Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Review

HTML

2049

Total

871

Share

Copyright protection measures under Vietnam law- Comparison with CPTPP agreement






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Intellectual property rights have increasingly gained prominence in the community, especially in terms of copyright. Currently, acts of copyright infringement are getting sophisticated and common. Although the law has established and maintained a number of protections for rights holders, the issue of how to effectively protect copyright is always the most concerned topic, particularly in the period when digital technology has ascended the peak combined with a strongly developed network connection. Therefore, international treaties were also signed up to support at the international level and promote copyright protection within member countries. The law must attempt to promptly regulate infringement in the increasingly complex and sophisticated digital environment. Currently, there are various copyright protection measures such as self-protection measures from copyright owners who may use technological measures or the penalty imposition of the competent authorities when infringement emerges. Thus, this article concentrates on analyzing feasible and suitable measures in copyright protection in accordance with the requirements of the current trend through the analysis of Vietnamese law, compared with CPTPP Agreement.

Đặt vấn đề

Bảo vệ bản quyền là một nội dung được đề cập khá lâu trên thế giới xuất phát điểm ban đầu từ Anh năm 1710, tiếp nối nhiều quốc gia khác cũng đã ghi nhận việc bảo hộ quyền tác giả như Hoa Kỳ, Pháp, Đức… và bắt đầu bảo hộ mang tính xuyên quốc gia thông qua các Điều ước quốc tế gồm một số điều ước như Công ước Berne năm 1971, Công ước bản quyền năm 1971, Hiệp ước bản quyền của WIPO năm 1996, Công ước Rome năm 1961, Hiệp định Trips. 1 Đối với Việt Nam, vấn đề này chính thức được ghi nhận trong văn bản pháp lý tại Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 2 . Trải qua một khoảng thời gian khá dài, và qua hai lần sửa đổi 3 , 4 thì việc điều chỉnh các vấn đề quyền tác giả cũng được cập nhật và dần thích nghi với tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Tuy nhiên, hành vi xâm phạm đến quyền tác giả đến nay vẫn chưa được xử lý kịp thời và thích đáng, dẫn đến tâm lý thờ ơ và thất vọng khi va chạm đến các vấn đề này.

Hơn nữa, môi trường kỹ thuật số phát triển kéo theo các hệ thống mạng hình thành như vũ bão đã tạo điều kiện thúc đẩy sự tinh vi hơn trong các hành vi xâm phạm bản quyền. Đặc biệt hiện nay, Hiệp định CPTPP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên là: Ốt-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam và đã có hiệu lực tại Việt Nam vào ngày 14/1/2019. Hiệp định đã đặt ra khá nhiều những yêu cầu khắt khe đối với phạm vi quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng. Trong đó, điều quan trọng là đề cập đến các biện pháp thực thi, xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, nhất là trong môi trường mạng. Một trong những điều đặc biệt lưu tâm đến là việc làm sao để hạn chế được các hành vi xâm phạm cũng như đặt ra những giải pháp nào khả thi nhất để công tác bảo vệ quyền tác giả trong khuôn khổ quốc gia cũng như theo cam kết chung trong Hiệp định CPTPP được khả quan hơn. Thách thức này đặt ra có thể giải quyết bằng cách tìm kiếm một giải pháp tối ưu cho con đường bảo vệ quyền tác giả đặt ra hiện nay với bối cảnh gắn liền với môi trường kỹ thuật số và internet. Các biện pháp phòng ngừa và xử lý luôn được đặt ra, chủ yếu được đề cập và bàn luận về biện pháp công nghệ, các biện pháp xử lý trọng tâm như biện pháp dân sự, biện pháp hành chính và biện pháp hình sự.

Bảo vệ quyền tác giả bằng biện pháp công nghệ

Công tác bảo vệ quyền tác giả trong môi trường mạng hiện nay đề cập có thể thực hiện theo cách phòng ngừa hoặc phát hiện xử lý bởi các biện pháp cơ bản của Luật sở hữu trí tuệ. Đối với pháp luật Việt Nam, quyền sử dụng các biện pháp công nghệ được ghi nhận ngay từ đầu khi có Luật sở hữu trí tuệ 2005 và được tiếp nối qua các lần sửa đổi (Luật SHTT). Điều này được ghi nhận tại Điều 198 Luật SHTT và được chi tiết tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 105/2006/NĐ-CP ban hành ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ: “Các biện pháp công nghệ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm: (i)Đưa các thông tin chỉ dẫn về căn cứ phát sinh, Văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu, phạm vi, thời hạn bảo hộ và các thông tin khác về quyền sở hữu trí tuệ lên sản phẩm, phương tiện dịch vụ, bản gốc và bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng (sau đây trong Điều này gọi chung là sản phẩm) nhằm thông báo rằng sản phẩm là đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ đang được bảo hộ và khuyến cáo người khác không được xâm phạm; (ii) Sử dụng phương tiện hoặc biện pháp kỹ thuật nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt, bảo vệ sản phẩm được bảo hộ.”

Theo đó các chủ thể được quyền áp dụng các biện pháp công nghệ để phòng ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình. Tuy nhiên, các biện pháp nào khả thi và hữu hiệu nhất, cũng như áp dụng thực tế ra sao thì về mặt pháp lý đang mở ra cho các chủ thể lựa chọn nhưng tuân thủ theo Luật Công nghệ thông tin, Luật An ninh mạng và các văn bản pháp lý liên quan hỗ trợ. Trong thời kỳ công nghệ đang phát triển mạnh mẽ thì sau nó sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy nếu không biết sử dụng bản thân công nghệ để điều chỉnh các hành vi của chủ thể nhất là trong môi trường bảo vệ bản quyền hiện nay. Điều này cần sự kết hợp hài hòa với các quy định pháp luật cũng như biện pháp xử lý nhằm hạn chế và răn đe các hành vi xâm phạm đến việc sử dụng và truyền tải các tác phẩm nhằm ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ thể quyền. Có nhiều cách thức thực hiện dựa vào biện pháp công nghệ đã được triển khai như ICOP (Chương trình cản trở nội dung bất hợp pháp). Hệ thống này cho phép, bằng phương tiện kỹ thuật để nhận ra các điểm đặc biệt và tìm kiếm tự động, có thể tự động theo dõi nội dung được sao chép trên Internet và tự động yêu cầu giám sát quá trình sao chép. Một cách khác là sử dụng P2P, một hình thức dịch vụ trực tuyến đặc biệt cung cấp để quản lý và báo cáo nhận dạng và lưu trữ nội dung có thể tải xuống. 5 Ngoài ra, gần đây công nghệ điện toán đám mây cũng là một trong những lựa chọn tốt để góp phần bảo vệ các tác phẩm trên Internet một cách an toàn hơn. Trước đây, chỉ có các doanh nghiệp lớn có đủ ngân sách để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và giải pháp để triển khai các giải pháp công nghệ thông tin để bảo vệ bản quyền nội dung số. Ngày nay, với công nghệ điện toán đám mây, các doanh nghiệp thuê cơ sở hạ tầng và phần mềm hệ thống để triển khai bảo vệ bản quyền nội dung số với chi phí đầu tư và công nghệ tốt hơn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là không phải một cá nhân nào cũng có khả năng để sử dụng và khai thác các biện pháp công nghệ ấy.

Bên cạnh đó, có nhiều phần mềm của chương trình máy tính hỗ trợ chống sao chép và quản lý quyền (DRM) cho các nội dung đa phương tiện như sách điện tử hay video. Hoặc việc bảo vệ thông qua chương trình duyệt website an toàn như APS hay Add-on . Ngoài giải pháp đã nêu thì Kỹ thuật thuỷ vân số (Digital Watermarking) là một phương pháp tối ưu khác giải quyết cho các vấn đề an toàn truyền thông và bảo vệ bản quyền tài liệu số đặc biệt là ảnh số dựa trên lý thuyết tổng hợp của nhiều lĩnh vực khác nhau như mật mã học, lý thuyết thông tin, lý thuyết truyền thông và xử lý tín hiệu số, xử lý ảnh. Thủy vân số (digital watermark) là quá trình sử dụng các thông tin (ảnh, chuỗi bít, chuỗi số) nhúng một cách tinh vi vào dữ liệu số (ảnh số, audio, video hay text) nhằm xác định thông tin bản quyền của tác phẩm số. 6 Mục đích của thủy vân số là bảo vệ bản quyền cho phương tiện dữ liệu số: mang thông tin đặc biệt chứng minh cần thiết để bảo vệ bản quyền tác giả (copyright protection); xác thực thông tin và phát hiện xuyên tạc thông tin (authentication and tamper detection); dấu vân tay hay dán nhãn (fingerprinting and labeling); điều khiển truy nhập (copy control). Hiện nay nó được sử dụng rộng rãi để truy tìm các vi phạm bản quyền.

Trong khuôn khổ ghi nhận của Hiệp định CPTPP về việc áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền tác giả thừa nhận cho các bên được áp dụng các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền (TPMs) và thông tin quản lý quyền (RMI) đây là yêu cầu đặt ra nhằm mục đích chống lại việc các biện pháp làm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ của tác giả đang bảo vệ quyền hợp pháp của mình. Cụ thể Điều 18.68 ghi nhận “Nhằm quy định việc bảo hộ pháp lý đầy đủ và các chế tài pháp lý hiệu quả chống lại việc vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ hữu hiệu mà tác giả, người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm sử dụng trong việc thực hiện quyền của mình và hạn chế hành vi không được phép đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm của mình, mỗi Bên phải quy định rằng bất kỳ người nào: (a) biết, hoặc có lý do để biết, mà vẫn vô hiệu hóa không được phép bất kỳ biện pháp công nghệ hữu hiệu nào dùng để kiểm soát việc truy cập tới tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm được bảo hộ; hoặc (b) sản xuất, nhập khẩu, phân phối, chào bán hoặc cho thuê tới công chúng, hoặc các hình thức cung cấp thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, hoặc chào hàng tới công chúng hoặc cung cấp các dịch vụ, mà: (i) được quảng bá, quảng cáo, hoặc tiếp thị bởi người đó nhằm mục đích vô hiệu hóa bất kỳ biện pháp công nghệ hữu hiệu nào; (ii) không có mục đích hay sử dụng chủ yếu trong thương mại đáng kể nào khác ngoài việc vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ hữu hiệu; hoặc (iii) chủ yếu được thiết kế, sản xuất, hoặc thực hiện nhằm mục đích vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ hữu hiệu, phải chịu trách nhiệm và các chế tài quy định tại Điều 18.74 (Các thủ tục và chế tài hành chính và dân sự)”.

Nếu có hành vi xâm phạm khi áp dụng các biện pháp công nghệ sẽ chịu trách nhiệm pháp lý như hành chính và dân sự theo khoản 17 Điều 18.74 Hiệp định đặt ra. Cụ thể, mỗi bên phải quy định rằng cơ quan tư pháp của mình phải có thẩm quyền quyết định việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc bồi thường thiệt hại, buộc trả chi phí, phí tòa án, thuê luật sư và các chi phí hợp lý; Bên cạnh đó, có thể quy định loại trừ trách nhiệm bồi thường đối với thư viện, tổ chức giáo dục, bảo tàng nếu chứng minh được họ không nhận biết hoặc không có lý do để tin rằng hành vi của họ cấu thành hành vi bị cấm.

Với quy định hiện nay về mặc pháp lý Việt Nam cũng khá tương thích với Hiệp định, tuy nhiên cần nhìn nhận rõ hơn một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam. Thứ nhất, về thuật ngữ sử dụng trong việc áp dụng biện pháp công nghệ hay biện pháp kỹ thuật. Bởi, theo quy định của Điều 28 và Điều 198, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam thì áp dụng biện pháp công nghệ là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả nhưng hành vi xâm phạm biện pháp công nghệ thì không phải là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Bởi vì, Khoản 12, Khoản 14, Điều 28, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định về các hành vi xâm phạm quyền tác giả là các hành vi xâm phạm “biện pháp kỹ thuật” mà không quy định về hành vi xâm phạm “biện pháp công nghệ”. Nếu dựa vào quy định của Hiệp định CPTPP thì sẽ sử dụng thuật ngữ biện pháp công nghệ hoặc biện pháp công nghệ hiệu quả mà không sử dụng thuật ngữ biện pháp kỹ thuật. Thứ hai, về chủ thể áp dụng các biện pháp công nghệ để tự bảo vệ, theo xu hướng chung hiện nay dành cho các chủ thể quyền như tác giả, chủ sở hữu. Tuy nhiên, trong quy định Việt Nam hiện nay chỉ ghi nhận quyền này dành riêng cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Như vậy, việc áp dụng các biện pháp công nghệ có thể thông qua tổ chức, cá nhân theo cơ chế đại diện được đương nhiên áp dụng hay không? Và quyền áp dụng biện pháp công nghệ được quy định cụ thể thế nào?. Thứ ba, hiện việc ghi nhận của Hiệp định về các hành vi sẽ bị xem là xâm phạm quyền tác giả khi sử dụng công nghệ đối với tác phẩm, tuy nhiên, đối với pháp luật Việt Nam việc ghi nhận là chưa được hướng dẫn cụ thể ngay cả trong các văn bản hướng dẫn.

Áp dụng biện pháp dân sự xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả

Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp tự bảo vệ bản quyền như áp dụng biện pháp công nghệ trong môi trường internet, thì biện pháp dân sự cũng được lựa chọn nhằm mục đích mang lại sự ngăn chặn và bù đắp thiệt hại cho tác giả trước hành vi xâm phạm. Theo quy định hiện hành tại Điều 202 Luật SHTT thì biện pháp dân sự gồm: “ Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; Buộc xin lỗi, cải chính công khai; Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; Buộc bồi thường thiệt hại; Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.”

Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền tác giả hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Trong vụ kiện liên quan đến sở hữu trí tuệ, Tòa án có thể ra quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của bên nguyên đơn trong các trường hợp sau: (1) Đang có nguy cơ xảy ra thiệt hại không thể khắc phục được cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; (2) Hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc chứng cứ liên quan đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có nguy cơ bị tẩu tán hoặc tiêu hủy nếu không được bảo vệ kịp thời.

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời bao gồm: thu giữ, kê biên, niêm phong/cấm thay đổi hiện trang/cấm di chuyển, cấm dịch chuyển quyền sở hữu và các biện pháp khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các biện pháp trên được áp dụng cho hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó.

Các quy định này đã hỗ trợ rất nhiều trong việc răn đe, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các chủ thể quyền tác giả. Đặc biệt đối với việc áp dụng bồi thường thiệt hại đã phần nào tạo thêm niềm tin để những người có công sức sáng tạo tác phẩm yên tâm truyền tải tác phẩm của mình trước công chúng. Tuy nhiên, việc chứng minh được thiệt hại về mặt vật chất và tinh thần đối với loại hình tác phẩm trong môi trường kỹ thuật số là khó khăn đối với tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả. 7 Điều này cũng là yêu cầu đối với Hiệp định CPTPP tại khoản 6, Điều 18.74 về các thủ tục và chế tài dân sự, theo đó, yêu cầu đặt ra đối với thủ tục tố tụng dân sự, cơ quan tư pháp phải có thẩm quyền buộc người xâm phạm trả cho chủ thể quyền khoản bồi thường thiệt hại thỏa đáng để đền bù cho tổn thất mà chủ thể quyền phải gánh chịu. Cơ quan tư pháp phải chấp nhận bất kỳ cách tính giá trị thiệt hại hợp pháp nào mà chủ thể quyền đưa ra có thể lợi nhuận bị mất, giá trị hàng hóa bị mất hoặc dịch vụ bị xâm phạm tính theo giá thị trường. Đặc biệt cần thiết lập hoặc duy trì một hệ thống cụ thể chẳng hạn như định trước các khoản bồi thường thiệt hại để chủ thể có thể lựa chọn hoặc các khoản bồi thường thiệt hại bổ sung (khoản tiền phạt cảnh cáo hoặc trừng phạt) . Trong khi đó với pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu trí tuệ sẽ ghi nhận nguyên tắc xác định thiệt hại và căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại tại Điều 204 và Điều 205 Luật SHTT chỉ mang tính luật định, đây xem như là con đường lựa chọn cuối cùng theo phán quyết của Tòa án . Bởi lẽ, chủ sở hữu quyền tác giả chỉ có thể được yêu cầu bồi thường thiệt hại định trước trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại vật chất theo các căn cứ tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 205 LSHTT. Ngoài ra, việc áp dụng lựa chọn về khoản bồi thường thiệt hại bổ sung chưa đề cập trong quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại trong pháp luật Việt Nam.

Như vậy, pháp luật Việt Nam quy định về bồi thường thiệt hại định trước như là “lựa chọn cuối cùng” được Tòa án xem xét khi quyết định mức bồi thường thiệt hại mà bên xâm phạm phải trả cho chủ sở hữu quyền tác giả là chưa phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 18.74 Hiệp định CPTPP. Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam đặt ra yêu cầu quy định về bồi thường thiệt hại định trước tại Hiệp định này phải được nội luật hóa vào hệ thống pháp luật quốc gia để bảo đảm sự tương thích của pháp luật quốc gia thành viên với Hiệp định.

Áp dụng biện pháp hành chính xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả

Việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả hiện nay khá phổ biến, nhất là trong môi trường mạng thì biện pháp này càng được sử dụng nhiều hơn các biện pháp khác. Chúng ta rất dễ dàng bắt gặp các thông tin về việc phạt tiền khi có hành vi xâm phạm quyền tác giả, và trong quan điểm chung của công chúng thì “cứ vi phạm thì đóng phạt” vậy thôi. Điều này dẫn đến một tình trạng chung là làm mờ nhạt đi các biện pháp xử lý khác cũng như tâm lý ỷ lại và thiếu tính răn đe.

Với quy định về xử phạt hành chính được ghi nhận trực tiếp tại Điều 214 Luật SHTT có thể bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền và tùy tính chất, mức độ mà có những biện pháp hỗ trợ khác như tịch thu, buộc tiêu hủy…Ngoài ra, chính vì hành vi xâm phạm hiện nay rất tinh vi và đa dạng trong môi trường mạng nên việc xử lý được cụ thể theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP 8 và được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 28/2017/NĐ-CP 9 , theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với cá nhân là 250.000.000 đồng và tổ chức là 500.000.000 đồng tùy theo từng mức độ vi phạm. Bên cạnh đó, tại Điều 3 Nghị định 131/2013/NĐ-CP đối với đặc trưng trong môi trường kỹ thuật số và internet thì còn bổ sung thêm các biện pháp khắc phục hậu quả như “Buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm, tên người biểu diễn; Buộc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số; Buộc hoàn trả cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm .” Việc quy định hình phạt tiền như trên cũng đã trãi qua nhiều lần thay đổi mức phạt tiền cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội và hơn nữa thích ứng với các hành vi xâm phạm quyền tác giả ngày càng phổ biến.

Hơn nữa những quy định riêng cho việc xử lý hành chính đối với các hành vi xâm phạm trong môi trường mạng là hoàn toàn chưa cụ thể chỉ dựa vào quy định chung về quyền tác giả. Nhất là hiện nay việc vi phạm quyền tác giả trong môi trường mạng không chỉ đề cập chủ yếu vào người sử dụng mà còn nhiều chủ thể liên quan như các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian, nhà xuất bản điện tử… Bên cạnh đó, đối với chủ thể có thẩm quyền xử phạt hành vi xâm phạm quyền tác giả hiện nay ghi nhận là Chủ tịch UBND các cấp, Thanh tra, Công an, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan và Quản lý thị trường. Điều này cũng thấy sự dàn trãi về chủ thể xử phạt hành chính, dễ dàng dẫn đến việc trùng lặp thẩm quyền trong cơ chế áp dụng biện pháp hành chính. Đồng thời, nếu trong phạm vi xâm phạm quyền tác giả trên internet sẽ thiếu hẳn cơ quan chuyên môn để đưa ra mức xử phạt hợp lý và hiệu quả hơn.

Trong khi đó, khuôn khổ Hiệp định CPTPP ghi nhận về các thủ tục và biện pháp áp dụng xử lý hành chính cũng phải hài hòa phù hợp với biện pháp dân sự. Tại khoản 16 Điều 18.74 Hiệp định ghi nhận : “Trong phạm vi một chế tài dân sự có thể được ban hành theo của các thủ tục phân xử hành chính, mỗi bên phải quy định rằng các thủ tục này phải phù hợp với các nguyên tắc về cơ bản tương đương với những nguyên tắc được quy định tại Điều này” . Như vậy, với quy định của Hiệp định đề cập trực tiếp đến thủ tục áp dụng biện pháp hành chính phải phù hợp với các nguyên tắc quy định trong biện pháp chế tài dân sự như đã được đề cập. Yêu cầu đối với Việt Nam phải xây dựng giải pháp cụ thể trong phạm vi, khuôn khổ các quy định xử lý hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Áp dụng biện pháp hình sự xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả

Việc áp dụng biện pháp xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả nói chung hiện nay được ghi nhận đối với cá nhân có hành vi xâm phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 212 Luật SHTT. Trong khi đó, tại quy định của Bộ luật Hình sự tại Điều 225 thì ghi nhận cả cá nhân và pháp nhân nếu thực hiện hành vi không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cố ý thực hiện một trong các hành vi: Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính thì bị phạt lên đến 500.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Ngoài ra nếu phạm tội có tổ chức, gây thiệt hại cho chủ thể với giá trị cao thì có thể phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm. Thực tế hiện nay, tại Việt Nam hoàn toàn chưa có trường hợp nào về xâm phạm quyền tác giả bị áp dụng biện pháp xử lý hình sự, hầu như chỉ dừng lại bằng việc xử phạt hành chính hoặc khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại, tuy nhiên việc khởi kiện ra tòa thông qua các hình thức tranh chấp dân sự cũng không nhiều. Đây cũng là thách thức cho Việt Nam khi chưa có kinh nghiệm trong việc áp dụng biện pháp hình sự để xử lý. Với các quan điểm quốc tế thì việc tập trung tăng cường các biện pháp hình sự đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ được lặp lại liên tục thông qua các cuộc đàm phán trong quá khứ và đang diễn ra của một số hiệp định thương mại đa phương hoặc song phương 10 là hết sức cần thiết.

Với tình hình hội nhập quốc tế, đặc biệt là thành viên chính thức trong 11 quốc gia của Hiệp định CPTPP, việc tuân thủ những yêu cầu hiện nay trong việc xử lý hình sự là hoàn toàn áp lực lớn đối với không những Việt Nam mà cả các quốc gia thành viên khác. Theo đó tại Điều 18.71 của Hiệp định ghi nhận rõ nghĩa vụ mỗi bên phải có các thủ tục thực thi và chế tài hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số, các thủ tục này phải đảm bảo công bằng, hợp lý. Cụ thể tại Điều 18.77 của Hiệp định CPTPP các thủ tục và hình phạt được quy định khá khắt khe. Trong đó Hiệp định chỉ rõ việc sao lậu quyền tác giả với “quy mô thương mại” được cụ thể hóa “Đối với việc cố ý sao lậu quyền tác giả hoặc quyền liên quan, "quy mô thương mại" ít nhất bao gồm: (i) các hành vi thực hiện để đạt được lợi thế thương mại hoặc thu lợi tài chính; và

(ii) các hành vi, không phải thực hiện để đạt được lợi thế thương mại hoặc thu lợi tài chính, nhưng có gây hại một cách đáng kể tới lợi ích của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan liên quan đến thị trường ). Trong khi đó, hiện nay đối với pháp luật Việt Nam vẫn chưa có một khái niệm nào để nhìn nhận quy mô thương mại ở mức độ như thế nào để áp dụng. Như vậy, việc cơ quan tòa án phải có cách hiểu thế nào chính xác theo yêu cầu của Điều ước đặt ra là một thách thức lớn hiện nay trong công tác xét xử. Ngoài ra, Hiệp định còn yêu cầu đối với các biện pháp xử lý khi áp dụng không được tốn kém hoặc phức tạp không cần thiết. Điều này cũng hướng đến sự đòi hỏi cơ quan thực thi chuyên biệt về quyền sở hữu trí tuệ nói chung chẳng hạn như Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ.

Một số kiến nghị

Bảo vệ quyền tác giả trong thời kỳ hội nhập đòi hỏi pháp luật mỗi quốc gia thành viên nghiêm túc thực hiện những cam kết trong các Điều ước quốc tế. Các biện pháp bảo vệ cụ thể đã tương đối hài hòa, thích ứng xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả theo pháp luật Việt Nam cũng như yêu cầu của Hiệp định CPTPP đặt ra. Tuy nhiên, do môi trường kỹ thuật số và internet tồn tại phổ biến hiện nay trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội, nên các hành vi xâm phạm rất tinh vi và hoạt động vi phạm hầu như có chủ đích là phổ biến. Với các phân tích trong bài viết, Việt Nam sẽ khai thác tốt mọi thuận lợi cũng như cơ hội đã đề ra trong Hiệp định. Vì thế, để cụ thể hơn nữa những quy định trong Hiệp định, pháp luật Việt Nam cần bổ sung và chỉnh sửa một số khía cạnh pháp lý sau:

Thứ nhất, đối với việc bảo vệ quyền tác giả thông qua việc áp dụng biện pháp công nghệ cần thiết ghi nhận thống nhất về thuật ngữ sử dụng là “biện pháp công nghệ” cũng như có khái niệm cụ thể như thế nào là “biện pháp công nghệ hiệu quả” như Hiệp định đã đặt ra. Bên cạnh đó, cần xác định rõ chủ thể có quyền sử dụng biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền tác giả, có thể thông qua việc ủy quyền như các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian. Đặc biệt cần hướng dẫn chi tiết trong việc xác định hành vi áp dụng các biện pháp vô hiệu hóa biện pháp công nghệ kiểm soát truy cập theo quy định chung của Hiệp định.

Thứ hai, để nội lực hóa tốt theo Hiệp định CPTPP đặt ra, Luật SHTT cần sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định về bồi thường thiệt hại định trước có thể áp dụng trên cơ sở lựa chọn của chủ thể quyền tác giả để bồi thường thiệt hại định trước không còn là “lựa chọn cuối cùng” khi tòa án xem xét, quyết định việc bên xâm phạm phải bồi thường cho chủ thể quyền tác giả. Quy định chủ thể quyền tác giả có quyền lựa chọn mức bồi thường cũng được ghi nhận trong pháp luật Hoa Kỳ, chủ sở hữu quyền tác giả có thể lựa chọn việc đòi, thay vì các khoản thiệt hại thực tế và lợi nhuận, các khoản phạt bồi thường thiệt hại theo luật đối với tất cả sự xâm phạm, một khoản tiền không ít hơn 500 USD hoặc không vượt quá 20.000 USD như xét xử công bằng của Tòa án. Theo đó, thay vì chứng minh thiệt hại thực tế và yêu cầu bồi thường trên cơ sở này, chủ thể có quyền yêu cầu bồi thường dựa trên thiệt hại theo luật, bằng một con số cụ thể trong giới hạn luật định. Đây là một điểm khá đặc biệt của Luật Quyền tác giả Hoa Kỳ. Như vậy có thể thấy so với pháp luật Việt Nam, cách quy định của pháp luật Hoa Kỳ linh hoạt hơn và đề cao sự tự định đoạt của chủ thể quyền tác giả. Cụ thể hơn, quy định tại điểm d khoản 1 Điều 205 Luật SHTT nên được sửa đổi theo hướng “Ngoài các căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại theo quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì chủ thể quyền có thể lựa chọn mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Tòa án ấn định, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại, nhưng không quá năm trăm triệu đồng.” Với quy định này chủ thể quyền tác giả không có nghĩa vụ phải chứng minh rằng mình không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại vật chất theo các căn cứ quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 205 Luật SHTT khi lựa chọn yêu cầu bồi thường thiệt hại định trước.

Thứ ba, về áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong công tác bảo vệ quyền tác giả hiện nay cần giải quyết những khó khăn đã được đề cập trong bài viết. Theo người viết, trong phạm vi điều chỉnh của biện pháp hành chính, quan trọng là xác định được cơ quan chuyên môn đặc thù trong môi trường internet hiện nay để tham gia trực tiếp xử lý hành vi xâm phạm. Chẳng hạn như Hàn Quốc, cụ thể Chính phủ Hàn Quốc vận hành "hệ thống đăng ký webhard” để giảm sự phân phối trực tuyến các bản sao bất hợp pháp. Đồng thời cũng vận hành một hệ thống thu thập và phân tích các bằng chứng liên quan đến xâm phạm bản quyền kỹ thuật số, tăng cường đáng kể khả năng điều tra của lực lượng cảnh sát tư pháp đặc biệt bảo vệ bản quyền. 11 Hay tại Pháp, một cơ quan hành chính được thành lập có nhiệm vụ giám sát việc thi hành các quyền sở hữu tác phẩm văn học nghệ thuật trên Internet. Điều này giúp cho việc bảo vệ các quyền nói trên được tập trung và hiệu quả hơn. 12 Trong khi đó, tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền tác giả không được thực hiện bởi một cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực Internet mà được thực hiện bởi nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền như đã nêu ở trên. Vì vậy, Việt Nam cần sớm xây dựng và lựa chọn cơ quan chuyên trách cho việc xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả bằng biện pháp hành chính.

Thứ tư, trong yêu cầu chung hiện nay, các Điều ước quốc tế đang chú trong thực hiện nghiêm khắc các biện pháp xử lý, có thể nói là quyết liệt xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, trong đó nổi bật là vấn đề sao chép lậu. Chính vì vậy, biện pháp hình sự sẽ được tăng cường áp dụng nhằm mục đích răn đe hiệu quả các hành vi xâm phạm. Hiện nay đối với quy định của pháp luật Việt Nam cần xây dựng, bổ sung các điều khoản để cụ thể hóa các yêu cầu của Hiệp định đặt ra. Điều này cũng là cơ sở dễ dàng để Tòa án có thể chủ động và mạnh dạn áp dụng xử lý các hành vi xâm phạm theo Bộ luật Hình sự. Như vậy, việc ghi nhận và giải thích theo cách hiểu thống nhất mức độ nào mang tính “quy mô thương mại” có thể ghi nhận diễn giải theo Hiệp định tại Điều 18.77. Ngoài ra, cần xây dựng thủ tục riêng, đặc thù cho việc chế tài hình sự theo yêu cầu của Hiệp định đã nêu.

Kết luận

Tham gia là thành viên của Hiệp định CPTPP, Việt Nam cũng đã gặt hái nhiều cơ hội mà Hiệp định đã ghi nhận. Bên cạnh đó, việc nội lực hóa các quy định pháp lý quốc gia cho phù hợp với Hiệp định và cả các vấn đề pháp lý liên quan cũng là thách thức được đặt ra. Với mục tiêu bảo vệ quyền tác giả, các biện pháp bảo vệ cũng đã được đề cập cụ thể. Trong đó, với thời đại công nghệ số bùng nổ thì việc chú trọng biện pháp công nghệ trong việc ngăn ngừa và phát hiện các hành vi xâm phạm chắc chắn không thể thiếu. Điều đáng nói cần phải kết hợp kèm theo các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền như biện pháp hành chính, biện pháp dân sự và biện pháp hình sự, bởi vì chỉ áp dụng biện pháp công nghệ sẽ không thể đủ sức để ngăn chặn và răn đe các hành vi xâm phạm trong môi trường kỹ thuật số hiện nay. Để thực hiện tốt được điều đó, đòi hỏi pháp luật Việt Nam cần ghi nhận cụ thể và có hướng giải thích thống nhất trong các văn bản pháp lý để thực thi hiệu quả.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

CPTPP: Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership

WIPO: World Intellectual Property Organization

TRIPS: Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights

P2P: Peer to Peer

APS: ArtistScope Site Protection System

TPMs: Technological Protection Measures

RMI: Rights Management Information

SHTT: Sở hữu trí tuệ

UBND: Ủy ban nhân dân

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung bài viết chỉ do tác giả thực hiện.

References

  1. Goldstein Paul. Internattion Copyright: Principles, Law, and Practice. Oxford University Press. 2001. p.13. . ;:. Google Scholar
  2. Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2005, có hiệu lực từ ngày 01/07/2006. . ;:. Google Scholar
  3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 19/6/2009, có hiệu lực từ ngày 01/01/2010. . ;:. Google Scholar
  4. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sở hữu trí tuệ năm 2019 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6/2019, có hiệu lực 01/11/2019. . ;:. Google Scholar
  5. Giang Lê Thị Nam. Những thách thức pháp lý trong bảo vệ bản quyền trong môi trường Internet.[17/4/2020]. . ;:. Google Scholar
  6. Uyên Trần Thị Tú. Hệ thống thủy vân số và ứng dụng thủy vân số trong bảo vệ bản quyền ảnh số [luận văn thạc sĩ], trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Hà Nội. Năm 2017. tr. 04.[20/4/2020]. . ;:. Google Scholar
  7. Lan Vũ Thị Phương. Bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số theo Điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia và Sự thật. . 2018;:163. Google Scholar
  8. Nghị định 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/10/2013 về Quy quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả quyền liên quan, có hiệu lực 15/12/2013. . ;:. Google Scholar
  9. Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/3/2017, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả quyền liên quan, có hiệu lực 05/5/2017. . ;:. Google Scholar
  10. Frankel Susy, Gervais Daniel. The Evolution and Equilibrium of Copyright in the Digital Age. Cambridge University Press. . 2014;:114. Google Scholar
  11. Oanh Phạm Thị Kim. Phó Cục Trưởng Cục bản quyền tác giả. Bảo hộ bản quyền- Kinh nghiệm từ Hàn Quốc.[10/9/2020]. . ;:. Google Scholar
  12. Nhung Nguyễn Thị Hồng. Xử lý vi phạm quyền tác giả trên internet bằng biện pháp hành chính ở Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 12(292).12/2015. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 4 (2021)
Page No.: 1780-1787
Published: Aug 5, 2021
Section: Review
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v5i4.746

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyen, T. (2021). Copyright protection measures under Vietnam law- Comparison with CPTPP agreement. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 5(4), 1780-1787. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v5i4.746

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 2049 times
Download   = 871 times
View Article   = 0 times
Total   = 871 times