Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Review

HTML

1765

Total

439

Share

Law compliance and enforcement in doing business to follow the rule of law in the market economy of Viet Nam






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Based on the theory of agency problem and the relation between the government and market, this paper analyzes and evaluates the practice of law compliance and enforcement in doing business of enterprises. It is necessary to strengthen the law compliance and enforcement to enterprises, thereby ensuring the rule of law in business organization and operations. The results show that the regime of legal representative significantly affects the law compliance and enforcement of enterprises. In addition, the role of the government in enacting, modifying, and enforcing law of investment or doing business can negatively affect the the law compliance and enforcement of enterprises. Therefore, it is of importance to design a legal framework to monitor the behavior of legal representatives of enterprises and control the unreasonable intervention of the government in relationships in a market economy.

Dẫn nhập

Chấp hành, tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là việc triển khai trên thực tế các quyền, nghĩa vụ phát sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thể hiện trực tiếp mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Nhà nước có quyền thiết lập khuôn khổ pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động nên mọi can thiệp, điều tiết của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế ở cả cấp độ vĩ mô hay cấp độ vi mô đều có tác động trực tiếp đến hành vi pháp lý của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Yếu tố quan trọng nhất khi điều tiết nền kinh tế là phải bảo đảm cân đối giữa mục tiêu của nhà nước (quản lý, điều tiết, kiến tạo phát triển …) và mục tiêu của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận với chi phí thấp nhất. Nếu khuôn khổ pháp luật do nhà nước ban hành phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường, phản ánh đúng nhu cầu, lợi ích của các doanh nghiệp thì việc chấp hành, tuân thủ pháp luật luôn được doanh nghiệp chủ động thực hiện. Ngược lại, nếu pháp luật doanh nhà nước ban hành không phù hợp, mâu thuẫn, triệt tiêu lợi ích hoặc gia tăng chi phí tuân thủ thì doanh nghiệp sẽ tìm cách lảng tránh pháp luật và tự thiết lập các luật chơi (thể chế) phi chính thức để điều chỉnh các quan hệ giữa các doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp.

Chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp là sự thể hiện ra bên ngoài các cách xử sự của doanh nghiệp trên cơ sở các quy định pháp luật, bao gồm chấp hành, tuân thủ đúng (hành vi hợp pháp) và cũng có chấp hành, tuân thủ pháp luật không đúng (hành vi vi phạm pháp luật); là sự thể hiện trên thực tế ứng biến theo các can thiệp của nhà nước vào các quan hệ thị trường dẫn đến người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp buộc phải thực hiện các xử sự bất hợp pháp hay tình trạng lạm dụng các khe hở của pháp luật, lỗ hổng trong quản lý để trục lợi của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp trên thị trường. Đây là nguyên nhân dẫn tới thực tiễn tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam xuất hiện tình trạng vi phạm pháp luật của doanh nghiệp còn phổ biến; tình trạng lạm quyền của người quản lý, điều hành doanh nghiệp để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, trục lợi hoặc xác lập giao dịch với người có liên quan một trách trái pháp luật … đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu doanh nghiệp. Dưới góc độ quản lý, điều tiết nền kinh tế, các hành vi vi phạm của doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp trong nền kinh tế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của việc quản lý, điều hành của Nhà nước. Thực tế này đặt ra đòi hỏi phải tăng cường các giải pháp thúc đẩy việc chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, từ đó góp phần bảo đảm nguyên tắc pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp.

Nguyên tắc pháp quyền và sự thể hiện của nguyên tắc pháp quyền trong chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp

Hiện nay chưa có quan niệm thống nhất về nội hàm khái niệm nguyên tắc pháp quyền, song các nội dung cốt lõi của nguyên tắc pháp quyền có thể kể đến là: i) tinh thần thượng tôn pháp luật trong mọi hoạt động của nhà nước cũng như tổ chức, cá nhân trong xã hội; ii) quyền bình đẳng trước pháp luật và tòa án của cá nhân, tổ chức cũng như nhà nước; iii) pháp luật là công cụ để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người 1 . Nguyên tắc pháp quyền hiểu theo nghĩa rộng bao trùm toàn bộ các nguyên tắc nền tảng làm tiền đề cho việc tổ chức, hoạt động, giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước, tôn trọng và bảo đảm các quyền con người. Nguyên tắc pháp quyền không chỉ là nguyên tắc đòi hỏi việc quản lý, điều hành (hay cai trị) xã hội ấy phải bằng luật pháp, mà điều quan trọng hơn là toàn bộ tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước ấy phải chịu sự điều chỉnh và giám sát của luật pháp. Hơn nữa, luật pháp ấy phải là thể hiện được ý chí của đa số nhân dân. Nghĩa là các nguyên tắc pháp quyền ấy phải là sự lựa chọn và xác lập bằng các cơ chế thể hiện ý chí trực tiếp hoặc đại diện của nhân dân. Theo ý nghĩa ấy, nguyên tắc pháp quyền (rule of law) đồng nhất với chế độ pháp quyền hay nhà nước pháp quyền (law-governed state) 2 . Trên cơ sở các cách tiếp cận, nội dung của nguyên tắc pháp quyền được tác giả Nguyễn Đức Minh chỉ ra bao gồm:

1) Quyền lực nhà nước bị giới hạn, bị kiểm soát và ràng buộc bởi pháp luật;

2) Bảo đảm hiệu lực tối thượng của hiến pháp và luật;

3) An toàn pháp lý;

4) Bình đẳng trước pháp luật và trước tòa án;

5) Pháp luật được tôn trọng và bảo vệ;

6) Gắn pháp quyền với bảo đảm, bảo vệ tự do, nhân phẩm, công bằng, công lý, dân chủ và quyền con người 1 .

Doanh nghiệp là một chủ thể chịu sự điều chỉnh của pháp luật và do đó, việc chấp hành, tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh là sự biểu hiện trên thực tế nguyên tắc pháp quyền. Điều này được luận giải ở chỗ, nếu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không tuân thủ quy định pháp luật sẽ làm mất giá trị của pháp luật trong điều tiết hoạt động kinh doanh, đồng thời cũng gây khó cho nhà nước trong việc điều tiết, quản lý thị trường. Nội dung nguyên tắc pháp quyền trong chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp được thể hiện trên các khía cạnh:

Thứ nhất , doanh nghiệp là một chủ thể pháp luật được thành lập thông qua thủ tục pháp lý – thủ tục đăng kí doanh nghiệp. Tư cách pháp lý của doanh nghiệp được xác lập kể từ thời điểm doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp. Phạm vi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được xác định dựa vào ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đã đăng kí trên tinh thần doanh nghiệp được kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Kiểm soát các hành vi lạm dụng quyền tự do kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm là điều kiện cho việc thực hiện nguyên tắc pháp quyền trong nền kinh tế thị trường.

Thứ hai , là chủ thể được thành lập do pháp luật quy định nên khác với cá nhân, hành vi chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh được xác định thông qua người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nói cách khác, cơ chế đại diện bao gồm đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyềnlà cơ sở xác định tính chất của hành vi chấp hành, tuân thủ pháp luật ở cả nghĩa tích cực (nghĩa là hành vi pháp lý hợp pháp) và nghĩa tiêu cực (hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp), từ đó xác định người chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi trái pháp luật trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ ba , để đáp ứng yêu cầu nguyên tắc pháp quyền đòi hỏi việc chấp hành, tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không chỉ là hành vi pháp lý của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mà còn được xác định ở cả hành vi pháp lý của các thiết chế quản trị nội bộ theo từng loại hình doanh nghiệp và việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của người quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Thứ tư , trong quản lý, điều tiết nền kinh tế nói chung, việc quản lý doanh nghiệp thông qua các thủ tục hành chính như kiểm tra, thanh tra, giám sát doanh nghiệp của cơ quan hành chính nhà nước, công chức hành chính phải dựa trên quy định pháp luật và tránh mọi can thiệp không đúng với quy định của pháp luật, không phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường. Nội dung này giúp bảo đảm tính khách quan, sự công bằng trong quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường và kiểm soát hiệu quả hành vi lạm dụng việc thực thi công vụ trong quản lý doanh nghiệp để trục lợi của cơ quan hành chính nhà nước.

Thứ năm , yêu cầu sự ổn định, tính minh bạch, rõ ràng của quy định pháp luật do nhà nước ban hành để điều chỉnh hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Sự ổn định, tính minh bạch, rõ ràng của quy định pháp luật là nhân tố quan trọng khi xác định tính hợp pháp hay không hợp pháp của hành vi chấp hành, tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh của các chủ thể có liên quan cũng như góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, an toàn cho các doanh nghiệp để tránh các hành vi lạm dụng, tước đoạt cơ hội kinh doanh một cách trái pháp luật của các doanh nghiệp khi lợi dụng sự không ổn định, không rõ ràng của pháp luật.

Thứ sáu , chấp hành, tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không chỉ dừng lại là một trách nhiệm do pháp luật quy định mà còn nhấn mạnh đến khía cạnh thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nội dung trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh không chỉ bao gồm việc thực hiện tốt trách nhiệm do pháp luật quy định mà còn đòi hỏi thông qua việc thực hiện hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp góp phần cùng với nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình vận hành thể chế kinh tế thị trường như nâng cao tính chuyên nghiệp của quan hệ lao động, gắn hoạt động kinh doanh với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, bảo vệ các giá trị văn hóa trong quá trình phát triển… Suy rộng ra, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh chính là bảo đảm sự phát triển bền vững với ba trụ cột là tăng trưởng kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.

Đánh giá việc chấp hành, tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của nguyên tắc pháp quyền

Cơ chế đại diện trong doanh nghiệp và yêu cầu phân định rõ ràng trách nhiệm của doanh nghiệp với trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Lý thuyết đại diện có nguồn gốc từ lý thuyết kinh tế, được phát triển bởi Alchian và Demsetz năm 1972, sau đó được Jensen và Meckling phát triển thêm vào năm 1976 để giải quyết mối quan hệ giữa cổ đông, người góp vốn (các chủ sở hữu) với người được giao nhiệm vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, nghĩa là thiết lập cấu trúc quản lý, điều hành đảm bảo lợi ích của các chủ sở hữu doanh nghiệp 3 .

Dưới góc độ pháp lý, đại diện là chế định quan trọng trong pháp luật tư, được ghi nhận trong pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả quốc gia theo hệ thống civil law và common law, trong đó các quốc gia theo hệ thống common law còn có học thuyết riêng khá toàn diện về đại diện 4 . Đối với các nước Châu Âu lục địa dựa trên nền tảng tư tưởng của trường phái luật tự nhiên trong bối cảnh thương mại và công nghiệp đang phát triển mạnh với sự xuất hiện các vấn đề như giao một con tàu cho thuyền trưởng điều khiển và quản lý hay hoạt động kinh doanh thông qua sự điều hành của người khác 5 . Ở một số nước, các chủ thể do pháp luật đặt ra, không nhìn được nhưng nó được làm một số việc giống như con người bình thường và có cả trách nhiệm lẫn quyền lợi thường được gọi là pháp nhân, trong đó doanh nghiệp là pháp nhân phổ biến 6 . Các pháp nhân dù khác nhau về tên gọi và hình thức tổ chức nhưng mọi hoạt động của doanh nghiệp đều được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hay đại diện của pháp nhân nên có sự tách biệt giữa chủ sở hữu và người quản lý điều hành. Thông qua hành vi pháp lý của người đại diện, nội dung hoạt động của doanh nghiệp được thể hiện trên thực tế và là cơ sở pháp lý để ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các nghĩa vụ pháp lý phát sinh trong quá trình hoạt động, bao gồm quan hệ phát sinh trong nội bộ và quan hệ phát sinh với các đối tác kinh doanh trên thị trường. Cơ chế đại diện trong doanh nghiệp là cơ sở pháp lý xác định trách nhiệm đối vối hành vi xâm phạm quyền và lợi ích của doanh nghiệp của người quản lý, điều hành.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật 7 . Tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà nhà làm luật xác định người đại diện theo pháp luật khác nhau. Quy định về người đại diện theo pháp luật không có ý nghĩa nhiều đối với doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh vì không có sự tách biệt giữa sở hữu và quản lý. Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh có quyền kiểm soát trực tiếp các doanh nghiệp này . Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật do Điều lệ công ty quy định cụ thể về số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Pháp luật Việt Nam hiện hành không có quy định cụ thể về người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn mà chỉ có quy định chi tiết về người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần. Theo đó, trường hợp công ty cổ phần chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty. Với quy định của pháp luật hiện hành có quan điểm cho rằng, việc xác định người đại diện pháp luật không dễ 8 , nhất là thời điểm thay đổi người đại diện theo pháp luật không rõ 8 . Tuy nhiên, sự băn khoăn này là không cần thiết vì Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Doanh nghiệp 2014 đều đòi hỏi phải xác định người đại diện theo pháp luật trong Điều lệ với mô hình doanh nghiệp là công ty 7 . Đối với doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh thì cũng đã quy định rõ người đại diện theo pháp luật là ai. Để bảo đảm cho hoạt động được liên tục Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền. Ngoài quy định này, Luật Doanh nghiệp 2014 còn có quy định việc thực hiện trách nhiệm ủy quyền trong trường hợp hết hạn ủy quyền mà người ủy quyền chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác; không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác theo quy định của Bộ luật hình sự và người đại diện theo pháp luật theo chỉ định của tòa án.

Từ những phân tích cơ sở xác định vấn đề đại diện (bao gồm đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền), chúng ta có thể nhận thấy việc chấp hành, tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều được thể hiện thông qua hành vi pháp lý của người đại diện . Người đại diện của doanh nghiêp phải là cá nhân nên trong quá trình thực hiện trách nhiệm có thể bị chi phối hoặc lồng ghép tư tưởng chủ quan của cá nhân vào việc chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Điều này có thể làm sai lệch bản chất hành vi chấp hành tuân thủ của doanh nghiệp. Nói cách khác, nếu người đại diện của doanh nghiệp lạm dụng chức năng, nhiệm vụ được giao để “lồng ghép”, chuyển hóa quan điểm, ý chí của cá nhân vào hành vi chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp có thể làm sai lệch hoặc phản ánh không đúng mong muốn của doanh nghiệp. Do đó, để đánh giá chính xác hành vi chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp cần phải thiết lập được cơ chế kiểm soát hiệu quả khả năng lạm dụng hoặc “lồng ghép” ý chí của quan của người đại diện của doanh nghiệp vào trong hành vi chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Thực tiễn thực hiện trách nhiệm của người đại diện doanh nghiệp cho thấy để đạt được mục tiêu hay nắm bắt kịp thời cơ hội kinh doanh, người đại diện của doanh nghiệp buộc phải ra các quyết định nhanh chóng, quyết đoán và luôn phải đối mặt đồng thời hai khả năng thành công hoặc thất bại. Trong trường hợp thất bại, việc truy đòi nguyên nhân hoặc làm rõ có hay không có động cơ, mưu lợi/tư lợi cá nhân của người đại diện của doanh nghiệp là việc rất khó khăn không chỉ với các thiết chế kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp mà còn cả với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nói cách khác, cơ chế đại diện trong doanh nghiệp có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến việc nhận diện, đánh giá hành vi chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và do đó cũng khó bảo đảm nguyên tắc pháp quyền trong thực tiễn đánh giá hành vi pháp lý của doanh nghiệp. Do vậy, thiết lập và bảo đảm cơ chế đại diện vừa phát huy quyền chủ động ra quyết sách của người đại diện trong khuôn khổ pháp luật và Điều lệ, quy chế quản trị nội bộ vừa bảo đảm cơ chế xác định rõ ràng phạm vi, giới hạn của cơ chế đại diện doanh nghiệp là cơ sở quan trọng cho việc xác định chính xác hành vi chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, đồng thời phân định được hành vi pháp lý mang tính cá nhân của người đại diện và hành vi pháp lý thể hiện ý chí của doanh nghiệp.

Tình trạng lạm dụng vị trí quản lý, điều hành để “lồng ghép” hành vi chủ quan chủ quan của người quản lý, điều hành doanh nghiệp: Yêu cầu kiểm soát và nêu cao vai trò của đạo đức quản trị công ty

Thực tiễn quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp không chỉ liên quan đến hành vi của người đại diện và cơ chế đại diện doanh nghiệp như đã phân tích ở trên mà còn liên quan đến cơ cấu tổ chức nội bộ; cơ chế phân quyền, giám sát các “thiết chế quyền lực” bên trong của doanh nghiệp, các mục tiêu, chiến lược phát triển của doanh nghiệp được thể hiện ra bên ngoài bằng các hành vi pháp lý của người quản lý, người điều hành của doanh nghiệp. Tùy thuộc vào đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp mà pháp luật quy định cơ cấu, tổ chức. Có trường hợp nhà làm luật dành quyền chủ động quyết định cơ cấu tổ chức như doanh nghiệp tư nhân hoặc quy định linh hoạt mô hình tổ chức để doanh nghiệp lựa chọn như công ty cổ phần hoặc quy định cơ cấu, tổ chức phù hợp với chủ sở hữu như trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên … Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, pháp luật doanh nghiệp dành quyền chủ động cho công ty quy định quyền, nghĩa vụ, tiêu chuẩn, điều kiện và chế độ làm việc của Ban kiểm soát, Trưởng Ban kiểm soát trong Điều lệ công ty. Cốt lõi của việc phân định hành vi pháp lý của người quản lý doanh nghiệp và hành vi của doanh nghiệp là xây dựng thiết chế quản trị doanh nghiệp hay quản trị công ty hiệu quả.

Các nghiên cứu về quản trị công ty đều lấy doanh nghiệp làm trung tâm mà từ đó giải quyết các mối quan hệ về lợi ích giữa công ty/doanh nghiệp, người quản lý, điều hành và cổ đông, thành viên góp vốn tức là việc thiết lập cơ cấu và các quy trình quản lý, điều hành doanh nghiệp, tránh những xung đột lợi ích có thể phát sinh. Các xung đột lợi ích giữa người quản lý, điều hành với chủ sở hữu có tác động trực tiếp đến việc chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Do đó, các công ty (dù là niêm yết hay chưa niêm yết), khi xây dựng quy chế quản trị công ty đều phải quan tâm đến những người liên quan đến công ty, bao gồm cổ đông, khách hàng, đối tác, chủ nợ, nhân viên, các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng… 9 Tính chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả trong hoạt động quản trị công ty là đảm bảo cho sự công bằng trong cả quyền, nghĩa vụ và lợi ích của cổ đông, và sự hài hòa với lợi ích của các bên liên quan khác có quan điểm cho rằng quản trị công ty là hệ thống các cơ chế để bảo vệ nhà đầu tư bên ngoài tránh được những vấn đề phát sinh từ mâu thuẫn lợi ích giữa cổ đông và người điều hành liên quan đến các cơ cấu, quy trình và cơ chế để định hướng và quản lý công ty nhằm gia tăng giá trị cho cổ đông về lâu dài thông qua việc nâng cao trách nhiệm của người điều hành 10 .

Khuôn khổ quản trị công ty thường bao gồm các yếu tố luật pháp, quy định, thỏa ước tự điều tiết, cam kết tự nguyện và thông lệ kinh doanh, là kết quả của bối cảnh, lịch sử và truyền thống cụ thể của mỗi quốc gia. Sự kết hợp giữa các yếu tố này trong lĩnh vực quản trị công ty thường khác nhau giữa các quốc gia. Các yếu tố pháp lý và quy định trong khuôn khổ quản trị công ty có thể nên đi kèm với những yếu tố mềm của luật pháp dựa trên nguyên tắc “tuân thủ hoặc giải thích” như bộ quy tắc quản trị công ty nhằm cho phép có sự linh hoạt và phù hợp với đặc thù của từng công ty 11 . Do vậy, đánh giá việc chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong thực tiễn quản lý, điều hành doanh nghiệp nói chung, các loại hình công ty nói riêng cần nhìn nhận ở khía cạnh rộng không chỉ liên quan đến việc chấp hành, tuân thủ pháp luật mà còn bao gồm việc chấp hành, tuân thủ các quy định, thỏa ước, cam kết tự nguyện và các thông lệ về văn hóa, đạo đức kinh doanh.

Theo luật về công ty ở khắp nơi trên thế giới, các cổ đông (đại hội đồng cổ đông) sẽ có quyền bầu, bổ nhiệm các vị trí quản lý quan trọng của công ty và những người được bầu, bổ nhiệm như hội đồng quả trị hay tổng giám đốc (giám đốc điều hành) sẽ được trao thẩm quyền ra các quyết định nhất định (theo quy định trong điều lệ công ty) để hành động cho và vì công ty, cũng như định đoạt tài sản của công ty. Trong mối quan hệ này cả hai (cổ đông và người quản lý, điều hành) đều muốn tối đa hóa lợi ích của mình nên không có cơ sở để tin tưởng những người này sẽ hành động vì lợi ích của công ty, đồng thời những người này cũng luôn có xu hướng tư lợi, không đủ siêng năng, mẫn cán và có thể tìm kiếm các lợi ích cá nhân cho mình hay cho người thứ ba của mình chứ không phải của công ty 12 . Thực tế này sẽ làm biến dạng hoặc đánh giá không chính xác hành vi chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp do các hành vi này bị chi phối bởi các lợi ích tư hoặc lồng các lợi ích tư của người quản lý điều hành hoặc người thứ ba trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Chẳng hạn, việc thực hiện nhiệm vụ của Đại hội đồng cổ đông/ Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng Giám đốc, Ban kiểm soát hay giám sát việc xác lập, thực hiện giao dịch với người có liên quan cũng như chế độ báo cáo và công bố thông tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết, trực tiếp với trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, người điều hành doanh nghiệp của công ty đại chúng và tổ chức, cá nhân là người có liên quan của các đối tượng này. Trọng tâm của việc phân định hành vi pháp lý của người quản lý, điều hành doanh nghiệp và hành vi pháp lý của doanh nghiệp là để kiểm soát hành vi lạm dụng của người quản lý, điều hành làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp trong nền kinh tế. Thực tiễn thực hiện trách nhiệm người quản lý, điều hành doanh nghiệp thời gian qua cho thấy, có nhiều vụ án lớn, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, người quản lý, điều hành doanh nghiệp sử dụng doanh nghiệp như công cụ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật bằng cách lạm dụng quyền lực hoặc cố ý ra các quyết định không phù hợp với quy định pháp luật. Lúc này, doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp là nạn nhân, là người phải gánh chịu các thiệt hại về vật chấ t do các hành vi lạm quyền của người quản lý điều hành. Dù là nạn nhân của các hành vi lạm quyền, song các hành vi vi phạm pháp luật của người quản lý, điều hành doanh nghiệp nhưng lại tác động trực tiếp đến việc chấp hành, tuân thủ do bị quy kết là người của doanh nghiệp nên hành vi vi phạm pháp luật đôi khi cũng bị đánh đồng với hành vi của doanh nghiệp. Do đó, khi đánh giá việc chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp cần phải đặt trong mối tương quan với hành vi chấp hành, tuân thủ pháp luật của người quản lý, điều hành doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phân định trách nhiệm pháp lý của người quản lý, điều hành doanh nghiệp với trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp, nhất là trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của pháp nhân thương mại.

Thực hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng, lành mạnh giữa các thành phần kinh tế: yêu cầu giảm thiểu các can thiệp trái pháp luật và không tuân thủ quy luật của thị trường

Trong mối quan hệ với nền kinh tế thị trường, giải quyết xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp với các chủ thể kinh doanh trên thị trường liên quan thể hiện tương quan cạnh tranh, sử dụng các công cụ, biện pháp để tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, thông qua hành vi của người đại diện xác lập các giao dịch kinh doanh, tiếp cận, giành, giữ thị trường để tối đa hóa lợi nhuận. Nếu việc tìm kiếm lợi nhuận được thực hiện bằng cách doanh nghiệp sử dụng hiệu quả, hợp pháp các nguồn lực thì việc chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp được thể hiện ở các hành vi hợp pháp, chủ động. Ngược lại, nếu doanh nghiệp bằng mọi cách (trong đó có cả việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh, gian lận trong kinh doanh để giảm nghĩa vụ thuế, cản trở các đối thủ cạnh tranh tham gia thị trường…) để đạt được lợi nhuận tối đa thì khi đó, doanh nghiệp không những không chấp hành, tuân thủ pháp luật mà còn xâm phạm đến trật tự kinh doanh mà Nhà nước đang cố gắng thiết lập, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh trên thị trường. Do đó, bảo đảm môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh, minh bạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế là điều kiện để bảo đảm việc chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, bởi lẽ, nếu các hành vi phản cạnh tranh không được ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin của nhà đầu tư và khả năng thu hút đầu tư trong điều kiện mở rộng hội nhập quốc tế. Nhà nước là chủ thể có nhiệm vụ giải quyết xung đột lợi ích phát sinh từ các quan hệ kinh doanh giữa doanh nghiệp với các chủ thể trong nền kinh tế thị trường thông qua việc thiết lập luật chơi an toàn, minh bạch, bình đẳng cho các chủ thể, từ đó góp phần bảo đảm việc chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Điều này được thể hiện trên các khía cạnh:

Thứ nhất , bằng quyền can thiệp, điều tiết vào thị trường thông qua chính sách, pháp luật, Nhà nước ấn định các định hướng chính sách, các hành vi xử sự của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường để từ đó doanh nghiệp biết được mình không được làm gì (quy định điều cấm), phải thực hiện hành vi pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh như thế nào (quy định điều kiện) và các hành vi kinh doanh được tự do thực hiện. Từ các quy định rõ ràng này, doanh nghiệp được chủ động lựa chọn cách thức xử sự và phải tự chịu trách nhiệm về các xử sự này. Trên cơ sở các quy tắc đã ấn định, Nhà nước xác định được hành vi hợp pháp cũng như các hành vi không hợp pháp của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh để có biện pháp khuyến khích hoặc xử lý kịp thời, từ đó ngăn chặn được ở mức độ tối đa những hậu quả xấu đối với môi trường đầu tư kinh doanh, giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm thực hiện các hoạt động kinh doanh.

Thứ hai , đối với các thủ đoạn cạnh tranh không trong sáng, không đàng hoàng, trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh cũng như pháp luật thì Nhà nước cần quy định được các tiêu chí để nhận diện và hướng xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh này. Nếu các hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà gây thiệt hại cho hoạt động bình thường thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước can thiệp thông qua việc tố cáo hành vi phản cạnh canh, đồng thời yêu cầu tòa án buộc doanh nghiệp gây thiệt hại cho mình phải bồi thường thiệt hại. Đối với các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh để hình thành các liên kết kinh doanh nhằm loại bỏ hoặc tiêu diệt chủ thể kinh doanh trên thị trường liên quan đòi hỏi Nhà nước phải chủ động trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời bằng các biện pháp can thiệp hành chính như thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm… Như thế, bảo đảm môi trường cạnh tranh an toàn, bình đẳng, minh bạch sẽ không còn “đất” cho các hành vi phản cạnh tranh mà ở khía cạnh rộng là các hành vi vi phạm pháp luật hay tình trạng không chấp hành, không tuân thủ pháp luật sẽ không có cơ hội, điều kiện để thực hiện. Kết quả của kỳ vọng này là việc chấp hành, tuân thủ pháp luật là cơ sở cho việc kinh doanh trên nền tảng pháp luật, từ đó góp phần hình thành đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc, đặc trưng của người Việt Nam.

Thứ ba , giải quyết thấu đáo, triệt để ở cả khía cạnh lý luận, thực tiễn cũng như việc thể chế hóa vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân trong các quy định pháp luật cần được xem là giải pháp mang tính tổng thể để doanh nghiệp chấp hành, tuân thủ pháp luật.

Bối cảnh vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được các chuyên gia mô tả: chưa hề nghe định nghĩa cụ thể nào về khái niệm này 13 hoặc làm gì có cái thứ đó (kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa) mà tìm 14 , chưa có tiền lệ, chưa có cơ sở lý luận hoàn chỉnh 15 . Chính vì vậy, trong quá trình đi tìm định hướng, mô hình v iệc xác định các thành phần kinh tế và vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường có thể coi là “thành tựu riêng” của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới mặc dù “ không thay đổi đáng kể về chính thể và các nguyên tắc tổ chức quyền lực công cộng, song trên lĩnh vực kinh tế Hiến pháp Việt Nam đã lặng lẽ xa rời một cách đáng kể mô hình Xô viế t” 16 , trường là quá trình cởi bỏ tư duy độc quyền ở thời kỳ tập trung quan liêu, bao cấp để tiến tới sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, việc phân định trọng trách cho từng thành phần kinh tế trong Hiến pháp vô hình chung đã tạo ra sự rời rạc, thiếu tính liên kết cần thiết của nền kinh tế; không phù hợp với thực tiễn công tác thống kê, quản lý ở nước ta 15 ; đồng thời đã tạo ra sự bất bình đẳng từ nội hàm của tư tưởng này 17 . Hiện nay, Việt Nam là nền kinh tế thị trường duy nhất trên thế giới lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo, cùng với quan điểm kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân đã làm biến dạng và méo mó, gia tăng vai trò can thiệp hành chính, mệnh lệnh của Nhà nước 18 . Các vấn đề lý luận và thực tiễn pháp luật chưa phân định một cách rõ ràng về vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế và Nhà nước sử dụng doanh nghiệp nhà nước để can thiệp, điều tiết nền kinh tế như thế nào. Hậu quả của cách tiếp cận này đã dẫn tới sự lẫn lộn và vị trí, vai trò của Nhà nước; yêu cầu điều tiết của Nhà nước nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh kinh tế một cách công bằng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tuân thủ triệt để các cam kết quốc tế, nhất là cam kết với WTO chưa được hiến định rõ nét; cơ cấu vận hành bộ máy nhà nước còn nhiều bất cập 15 . Đối với khu vực kinh tế tư nhân, đã có những thay đổi quan trọng từ chỗ không được thừa nhận đến chỗ được thừa nhận; từ chỗ là đối tượng phải cải tạo đến chỗ được tự do phát triển, được tôn trọng và bình đẳng, và cuối cùng được coi như động lực của nền kinh tế 17 .

Tiến trình phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta có thể mô tả là: từ thù ghét, bài bác trong quá khứ và những thất bại của những thử nghiệm về các mô hình kinh tế mang màu sắc kế hoạch hóa tập trung hoặc coi kinh tế tập thể/kinh tế nhà nước làm chủ đạo bị thất bại 19 , đến nay, vị trí vai trò của kinh tế thị trường đã được chấp nhận. Do đó, những “vết hằn” trong nếp nghĩ và cách hành xử của bộ máy công quyền vẫn là nỗi sợ hãi của giới doanh nhân như cách nói đầy xót xa “ Công chức cứ trả thù, trả đũa thì có luật cũng như không và hệ quả, doanh nghiệp như cá nằm trên thớt20 cần phải chuyển hóa mệnh lệnh “ Phải loại ngay những cán bộ công chức không đảm bảo phẩm chất đạo đứ c” 21 thành những hành động cụ thể, phải bắn trúng và đúng, không “bắn chỉ thiên” . Có như vậy chúng ta mới thật sự có được nền hành chính thật sự vì dân, dung dưỡng ý tưởng sáng tạo, ham muốn làm giàu của các thành phần kinh tế.

Kết luận và khuyến nghị chính sách

Một là , chấp hành, tuân thủ pháp luật thể hiện mức độ nhận thức, khả năng vận dụng/sử dụng pháp luật vào thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp, là nhận thức chủ quan của doanh nghiệp đối với quy định pháp luật được áp dụng đối với các giao dịch kinh doanh. Để chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp được triệt để và có hiệu quả, giải pháp mang tính cơ bản, lâu dài là nâng cao ý thức pháp luật cho doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Khi ý thức pháp luật được nâng cao, doanh nghiệp thực hiện hành vi chấp hành, tuân thủ pháp luật một cách tự nhiên, hoàn toàn tự nguyện và mang tính chủ động, sáng tạo có như vậy nguyên tắc pháp quyền mới được thể hiện trong thực tiễn kinh doanh.

Hai là , bảo đảm cân bằng lợi ích lâu dài giữa nhà nước và doanh nghiệp bằng việc doanh nghiệp bảo đảm tiếng nói của doanh nghiệp về nội dung pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh khi ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật.

Hoạt động lập pháp điều chỉnh các quan hệ thị trường của Nhà nước chỉ nên tập trung vào việc thiết lập cơ chế, chính sách và bảo vệ trật tự thị trường hơn là các hoạt động lập pháp chi tiết, can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà nước phải đóng vai trò trung tâm trong việc phòng ngừa, xử lý các rủi ro thị trường (nhất là khi xảy ra khủng hoảng kinh tế) và xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh, công bằng, bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Các can thiệp của nhà nước vào thị trường (khi cần thiết) phải dựa trên quy luật của kinh tế thị trường, không làm méo mó các quan hệ thị trường.

Đối với các doanh nghiệp, nếu khuôn khổ pháp luật do nhà nước thiết lập bảo đảm công bằng, bình đẳng phản ánh được lợi ích của các doanh nghiệp thì khi đó doanh nghiệp tự nguyện chấp hành, tuân thủ pháp luật. Các hành vi vi phạm pháp luật khi đó không mang tính phổ biến. Tuy nhiên, bản chất của kinh doanh là luôn hướng tới mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận nên vô hình chung, vì lợi ích riêng của mình, doanh nghiệp có thể lạm dụng hoặc cố tình vi phạm pháp luật là những ví dụ điển hình của tình trạng doanh nghiệp không chấp hành, tuân thủ pháp luật để tối đa hóa lợi nhuận. Cụ thể là:

- Tình trạng chấp nhận bị phạt do hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường để tiết giảm chi phí kinh doanh.

- Cố ý vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán của không ít nhà đầu tư, công ty niêm yết khoán nhằm mục đích trục lợi cá nhân, tước đoạt cơ hội kinh doanh của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán do mức phạt và lợi ích mang lại từ việc vi phạm pháp luật.

- Người sử dụng lao động cố tình không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động để chiếm đoạt vốn đầu tư.

- Doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành dẫn đến thu lỗ hoặc các doanh nghiệp nhà nước lạm dụng các ưu đãi của nhà nước làm méo mó quan hệ thị trường… 23 , 22

Ba là , doanh nghiệp xây dựng và nâng cao năng lực giám sát hoạt động của doanh nghiệp cũng như của người quản lý, điều hành doanh nghiệp. Ban kiểm soát trong doanh nghiệp phải trở thành “đối trọng” thực sự trong việc bảo đảm tuân thủ pháp luật, Điều lệ doanh nghiệp và kiểm soát hiệu quả các nhóm quan hệ lợi ích trong nội bộ doanh nghiệp cũng như mối quan hệ của người quản lý, điều hành và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan 24 . Ban kiểm soát cần phát huy tính chủ động trong kiểm soát hành vi chấp hành, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp để có thể phát hiện, ngăn ngừa sớm các hành vi lạm dụng của người quản lý, điều hành nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho doanh nghiệp.

Bốn là , đối với người đại diện (bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền) người quản lý, điều hành phải đề cao nghĩa vụ trung thành quyền lợi công ty, của cổ đông khi thực hiện trách nhiệm của mình. Điều này đặt ra đòi hỏi phải thiết lập ba trụ cột cốt yếu để thực hiện giải pháp này là: Pháp luật quản trị công ty; quy tắc đạo đức người quản trị và nền tảng văn hóa, đạo đức kinh doanh của cả nền kinh tế.

Năm là , tăng cường biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước trong việc phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp. Diễn biến tình trạng vi phạm pháp luật của doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua cho thấy, các vi phạm của doanh nghiệp thường diễn ra trong thời gian dài, thiệt hại lớn và do báo chí phát hiện. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp dường như đứng ngoài cuộc. Trong quá trình thực hiện thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát, cơ quan quản lý nhà nước không được gây cản trở hoạt động hoặc làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Tuyên bố xung đột lợi ích

tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

TUYÊN BỐ ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Tác giả chịu trách nhiệm đối với nội dung toàn bài báo.

References

  1. Nguyễn Đức Minh, Khái niệm, nội dung của nguyên tắc pháp quyền, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 6/2018.. . ;:. Google Scholar
  2. Hoàng Văn Nghĩa, Một số vấn đề lý luận về nhà nước pháp quyền và giá trị tham khảo đối với Việt Nam, truy cập tại địa chỉ: http://triethoc.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=a071c4cd-8cd3-47af-a3ca-60eb7092182a.. . ;:. Google Scholar
  3. Nhâm Phong Tuân, Nguyễn Anh Tuấn, Quản trị công ty: vấn đề đại diện của các công ty đại chúng tại Việt Nam, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh, Tập 29, Số 1 (2013).. . ;:. Google Scholar
  4. Nguyễn Vũ Hoàng, Chế định đại điện trong pháp luật Việt Nam và vấn đề đặt ra trong thực tiễn áp dụng, Tạp chí Luật học, số 2/2013.. . ;:. Google Scholar
  5. Ngô Huy Cương, Chế định đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam – Nhìn từ góc độ Luật so sánh, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 4/2009.. . ;:. Google Scholar
  6. Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Đình Cung, Công ty vốn, quản lý và tranh chấp theo Luật Doanh nghiệp 2005, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2009.. . ;:. Google Scholar
  7. Quốc hội Việt Nam. Khóa XIII. Kỳ họp thứ 8 68/2014/QH13. Luật doanh nghiệp. Available from: http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=178115.. . ;:. Google Scholar
  8. Trương Thanh Đức, Luận giải về Luật Doanh nghiệp 2014 (36 kế sách pháp lý của doanh nghiệp), Tái bản có chỉnh sửa, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2017.. . ;:. Google Scholar
  9. Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Cẩm nang Quản trị Công ty tại Việt Nam, Hà Nội, tháng 10/2010.. . ;:. Google Scholar
  10. Phạm Bảo Khánh, Nghiên cứu ứng dụng lý thuyết người đại diện trong quản trị ngân hàng thương mại, Luận án tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2015.. . ;:. Google Scholar
  11. IFC, OECD, Các Nguyên tắc Quản trị Công ty, bản dịch tiếng Việt của Tổ chức Tài Chính Quốc Tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, 2016.. . ;:. Google Scholar
  12. Bùi Xuân Hải, Học thuyết về đại diện và mấy vấn đề của pháp luật công ty của Việt Nam, Tạp chí Khoa học Pháp lý, số 4(41)/2007.. . ;:. Google Scholar
  13. Tư Giang, Mô hình phát triển nào cho Việt Nam, truy cập ngày 1-11-2014, http://www.thesaigontimes.vn/121970/Mo-hinh-phat-trien-nao-cho-Viet-Nam.html.. . ;:. Google Scholar
  14. Trần Ngọc Thơ, Nhận thức mới về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, truy cập ngày 5/3/2015, http://www.thesaigontimes.vn/127167/Nhan-thuc-moi-ve-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-XHCN.html.. . ;:. Google Scholar
  15. Uông Chu Lưu (Chủ biên), Những vấn đề lý luận và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014.. . ;:. Google Scholar
  16. Phạm Duy Nghĩa, Chế độ kinh tế trong Hiến pháp 1992 - phát hiện một số bất cập và kiến nghị hướng sửa đổi, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 22/2011.. . ;:. Google Scholar
  17. Lương Xuân Quỳ (Chủ biên), Tư duy mới về phát triển kinh tế xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới, Sách tham khảo, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.. . ;:. Google Scholar
  18. Tư Giang, Mô hình phát triển nào cho Việt Nam, truy cập ngày 1-11-2014, http://www.thesaigontimes.vn/121970/Mo-hinh-phat-trien-nao-cho-Viet-Nam.html.. . ;:. Google Scholar
  19. Đinh Minh Tuấn, Phạm Thế Anh (Chủ biên, Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển, Nxb. Tri thức, Hà nội, 2016.. . ;:. Google Scholar
  20. Bầu Đệ: Công chức cứ trả thù, trả đũa thì có luật cũng như không! truy cập ngày 12/7/2016, http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/doanh-nhan/315149/bau-de-cong-chuc-cu-tra-thu-tra-dua-thi-co-luat-cung-nhu-khong.html. . ;:. Google Scholar
  21. Nguyên Nhung, Phải loại ngay những cán bộ công chức không đảm bảo phẩm chất đạo đức, truy cập ngày 14/7/2016, http://vov.vn/xa-hoi/phai-loai-ngay-nhung-can-bo-cong-chuc-khong-dam-bao-pham-chat-dao-duc-530290.vov.. . ;:. Google Scholar
  22. Nguyễn Đình Cung (Chủ trì) và các cộng sự, Doanh nghiệp nhà nước và méo mó thị trường, Hà Nội, 2015, truy cập ngày 4/9/2015 tại địa chỉ: http://rcv.gov.vn/Doanh-nghiep-Nha-nuoc-meo-mo-thi-truong.htm.. . ;:. Google Scholar
  23. Viên Thế Giang, Những vấn đề đặt ra khi thực thi chính sách, pháp luật về cải cách doanh nghiệp nhà nước, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 1+2, tháng 1/2017.. . ;:. Google Scholar
  24. Nguyễn Thị Vân Anh, Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát giao dịch giữa công ty với người có liên quan, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2015.. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 3 No 4 (2019)
Page No.: 480-489
Published: Feb 10, 2020
Section: Review
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v3i4.589

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
The Giang, V. (2020). Law compliance and enforcement in doing business to follow the rule of law in the market economy of Viet Nam. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 3(4), 480-489. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v3i4.589

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1765 times
Download PDF   = 439 times
View Article   = 0 times
Total   = 439 times