố về đặc điểm công ty được đưa vào mô hình nghiên cứu (lợi nhuận, đòn bẩy, dòng tiền hoạt động, quy mô công ty) thì có hai nhân tố dòng tiền hoạt động, quy mô công ty tác động đến hành động quản trị lợi nhuận. Quản trị lợi nhuận được đo lường thông qua khoản dồn tích có thể điều chỉnh theo mô hình nghiên cứu của Dechow và cộng sự (1995) 2 .

Từ những tổng quan trên cho thấy nghiên cứu tập trung vào từng nhóm nhân tố tác động đến quản trị lợi nhuận thuộc từng ngành cụ thể cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu được mong đợi đem lại những ý nghĩa thực tiễn đối với người sử dụng thông tin khi tìm hiểu về các công ty thuộc một ngành cụ thể.

Các nghiên cứu ở Việt Nam

Bài nghiên cứu của Hung và Van (2020) 5 về đặc điểm công ty ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận tại các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2008-2018. Chất lượng lợi nhuận (EQ) được đo lường dựa vào nhiều khía cạnh: quản trị lợi nhuận (Earnings Management), chất lượng dồn tích (Accrual quality), sự ổn định của lợi nhuận (Earnings persistence), sự liên tục của lợi nhuận (Earnings Smoothness), khả năng ước đoán (Predictability), độ lệch chuẩn của lợi nhuận (Earnings Variability), giá trị thích hợp (Value relevance), tính liên tục (Timeliness). Các nhân tố liên quan đến đặc điểm công ty được đưa vào mô hình để đo lường mức ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận bao gồm: tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), đòn bẩy tài chính (LEV), quy mô doanh nghiệp (SIZE), sự phát triển (GROWTH), tỷ lệ tài sản cố định được đầu tư (PPET), độ lệch chuẩn của dòng tiền (sdCFO), độ lệch chuẩn của doanh thu (sdREVE). Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhân tố ROA, GROWTH, PPET, sdCFO, sdREVE có mối liên hệ ngược chiều với EQ; nhân tố LEV tác động cùng chiều EQ và SIZE là nhân tố không tác động đến EQ.

Nguyễn Thị Ngọc Trang và Bùi Kim Phương (2020) 7 nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận của các công ty niêm yết tại Việt Nam. Chất lượng lợi nhuận (EQ) được ước tính thông qua chất lượng dồn tích theo mô hình nghiên cứu của Dechow và Dichev (2002) 27 . Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận được Nguyễn Thị Ngọc Trang và Bùi Kim Phương (2020) 7 đưa vào mô hình nghiên cứu khá nhiều các nhân tố liên quan đến đặc điểm công ty: hiệu quả hoạt động (ROA), quy mô công ty (SIZE), đòn bẩy tài chính (LEV), tốc độ tăng trưởng doanh thu (SALESG), mức độ thâm dụng vốn (PPETA), tuổi công ty (AGE). Kết quả nghiên cứu các nhân tố AGE, LEV, PPETA tác động cùng chiều với EQ; nhân tố SALESG tác động ngược chiều với EQ; các nhân tố ROA, SIZE không tác động đến EQ.

Nghiên cứu của Nguyễn Vĩnh Khương và cộng sự (2021) 8 đo lường tác động của đặc điểm doanh nghiệp và hội đồng quản trị đến quản trị lợi nhuận trường hợp các công ty niêm yết tại Việt Nam giai đoạn 2014-2018. Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhân tố liên quan đến đặc điểm công ty: tài sản cố định hữu hình tác động ngược chiều với quản trị lợi nhuận; quy mô doanh nghiệp và tỷ lệ nợ tác động cùng chiều đến quản trị lợi nhuận. Nhân tố liên quan đến hội đồng quản trị (tỷ lệ thành viên độc lập của hội đồng quản trị) tác động ngược chiều với quản trị lợi nhuận.

Bên cạnh các nghiên cứu với mẫu tổng thể là các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng có một số nghiên cứu tập trung vào các ngành cụ thể.

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Thanh Phương và cộng sự (2020) 9 về ảnh hưởng của cấu trúc nợ đến chất lượng lợi nhuận của các công ty thuộc lĩnh vực năng lượng niêm yết tại Việt Nam. Chất lượng lợi nhuận (EQ) được đo lường qua việc xem xét hành vi quản trị lợi nhuận dồn tích theo mô hình nghiên cứu của Dechow và cộng sự (1995) 2 . Nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận được Nguyễn Thị Thanh Phương và cộng sự (2020) 9 đưa vào mô hình nghiên cứu gồm: nợ phải trả (APDebt), nợ vay ngắn hạn (StDebt), nợ vay dài hạn (LtDebt), quy mô công ty (SIZE), hiệu quả hoạt động (ROA). Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nhân tố APDebt và StDebt tác động ngược chiều với EQ; các nhân tố LtDebt, SIZE tác động cùng chiều với EQ; nhân tố ROA thì không tác động đến EQ về mặt ý nghĩa thống kê.

Nghiên cứu liên quan đến nhân tố tác động đến quản trị lợi nhuận là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Những nghiên cứu về đề này cũng luôn được cập nhật theo thời gian, không gian bởi sự phát triển không ngừng của nền kinh tế thị trường và hợp tác quốc tế thì yếu tố liên quan đến lợi nhuận rất được quan tâm. Vì vậy, trong bài nghiên cứu này tác giả sẽ tiếp tục thực hiện nghiên cứu liên quan đến chủ đề quản trị lợi nhuận. Tác giả thực hiện đo lường quản trị lợi nhuận thông qua khoản dồn tích; các nhân tố tác động đến quản trị lợi nhuận tập trung vào các nhân tố đặc điểm công ty bởi mối liên hệ của các nhân tố này với các khoản dồn tích có thể điều chỉnh như đã trình bày ở phần tổng quan. Bài nghiên cứu cũng có tính cập nhật về mặt thời gian, dữ liệu đo lường trong khoảng thời gian từ 2017-2020. Phạm vi nghiên cứu cụ thể hơn tập trung vào các công ty thuộc ngành sản xuất niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Phương pháp nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu

Bài nghiên cứu dựa vào cách phân loại nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận theo nghiên cứu tổng quan của Dechow và cộng sự (2010) 12 và các nghiên cứu thực nghiệm để đề xuất mô hình nghiên cứu. Tác giả tập trung đo lường ảnh hưởng của nhóm nhân tố đặc điểm công ty: hiệu quả hoạt động; triển vọng phát triển; đòn bẩy tài chính; quy mô công ty tác động đến quản trị lợi nhuận (thông qua khoản dồn tích) tại các công ty thuộc ngành sản xuất niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, dựa vào đặc điểm công ty thuộc ngành sản xuất cần khoản đầu tư lớn vào tài sản cố định để phục vụ sản xuất nên tác giả đưa thêm nhân tố mức độ thâm dụng vốn vào nhóm nhân tố để thực hiện đo lường.

Mô hình nghiên cứu được trình bày như sau:

EM: quản trị lợi nhuận, biến phụ thuộc được ước lượng từ mô hình nghiên cứu của Dechow và cộng sự (1995) 2

ROA: hiệu quả hoạt động

GROWTH: triển vọng phát triển

LEV: đòn bẩy tài chính

SIZE: quy mô công ty

PPEA: mức độ thâm dụng vốn

: Hệ số chặn

, ..., : Các hệ số

ε: phần sai sót ước tính

i: công ty i ; t: năm t; t-1: năm t-1

Mô hình Jones điều chỉnh được nghiên cứu bởi Dechow và cộng sự (1995) 14 là mô hình thường được sử dụng để phát hiện hành vi quản trị lợi nhuận qua các khoản dồn tích có thể điều chỉnh (DAC). Trong bài nghiên cứu của mình tác giả đã vận dụng mô hình này để đo lường biến phụ thuộc. Mô hình nghiên cứu của Dechow và cộng sự (1995) 2 :

Trong đó:

TA: tổng biến dồn tích được tính toán dựa theo nghiên cứu của Hribar và Collins (2002) 28

(NI: lợi nhuận sau thuế; CFO: lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh)

∆REV: sự thay đổi doanh thu

∆REC: sự thay đổi khoản phải thu khách hàng

PPE: nguyên giá bất động sản, nhà máy và các trang thiết bị

A: Tổng tài sản

ε: residual, phần dư

i: công ty i ; t: năm t; t-1: năm t-1

Phần dư ε từ công thức (1) đại diện cho khoản dồn tích có thể điều chỉnh (DAC). Giá trị tuyệt đối của DAC là biến phụ thuộc trong mô hình nghiên cứu.

Giả thuyết nghiên cứu

Hiệu quả hoạt động

Hiệu quả hoạt động của công ty được đo lường qua tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), chỉ số này nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào một công ty. Nhận biết được điều này, nhà quản trị sẽ có xu hướng thực hiện quản trị lợi nhuận để đưa đến người sử dụng thông tin những tín hiệu tốt về hiệu quả hoạt động. Sự tăng cường quản trị lợi nhuận sẽ ảnh hưởng làm giảm chất lượng lợi nhuận. Các kết quả nghiên cứu thực nghiệm của cũng cho thấy nhân tố hiệu quả hoạt động có tác động cùng chiều với quản trị lợi nhuận 29 , 30 . Giả thuyết được đặt ra về mối liên hệ giữa hiệu quả hoạt động và quản trị lợi nhuận như sau:

Giả thuyết H1: Hiệu quả hoạt động có tác động cùng chiều với quản trị lợi nhuận của công ty.

Triển vọng phát triển

Triển vọng phát triển được đo lường dựa vào tỷ lệ giữa giá trị thị trường và giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu 19 , 31 . Triển vọng phát triển có thể là động lực chính để nhà quản lý thực hiện quản trị lợi nhuận, làm sai lệch thông tin lợi nhuận vì áp lực phải giải quyết các vấn đề về sự tăng trưởng chậm lại của công ty hoặc giảm sút doanh thu, hay phải duy trì sự tăng trưởng đã có 32 . Những cố gắng đáp ứng kỳ vọng như vậy có thể là một động lực chính làm cho các nhà quản lý dùng khoản dồn tích có thể điều chỉnh là một công cụ hữu ích để đạt được mục tiêu. Iyengar (2010) 33 cũng tìm thấy sự tác động cùng chiều của triển vọng phát triển đến quản trị lợi nhuận. Theo hướng tác động giữa triển vọng phát triển và quản trị lợi nhuận tác giả đưa ra giả thuyết:

Giả thuyết H2: Triển vọng phát triển có tác động cùng chiều với quản trị lợi nhuận.

Đòn bẩy tài chính

Theo lý thuyết ủy nhiệm (Agency theory) bên cho vay được xem là người trao quyền đối với bên đi vay để quản lý một lượng tiền nhất định nhằm thực hiện một số nghĩa vụ theo thỏa thuận. Tuy nhiên, khi công ty dường như không duy trì được điều kiện về lợi nhuận thì ban lãnh đạo sẽ có xu hướng điều chỉnh lợi nhuận nhằm tránh các vi phạm điều khoản theo thỏa thuận. Điều này dẫn đến chất lượng lợi nhuận sẽ thấp. Kết hợp với một số nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam cho thấy, nguồn cung cấp vốn vay chủ yếu trên thị trường tập trung vào các khoản vay ngân hàng. Tuy nhiên, do sự phát triển không đồng đều giữa sự tăng trưởng của ngành ngân hàng và đội ngũ nhân sự dẫn đến hoạt động giám sát đối với các khoản vay còn thấp (trích bởi nghiên cứu của Khanh và Thu, 2019) 34 . Dẫn đến nhiều khả năng các công ty có mức đòn bẩy càng cao thì mức độ quản trị lợi nhuận sẽ cao để đáp ứng điều kiện vay. Dựa vào các căn cứ trên tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu:

Giả thuyết H3: Công ty có đòn bẩy tài chính càng cao thì quản trị lợi nhuận càng nhiều.

Quy mô công ty

Các công ty thuộc ngành sản xuất thường là các công ty có quy mô lớn 35 đặc điểm này cũng thu hút sự chú ý của nhiều đối tượng sử dụng thông tin báo cáo của doanh nghiệp. Do phải tuân thủ quy định của các cơ quan chức năng cũng như sự giám sát của thị trường nên các công ty có quy mô lớn sẽ có những hạn chế trong việc thực hiện quản trị lợi nhuận. Mối quan hệ ngược chiều giữa quy mô công ty và quản trị lợi nhuận cũng được tìm thấy trong các nghiên cứu của 36 , 37 . Theo hướng đó, giả thuyết trong bài nghiên cứu như sau:

Giả thuyết H4: Quy mô công ty có tác động ngược chiều với quản trị lợi nhuận.

Mức độ thâm dụng vốn

Mức độ thâm dụng vốn cũng là nhân tố được chú ý đối với các công ty thuộc ngành sản xuất. Mức độ thâm dụng vốn được đo lường qua tỷ lệ tài sản cố định chia cho tổng tài sản 38 , 36 . Theo kết quả nghiên cứu của Gopalan và Jayaraman (2012) 38 ; Ismail và cộng sự (2015) 36 cho thấy công ty có mức thâm dụng vốn càng cao sẽ hạn chế hành vi quản trị lợi nhuận. Các công ty có tài sản cố định cao sẽ là cơ hội để nhà quản lý thực hiện quản trị lợi nhuận thông qua thông qua khoản chi phí khấu hao. Tuy nhiên, nhận thấy được đặc điểm quan trọng này các cơ quan chính phủ sẽ tăng cường sự kiểm tra, giám sát. Vì vậy, sự tăng cường giám sát của các cơ quan chính phủ đối với các công ty có mức thâm dụng vốn lớn được kỳ vọng sẽ hạn chế được hành vi quản trị lợi nhuận. Dựa vào hướng kết quả trên, tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu:

Giả thuyết H5: Mức độ thâm dụng vốn có tác động ngược chiều đến quản trị lợi nhuận.

Table 1 trình bày tổng hợp thang đo các biến trong mô hình nghiên cứu và kỳ vọng về xu hướng tác động của các biến theo giả thuyết đã đặt ra.

Table 1 Tổng hợp các biến trong mô hình

Dữ liệu nghiên cứu

Từ danh sách các công ty đang niêm yết trên hai sàn giao dịch HOSE, HNX và thông tin ngành nghề hoạt động của công ty tác giả tìm kiếm trên trang thông tin của Vietstock. Tác giả lọc ra các công ty thuộc nhóm ngành Sản xuất. (Cách phân ngành theo NAICS 2007. Ngành sản xuất , mã phân ngành cấp 1: 500 Sản xuất, là ngành tạo ra sản phẩm từ nguyên liệu ban đầu thông qua quá trình chuyển đổi cơ, lý, hóa học, ví dụ sản xuất thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, giầy da, hóa chất, dược phẩm, thiết bị điện – điện tử - viễn thông,…)

Tổng danh sách công ty thuộc ngành sản xuất đang niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX là 231 công ty. Những công ty không có đầy đủ dữ liệu đo lường trong giai đoạn nghiên cứu tác giả sẽ bị loại khỏi danh sách mẫu nghiên cứu. Kết quả còn lại 203 công ty trong giai đoạn nghiên cứu 2017-2020, tạo thành 812 quan sát.

Cùng với việc đo lường tác động của các nhân tố đặc điểm công ty đến quản trị lợi nhuận dồn tích giai đoạn 2017-2020. Tác giả còn thực hiện tách mẫu nghiên cứu thành 3 nhóm mẫu: Mẫu 1 giai đoạn 2017-2018, mẫu 2 giai đoạn 2018-2019, mẫu 3 giai đoạn 2019-2020 để xem xét xu hướng tác động của các nhân tố đặc điểm công ty đến quản trị lợi nhuận dồn tích. Qua việc tách mẫu nghiên cứu này cũng hỗ trợ xem xét tác động của các nhân tố đặc điểm công ty đến quản trị lợi nhuận dồn tích như thế nào khi giai đoạn 2019-2020 có sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (giai đoạn này nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đặc biệt là năm 2020 đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh).

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Thống kê mô tả

Table 2 Kết quả thống kê mô tả các biến trong mô hình

Table 2 thể hiện kết quả thống kê mô tả các biến trong mô hình nghiên cứu với phạm vi nghiên cứu là các công ty thuộc ngành sản xuất niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2017-2020. Giá trị trung bình và giá trị thấp nhất của biến phụ thuộc |DAC| là 0,092 và 0,000 (giá trị nhỏ nhất của |DAC| là khác 0 nhưng do quá trình làm tròn nên số liệu thể hiện ở bảng là 0) cho thấy có hành động quản trị lợi nhuận tại các công ty ngành sản xuất niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Mức quản trị lợi nhuận có sự chênh lệch khá lớn giữa các năm trong giai đoạn 2017-2020. Các công ty ngành sản xuất có tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản ở mức trung bình là 6,3% trong giai đoạn 4 năm 2017-2020; triển vọng phát triển được đo lường bởi giá thị trường trên giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu, đạt giá trị trung bình là 1,330 thấp nhất là 0,098 và cao nhất là 12,681. Tỷ lệ nợ so với tổng tài sản có mức trung bình là 45,5% cho thấy các công ty sử dụng nhiều nguồn lực từ vốn chủ sở hữu; tỷ lệ tài sản cố định trên tổng tài sản chiếm mức trung bình là 22,3% và tỷ lệ cao nhất là 83,7% cho thấy giá trị tài sản cố định chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu tài sản; quy mô công ty được đo lường qua giá trị logarithm của tổng tài sản có mức trung bình là 11,949.

Kết quả hồi quy mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến quản trị lợi nhuận

Lựa chọn mô hình phù hợp

Table 3 Bảng kết quả hồi quy đa biến

Tác giả thực hiện các thao tác trên phần mềm Stata để lựa chọn ước lượng phù hợp với mô hình nghiên cứu giữa ba ước lượng OLS, FEM, REM

So sánh OLS và FEM

Tác giả áp dụng kiểm định F-test. Kết quả giá trị F(202, 604) = 1,410 và Prob > F = 0,001, có mức ý nghĩa thống kê 1% cho thấy lựa chọn FEM phù hợp hơn OLS.

So sánh OLS và REM

Tác giả áp dụng kiểm định BP Lagrange test. Kết quả giá trị chibar2(01) = 9,930 và Prob > chibar2 = 0,001, có mức ý nghĩa thống kê 1% cho thấy lựa chọn REM phù hợp hơn OLS.

So sánh FEM và REM

Tác giả áp dụng kiểm định Hausman test. Kết quả giá trị chi2(5) = 2,590 và Prob>chi2 = 0,763, không có mức ý nghĩa thống kê, điều này cho thấy lựa chọn REM phù hợp hơn FEM

Sau khi thực hiện các kiểm định thì ước lượng theo mô hình tác động ngẫu nhiên (REM) là phù hợp nhất đối với mô hình nghiên cứu.

Kiểm định các trường hợp khuyết tật của mô hình do vi phạm các giả định

(1) Các biến độc lập không có tương quan với nhau (không có hiện tượng đa cộng tuyến)

Table 4 Mô hình tương quan và hệ số khuếch đại phương sai (VIF)

Theo kết quả ở Table 4 , tất cả các giá trị VIF của mỗi biến độc lập của mô hình đều nhỏ hơn 2, cho thấy không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.

(2) Giả định phương sai của sai số không đổi

Kết quả kiểm định BP Lagrange test ( Table 3 ) có giá trị Chibar2 (01) = 9,930 và Prob > chibar2 = 0,001; có mức ý nghĩa thống kê 1%, điều này cho thấy mô hình xảy ra hiện tương phương sai của sai số thay đổi.

(3) Giả định về tự tương quan

Kiểm định Wooldridge test được áp dụng để kiểm tra hiện tượng tự tương quan trong mô hình nghiên cứu. Kết quả kiểm định cho thấy giá trị thống kê F (1, 202) = 0,205 và Prob > F = 0,651 (không có mức ý nghĩa thống kê). Như vậy mô hình không xảy ra hiện tượng tự tương quan.

Kết quả kiểm định cho thấy mô hình không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến hay tự tương quan nhưng lại xảy ra hiện tượng phương sai của sai số thay đổi. Để khắc phục vi phạm này, tác giả thực hiện phương pháp hồi quy FGLS (ước lượng bình phương bé nhất tổng quát khả thi) ( Table 3 ). Kết quả ước lượng cho thấy các nhân tố hiệu quả hoạt động (ROA), đòn bẩy tài chính (LEV), quy mô công ty (SIZE), mức độ thâm dụng vốn (PPEA) có tác động đến quản trị lợi nhuận, còn nhân tố triển vọng phát triển (GROWTH) không tác động đến quản trị lợi nhuận về mặt ý nghĩa thống kê.

Ước lượng theo phương pháp (FGLS) cũng được áp dụng với các nhóm mẫu nghiên cứu nhằm đảm bảo tính thống nhất về việc sử dụng phương pháp ước lượng và phương pháp (FGLS) cũng có một số ưu điểm có thể kiểm soát được hiện tượng tự tương quan, phương sai thay đổi (Nguyễn Thị Liên Hoa và Bùi Thị Bích Phương, 2014) 42 . Kết quả hồi quy theo các nhóm mẫu được trình bày như bảng bên dưới:

Table 5 Kết quả hồi quy đa biến theo các mẫu giai đoạn

Dựa vào bảng dữ liệu ( Table 5 ) cho thấy có sự tác động của các nhân tố ROA, LEV, SIZE, PPEA đến khoản dồn tích có thể điều chỉnh (|DAC|) và mức độ tác động của các nhân tố này đến |DAC| theo hướng giống nhau với mẫu 1 và 2. Nhân tố ROA có mức tác động mạnh nhất đến |DAC|, tiếp đến là các nhân tố PPEA, LEV, SIZE. Kết quả này cũng thống nhất với hướng kết quả hồi quy đo lường được với mẫu dữ liệu trong cả giai đoạn 2017-2020 ( Table 3 ).

Kết quả đo lường được thể hiện tại Table 5 , còn cho thấy sự tác động của các nhân tố đến |DAC| với mẫu 3 (giai đoạn 2019-2020) có sự thay đổi. Cụ thể, không tìm thấy sự tác động của các nhân tố ROA, LEV đến |DAC| về mặt ý nghĩa thống kê.

Thảo luận

Dựa vào kết quả nghiên cứu, tác giả có những phân tích và thảo luận về sự tác động của các nhân tố đặc điểm công ty đến quản trị lợi nhuận của các công ty thuộc ngành sản xuất niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam như sau:

Mức quản trị lợi nhuận được đo lường thông qua biến dồn tích có thể điều chỉnh (DAC) theo mô hình nghiên cứu của Dechow và cộng sự (1995) 2 . Theo đó, giá trị |DAC| càng cao thì quản trị lợi nhuận càng nhiều.

Nhân tố hiệu quả hoạt động (ROA): ROA tác động cùng chiều với |DAC| mức tác động là 0,1881. Kết quả nghiên cứu giống với giả thuyết đặt ra và cũng giống với nghiên cứu của Hùng và Vân (2020) 5 trên mẫu tổng thể các công ty niêm yết tại Việt Nam. Điều này cho thấy các yêu cầu về chỉ tiêu lợi nhuận là động lực lớn nhất thúc đẩy nhà quản trị can thiệp vào quá trình lập báo cáo tài chính nhằm đạt được một số mục tiêu và yêu cầu đặt ra đối với nhà quản trị tại các công ty ngành sản xuất niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2017-2020.

Sự tác động của nhân tố hiệu quả hoạt động (ROA) đến quản trị lợi nhuận là mạnh nhất trong mô hình nghiên cứu. Phát hiện này cho thấy mối liên hệ hỗ trợ nhau của hiệu quả hoạt động (ROA) và QTLN. Cụ thể, các công ty ty có hiệu quả hoạt động cực cao đang tham gia vào quản trị lợi nhuận nhằm duy trì niềm tin của thị trường chứng khoán và đưa đến tín hiệu về hiệu quả hoạt động trong tương lai 30 .

Nhân tố triển vọng phát triển (GROWTH): triển vọng phát triển có tác động ngược chiều với quản trị lợi nhuận tuy nhiên không có mặt ý nghĩa về mặt thống kê.

Nhân tố đòn bẩy tài chính (LEV): Nhân tố đòn bẩy tài chính (LEV) tác động cùng chiều với giá trị |DAC|. Giống với giả thuyết đặt ra, công ty có đòn bẩy tài chính càng cao thì quản trị lợi nhuận càng nhiều. Cho thấy với áp lực đạt được một số điều kiện trong hợp đồng nợ sẽ thúc đẩy nhà quản trị thực hiện quản trị lợi nhuận. Kết quả nghiên cứu giống với nghiên cứu của Khanh và Thu (2019) 34 , đòn bẩy có tác động cùng chiều với khoản dồn tích có thể điều chỉnh với mẫu nghiên cứu là 241 công ty tại Việt Nam giai đoạn 2010-2016. Khanh và Thu (2019) 34 cũng đưa ra giải thích về sự tác động này đó là: (1) áp lực đạt được các yêu cầu trong hợp đồng vay, (2) nguồn tài trợ vốn chủ yếu từ ngân hàng và (3) sự giám sát của ngân hàng còn ít. Những điều này sẽ tạo cơ hội để nhà quản lý thực hiện quản trị lợi nhuận.

Nhân tố quy mô công ty (SIZE): Nhân tố quy mô công ty tác động ngược chiều với khoản dồn tích có thể điều chỉnh. Theo đó, các công ty có quy mô lớn thường tuân thủ quy định của các cơ quan cũng như sự giám sát từ thị trường nên sẽ có những hạn chế trong việc quản trị lợi nhuận. Kết quả này giống với kết quả nghiên cứu của Peasnell và cộng sự (2000) 37 ; Ismail và cộng sự (2015) 36 . Sự tác động ngược chiều của quy mô công ty đến khoản dồn tích có thể điều chỉnh cũng được tìm thấy trong nghiên cứu gần đây của Nguyễn Công Phương và Phạm Nguyễn Đình Tuấn (2020) 43 với mẫu nghiên cứu là các công ty niêm yết tại Việt Nam giai đoạn 2010-2018.

Nhân tố mức độ thâm dụng vốn (PPEA): Giống với dự đoán tại giả thuyết đặt ra mức thâm dụng vốn sẽ tác động ngược chiều với quản trị lợi nhuận. Điều này phù hợp với đặc điểm các công ty ngành sản xuất sẽ cần một khoản đầu tư lớn vào tài sản cố định nhằm đáp ứng các yêu cầu sản xuất hàng hóa. Theo đó, công ty có mức độ thâm dụng vốn cao sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chính phủ dẫn đến hạn chế hành động quản trị lợi nhuận của nhà quản lý. Vì vậy, công ty có mức thâm dụng vốn càng cao thì chất lượng lợi nhuận càng cao hơn. Kết quả này cũng giống với kết quả tìm được trong nghiên cứu của Gopalan & Jayaraman (2012) 38 ; Ismail và cộng sự (2015) 36 ; Khanh và Thu (2019) 34 .

Kết quả hồi quy cho thấy hầu hết các nhân tố liên quan đến đặc điểm công ty được đưa vào mô hình nghiên cứu đều tác động đến quản trị lợi nhuận dựa trên khoản dồn tích tại các công ty thuộc ngành sản xuất niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2017-2020. Cụ thể, hệ số ảnh hưởng của nhân tố đòn bẩy tài chính (LEV) và nhân tố hiệu quả hoạt động (ROA) đến khoản dồn tích mang dấu dương, mức ảnh hưởng lần lượt là 0,057 và 0,163 ( Table 3 ). Các kết quả này cho thấy công ty sử dụng khoản nợ vay càng nhiều thì áp lực đạt được các yêu cầu về việc duy trì hiệu quả hoạt động hoặc cải thiện hiệu quả hoạt động theo thỏa thuận trong hợp đồng vay sẽ tạo động lực để nhà quản lý thực hiện quản trị lợi nhuận. Kết quả này phù hợp với lý giải của Khanh và Thu (2019) 34 về sự giám sát còn ít của bên cho vay (chủ yếu là ngân hàng) sẽ tạo động lực để nhà quản lý thực hiện quản trị lợi nhuận nhằm đáp ứng yêu cầu vay.

Hệ số ảnh hưởng của nhân tố quy mô công ty (SIZE) và nhân tố mức thâm dụng vốn (PPEA) đến khoản dồn tích mang dấu âm, với mức ảnh hưởng lần lượt là 0,019 và 0,094 ( Table 3 ). Kết quả này cho thấy, các công ty thuộc ngành sản xuất thường có quy mô lớn và mức đầu tư vốn vào tài sản cố định cao, những đặc điểm sẽ này thu hút sự chú ý và giám sát của nhà đầu tư nhằm đảm bảo nguồn vốn được đầu tư hợp lý.

Cùng với việc đo lường tác động của các nhân tố đặc điểm công ty đến quản trị lợi nhuận (QTLN) giai đoạn 2017-2020. Tác giả còn thực hiện tách mẫu nghiên cứu thành 3 nhóm mẫu (Mẫu 1 giai đoạn 2017-2018, mẫu 2 giai đoạn 2018-2019, mẫu 3 giai đoạn 2019-2020) để so sánh hướng tác động của các nhân tố đến QTLN trong các giai đoạn. Kết quả hồi quy cho thấy hướng tác động của các nhân tố đến QTLN với mẫu 1, 2 giống nhau và giống với tổng thể giai đoạn. Nhân tố ROA tác động mạnh nhất đến QTLN, tiếp đến lần lượt là các nhân tố PPEA, LEV, SIZE. Nhân tố GROWTH không tác động đến QTLN.

Với mẫu 3 giai đoạn 2019-2020, kết quả hồi quy cho thấy hướng tác động của các nhân tố đến QTLN có sự thay đổi nhiều. Các nhân tố liên quan đến tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và tỷ lệ giữa tổng nợ trên tổng tài sản (LEV) không tác động đến QTLN. Điều này cho thấy các nhân tố ROA, LEV có thể chịu nhiều sự tác động của đại dịch Covid-19 (bùng phát mạnh tại nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam vào năm 2020). Đồng thời, dựa vào kết quả đo lường này, tác giả cũng đã bổ sung thêm hạn chế của bài viết khi chưa có sự kết hợp đo lường quản trị lợi nhuận theo nhiều mô hình khác nhau để đo lường tác động của các nhân tố đặc điểm công ty đến QTLN, đặc biệt là giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19 sẽ có sự tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

Kết luận và gợi ý chính sách

Kết luận

Nghiên cứu đã có đóng góp về mặt thực nghiệm khi đo lường quản trị lợi nhuận thông qua quản trị lợi nhuận dồn tích theo mô hình nghiên cứu của Dechow và cộng sự (1995) 2 áp dụng vào một ngành cụ thể. Kết quả nghiên cứu cho thấy có hành động quản trị lợi nhuận (QTLN) dựa trên khoản dồn tích tại các công ty thuộc ngành sản xuất niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Mức QTLN có sự chênh lệch lớn giữa các năm trong giai đoạn. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra các nhân tố liên quan đến đặc điểm công ty: nhân tố hiệu quả hoạt động (ROA), đòn bẩy tài chính (LEV), quy mô công ty (SIZE), mức độ thâm dụng vốn (PPEA) tác động đến quản trị lợi nhuận của các công ty thuộc ngành sản xuất niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, các nhân tố hiệu quả hoạt động (ROA), đòn bẩy tài chính (LEV) tác động cùng chiều với quản trị lợi nhuận. Các nhân tố quy mô công ty (SIZE), mức độ thâm dụng vốn (PPEA) tác động ngược chiều với quản trị lợi nhuận.

Dữ liệu nghiên cứu trong bài viết về “Tác động của các nhân tố đặc điểm công ty đến quản trị lợi nhuận dồn tích: trường hợp các công ty thuộc ngành sản xuất” cũng mang tính cập nhật (giai đoạn 2017-2020). Nghiên cứu cũng thực hiện chia nhóm mẫu để xem xét xu hướng tác động của các nhân tố đặc điểm công ty đến quản trị lợi nhuận giữa các mẫu giai đoạn. Kết quả xu hướng tác động của các nhân tố đặc điểm công ty đến quản trị lợi nhuận giai đoạn 2017-2018 và giai đoạn 2018-2019 thì giống nhau và giống với mẫu tổng thể. Với mẫu giai đoạn 2019-2020 thì xu hướng tác động của các nhân tố đặc điểm công ty đến quản trị lợi nhuận thì khác so với hai mẫu kia. Kết quả này cho thấy hoạt động của doanh nghiệp sản xuất có thể chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt là các chỉ tiêu liên quan đến lợi nhuận và đòn bẩy tài chính.

Bài nghiên cứu còn một số hạn chế khi chưa có sự kết hợp nhiều nhân tố để đo lường tác động của các nhân tố đến quản trị lợi nhuận. Nghiên cứu cũng cần mở rộng đo lường quản trị lợi nhuận thông qua nhiều thước đo khác nhau, đặc biệt với dữ liệu có sự tác động mạnh của đại dịch Covid-19.

Gợi ý chính sách

Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ thông tin được công bố của 203 công ty ngành sản xuất niêm yết trên trị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2017-2020. Kết quả nghiên cứu chỉ ra đặc điểm các công ty thuộc ngành sản xuất thường có khoản đầu tư lớn vào tài sản cố định để thực hiện sản xuất hàng hóa (mức thâm dụng vốn lớn). Yếu tố này sẽ thu hút sự chú ý của các bên liên quan trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát dẫn đến nhà quản lý khó có cơ hội thực hiện các hành động quản trị lợi nhuận, dẫn đến công ty có mức thâm dụng vốn lớn thì mức quản trị lợi nhuận dựa vào khoản dồn tích thấp. Vì vậy, cần tiếp tục duy trì sự giám sát đối với việc đầu tư vào tài sản cố định tại các công ty thuộc ngành sản xuất.

Dựa vào kết quả nghiên cứu, tác giả đưa ra đề xuất đối với các nhà đầu tư, các bên liên quan cần xem xét kỹ hơn về chỉ tiêu hiệu quả hoạt động (ROA) cần kết hợp nhiều yếu tố khi đánh giá quản trị lợi nhuận; cần gia tăng sự kiểm tra, giám sát từ bên cho vay đối với các công ty ngành sản xuất niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, quy mô công ty là nhân tố tạo niềm tin về chất lượng thông tin lợi nhuận được công bố. Người sử dụng thông tin cũng cần xem xét nhiều yếu tố và vận dụng các tính toán khác nhau khi đánh giá các công ty ngành sản xuất niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào những năm đại dịch Covid-19 bùng phát.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

DAC : Discretionary accruals

EM : Earnings management

EQ: Earnings quality

FEM : Fixed effects model

FGLS : Feasible Generalized Least Squares

HOSE : Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh

HNX : Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội

NAICS : North American Industry Classification System

OLS : Ordinary least squares

QTLN : Quản trị lợi nhuận

REM : Random Effects Model

TUYÊN BỐ XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung bài viết chỉ do tác giả thực hiện.

References

  1. Dechow PM. Accounting earnings and cash flows as measures of firm performance: The role of accounting accruals. Journal of accounting and economics. 1994;18:3-42. . ;:. Google Scholar
  2. Dechow PM, Richard G. Sloan, and Amy P. Sweeney. Detecting earnings management. Accounting review. 1995:193-225. . ;:. Google Scholar
  3. Jones JJ. Earnings management during import relief investigations. Journal of accounting research. 1991;29:193-228. . ;:. Google Scholar
  4. Dương Bùi Văn, Điệp Ngô Hoàng. Đặc điểm hội đồng quản trị và hành vi quản trị lợi nhuận của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Kinh tế và quản trị kinh doanh. 2017;12:113-26. . ;:. Google Scholar
  5. Hung DN, Van VTT. Researching the Firm Characteristics Affecting the Earnings Quality: The Case of Vietnam. Quality-Access to Success. 2020;21. . ;:. Google Scholar
  6. Ngô Nhật Phương Diễm, Phan Thị Huyền, Trần Thị Nguyệt Nga. Các đặc điểm bên trong công ty tác động đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính: Bằng chứng thực nghiệm tại Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Tài chính-Marketing. 2020:27-39. . ;:. Google Scholar
  7. Trang Nguyễn Thị Ngọc, Phương Bùi Kim. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận của các công ty niêm yết tại Việt Nam. Tạp chí nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á. 2020;29:05-20. . ;:. Google Scholar
  8. Khương Nguyễn Vĩnh, Vân Nguyễn Cẩm. Tác động của đặc điểm doanh nghiệp và hội đồng quản trị đến quản trị lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam= Impacts of Firm and Board Characteristics on Earnings Management of Listed Firms on Vietnam Stock Market. VNU Journal of Economics and Business. 2021. . ;:. Google Scholar
  9. Phuong NTT, Hung DN, Van VTT, Xuan NT. Effect of Debt Structure on Earnings Quality of Energy Businesses in Vietnam. International Journal of Energy Economics and Policy. 2020;10:396. . ;:. Google Scholar
  10. Abed S, Al-Attar A, Suwaidan M. Corporate governance and earnings management: Jordanian evidence. International Business Research. 2012;5:216. . ;:. Google Scholar
  11. Tổng cục thống kê. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2020. 2020. . ;:. Google Scholar
  12. Dechow P, Ge W, Schrand C. Understanding earnings quality: A review of the proxies, their determinants and their consequences. Journal of accounting and economics. 2010;50:344-401. . ;:. Google Scholar
  13. Barker R, Imam S. Analysts' perceptions of 'earnings quality'. 2008;38:313-29. . ;:. Google Scholar
  14. Healy PM, Wahlen JM. A review of the earnings management literature and its implications for standard setting. 1999;13:365-83. . ;:. Google Scholar
  15. Kin Lo. Earnings management and earnings quality. Journal of accounting and economics. 2008;45:350-7. . ;:. Google Scholar
  16. Jensen MC, Meckling WH. Theory of the firm: Managerial behavior, agency costs and ownership structure. Journal of financial economics. 1976;3:305-60. . ;:. Google Scholar
  17. Morris R. Signalling, agency theory and accounting policy choice. 1987;18:47-56. . ;:. Google Scholar
  18. Alsaadi A, Ebrahim MS, Jaafar A. Corporate social responsibility, Shariah-compliance, and earnings quality. Journal of financial services research. 2017;51:169-94. . ;:. Google Scholar
  19. Alves S. The effect of board independence on the earnings quality: evidence from portuguese listed companies. Australasian Accounting, Business and Finance Journal. 2014;8:23-44. . ;:. Google Scholar
  20. Bassiouny SW. The impact of firm characteristics on earnings management: an empirical study on the listed firms in Egypt. Journal of Business and Retail Management Research. 2016;10. . ;:. Google Scholar
  21. Chen T. Internal control, life cycle and earnings quality-An empirical analysis from Chinese market. Open Journal of Business and management. 2016;4:301-11. . ;:. Google Scholar
  22. Cudia CP, Cruz ALD, Estabillo MB. Effect of Firm Characteristics and Corporate Governance Practices on Earnings Management: Evidence from Publicly Listed Property Sector Firms in the Philippines. Vision. 2021;25:77-87. . ;:. Google Scholar
  23. Gozali EOD, Hamzah RS, Pratiwi CN, Octari M. FIRM CHARACTERISTICS AND EARNINGS MANAGEMENT IN LISTED SINGAPOREAN CORPORATIONS. Jurnal Riset Akuntansi Kontemporer. 2021;13:72-81. . ;:. Google Scholar
  24. Jessica V. The Effect of firm characteristics and good corporate governance characteristics to earning management behaviors. Journal of Accounting, Finance and Auditing Studies. 2020;6:31-49. . ;:. Google Scholar
  25. Trombetta M, Imperatore C. The dynamic of financial crises and its non-monotonic effects on earnings quality. Journal of Accounting and Public Policy. 2014;33:205-32. . ;:. Google Scholar
  26. Ghani EK, Azemi M, Afifah N, Puspitasari, Evita. The effect of firm characteristics on earnings management practices among Malaysian public listed companies in the technological industry. Management & Accounting Review. 2019;18:1-18. . ;:. Google Scholar
  27. Dechow PM, Dichev I. The quality of accruals and earnings: The role of accrual estimation errors. 2002;77:35-59. . ;:. Google Scholar
  28. Hribar P, Collins DWJJoAr. Errors in estimating accruals: Implications for empirical research. 2002;40:105-34. . ;:. Google Scholar
  29. Kothari SP, Leone AJ, Wasley CE. Performance matched discretionary accrual measures. Journal of accounting and economics. 2005;39:163-97. . ;:. Google Scholar
  30. Lazzem S, Jilani F. The impact of leverage on accrual-based earnings management: The case of listed French firms. Research in International Business and Finance. 2018;44:350-8. . ;:. Google Scholar
  31. Bekiris FV, Doukakis, C L. Corporate governance and accruals earnings management. Managerial and Decision Economics. 2011;32:439-56. . ;:. Google Scholar
  32. Summers SL, Sweeney JT. Fraudulently misstated financial statements and insider trading: An empirical analysis. Accounting Review. 1998:131-46. . ;:. Google Scholar
  33. Iyengar R, Land J, Zampelli E. Does board governance improve the quality of accounting earnings? Accounting Research Journal. 2010;23:49-68. . ;:. Google Scholar
  34. Khanh MTH, Thu PA. The effect of financial leverage on real and accrual-based earnings management in Vietnamese firms. Economics & Sociology. 2019;12:299-333. . ;:. PubMed Google Scholar
  35. Irianto BS, Sudibyo YA, Wafirli A. The influence of profitability, leverage, firm size and capital intensity towards tax avoidance. International Journal of Accounting and Taxation. 2017;5:33-41. . ;:. Google Scholar
  36. Ismail WAW, Kamarudin KA, Sarman SR. The quality of earnings in Shariah-compliant companies: evidence from Malaysia. Journal of Islamic Accounting and Business Research. 2015. . ;:. Google Scholar
  37. Peasnell KV, Pope PF, Young S. Accrual management to meet earnings targets: UK evidence pre-and post-Cadbury. The British Accounting Review. 2000;32:415-45. . ;:. Google Scholar
  38. Gopalan R, Jayaraman S. Private Control Benefits and Earnings Management : Evidence from Insider Controlled Firms. Journal of Accounting Research. 2012;50:117-57. . ;:. Google Scholar
  39. Myers J, Myers L, Omer T. Exploring the term of the auditor-client relationship and the quality of earnings: a case for mandatory auditor rotation? The Accounting Review. 2003;78:779-99. . ;:. Google Scholar
  40. Yang CY, Lai HN, Tan BL. Managerial ownership structure and earnings management. Journal of Financial Reporting and Accounting. 2008;6:35-53. . ;:. Google Scholar
  41. Cascino, Pugliese S, Mussolino A, Sansone D, Chiara. The influence of family ownership on the quality of accounting information. Family Business Review. 2010;23:246-65. . ;:. Google Scholar
  42. Hoa Nguyễn Thị Liên, Phương Bùi Thị Bích. Nghiên cứu các nhân tố tác động đến đầu tư trực tiếp nước ngoài tại những quốc gia đang phát triển. Tạp chí Phát triển & Hội nhập, Số. 2014;14:01-2. . ;:. Google Scholar
  43. Phương Nguyễn Công, Tuấn Phạm Nguyễn Đình. Quản trị lợi nhuận và nợ: bằng chứng từ các công ty niêm yết ở Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á. 2020;30:31-50. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 3 (2022)
Page No.: 2944-2956
Published: Aug 20, 2022
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i3.931

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Tran, D. (2022). The impact of firm characteristics on accrual-based earnings management: The case of listed companies in the manufacturing industry. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(3), 2944-2956. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i3.931

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1185 times
PDF   = 456 times
XML   = 0 times
Total   = 456 times