stdjelm.scienceandtechnology.com.vn

VNUHCM Journal of

Economics, Law and Management

An official journal of Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

ISSN 2588-1051

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

0

Total

0

Share

The impact of government expenditure on human development index in ASEAN countries from 2009 to 2022






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

To analyze the correlation between Government Expenditure and the Human Development Index in ASEAN countries from 2009 to 2022, this research utilized the Feasible Generalized Least Squares model (FGLS), including the statistics collected from reliable secondary sources such as World Bank, ADB, IMF, ASEAN Statistics. The research data encompasses government expenditures on health, education, and defense across 09 Southeast Asian nations over a twelve years period with 126 observations, consisting of the explanatory variables that represent the Government Expenditure Ratio compared to the GDP in Healthcare (Ghc), Education (Ge) and Defense (Gd). Besides, the Macroeconomic factors such as Foreign Direct Investment (lnFDI), Inflation Rate (Inf), and Labor Force (lnLab) are also employed as the controlled variables. The result indicates that Education Expenditure Ratio and Defense Expenditure Ratio positively affect on the Human Development Index. On the other hand, the Healthcare Expenditure Ratio has a negative impact on HDI. In addition, it is also implied that the Foreign Trade Investment is a beneficial factor in human life enhancement. At the same time, the inflation rate does not have a remarkable influence and the Labor Force has an adverse impact on HDI. Accordingly, this report presents policy recommendations to enhance living standards in Southeast Asia and Vietnam. Additionally, the research identifies shortcomings of the analysis and proposes new research directions to deepen our comprehension of the nexus between public expenditure and human development.

GIỚI THIỆU

Ý tưởng về yếu tố “Phát triển con người” được hình thành từ nửa sau thế kỷ 20, khi các cuộc tranh luận mang tính toàn cầu về mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển đang diễn ra. Trong quá trình hình thành các mục tiêu, phương hướng phát triển ở mỗi quốc gia, con người luôn được xem là mối quan tâm hàng đầu 1 . Từ những bước tiến về tư duy quản lý đó, chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) được xây dựng vào năm 1990 bởi UNDP. Chỉ số này có ý nghĩa rất quan trọng vì bên cạnh việc đo lường, chúng còn cung cấp một cái nhìn tổng thể trong việc so sánh mức độ phát triển giữa các quốc gia trên thế giới 2 .

Báo cáo của Văn phòng Báo cáo phát triển con người (HDRO) cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại đã có 140 quốc gia chủ động tính toán HDI cho đất nước của mình. Thậm chí, một số quốc gia đã áp dụng các phương pháp luận tính HDI theo tiêu chuẩn được xây dựng bởi UNDP để tính HDI cho cấp tỉnh, thành phố của mình 3 .

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển con người, trong những năm qua các quốc gia đã không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng sống của con người. Số liệu thống kê từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy chỉ số phát triển con người HDI của các quốc gia Đông Nam Á, dù vẫn còn tồn tại sự chênh lệch về mức độ và tốc độ phát triển giữa các nước, nhưng nhìn chung đã không ngừng cải thiện qua từng năm.

Các quốc gia chỉ có trình độ phát triển con người ở mức trung bình dù giữ được nhịp tăng trưởng qua từng năm nhưng không quá ấn tượng. Các quốc gia đảm bảo được chất lượng cuộc sống con người ở mức cao và rất cao như Thailand, Malaysia, Singapore dễ dàng có được đà tăng trưởng HDI nhanh và mạnh qua các năm, ngoại trừ Brunei dù có mức độ phát triển con người rất cao nhưng lại bị suy giảm dần HDI từ năm 2013. Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), tỷ trọng các khoản chi tiêu chính phủ của các nước trong khu vực cũng thay đổi liên tục qua từng năm. Tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục có xu hướng giảm dần tỷ trọng trong những năm trở lại đây, nhưng vẫn có một số quốc gia như Campuchia đang nỗ lực tăng dần tỷ trọng khoản chi này lên để đáp ứng cho các chính sách về giáo dục. Tỷ lệ chi tiêu cho y tế thì ngược lại, có xu hướng tăng với đa số các quốc gia, đặc biệt là vào năm 2020 và 2021, khi thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Chi tiêu cho quốc phòng là khoản chi có tỷ lệ thấp nhất nhưng ít biến động nhất qua các năm.

Xuất phát từ những lý do nói trên, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá được tác động của chi tiêu chính phủ đối với HDI ở các quốc gia Đông Nam Á giai đoạn 2009 - 2022. Các chi tiêu được chọn phân tích bao gồm chi tiêu cho giáo dục, y tế, quốc phòng. Từ kết quả mô hình, bài viết cũng đề xuất kiến nghị đối với các nước trong phạm vi nghiên cứu.

TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU TRƯỚC

Mối liên hệ giữa chi tiêu chính phủ và chỉ số phát triển con người đã trở thành chủ đề của nhiều nghiên cứu trước đây. Các đề tài đã chỉ ra rằng việc phân bổ ngân sách hợp lý đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng cuộc sống con người. Dựa trên các mô hình bảng dạng Pooled-OLS, FEM và REM, các nghiên cứu của Phan Thị Minh Hậu, Lê Thị Thanh Thủy và Bùi Thị Mai Hoài, Linhartova V đều cho rằng các khoản chi tiêu công đều ảnh hưởng đến chỉ số phát triển con người HDI, đặc biệt là các khoản chi tiêu cho giáo dục và y tế 4 , 5 , 6 . Một nghiên cứu điển hình khác của Gohou G và Soumar´e I không chỉ cho thấy tác động đáng kể của chi tiêu chính phủ mà còn phát hiện những ảnh hưởng nhất định của các chỉ số kinh tế vĩ mô như lạm phát hay đầu tư trực tiếp nước ngoài đến việc xóa đói giảm nghèo của các quốc gia 7 .

Dù đã có nhiều nghiên cứu đề cập đến sự tác động của chi tiêu chính phủ đến chỉ số phát triển con người ở một số quốc gia, tuy nhiên chưa có các công trình nghiên cứu đầy đủ tác động của chi tiêu chính phủ đến HDI trong khu vực ASEAN - một khu vực đa dạng với nhiều nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức về phát triển con người hiện nay. Trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu trước đó, bài bài viết tập trung nghiên cứu chi tiêu chính phủ đến chỉ số phát triển con người HDI của khu vực ASEAN giai đoạn 2009 - 2022. Đây là giai đoạn đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của khu vực này, đồng thời cũng chứng kiến nhiều biến cố kinh tế và chính trị quan trọng, như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các cuộc bầu cử quan trọng trong khu vực, và gần đây nhất là đại dịch COVID-19. Điểm đặc biệt của nghiên cứu này là tác giả đã tiến hành đánh giá tác động của các yếu tố ít được xem xét trong các bài nghiên cứu tương tự trước đó đến chỉ số phát triển con người HDI như khoản chi tiêu cho quốc phòng hay lực lượng lao động của các nước, qua đó mang lại những kết quả mới và cụ thể hơn so với các nghiên cứu tổng quát trước.

CƠ SỞ LÝ LUẬN

Khái niệm chi tiêu chính phủ

Chi tiêu công (chi tiêu công cộng, chi tiêu chính phủ) là các khoản chi tiêu, gói trợ cấp của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, các đơn vị quản lý hành chính và sự nghiệp thông qua ngân sách Nhà nước. Chi tiêu công gắn liền với việc hoạch định và thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế, chính trị, xã hội của chính phủ 8 .

Chỉ số phát triển con người

Năm 1990, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã giới thiệu một cách tiếp cận mới đối với việc đánh giá sự phát triển - đó là sự phát triển con người. Ý tưởng này được trình bày lần đầu tiên trong Báo cáo Phát triển Con người. Lý thuyết về sự phát triển con người quan tâm đặc biệt vào việc cải thiện sức khỏe và tinh thần của công dân trong một quốc gia, thay vì chỉ tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 9 .

Chỉ số phát triển con người là một đánh giá tổng hợp về sự phát triển của con người, bao gồm ba thành phần chính: sức khỏe, tri thức, và mức thu nhập của người dân. Trong đó, sức khỏe được xác định bằng tuổi thọ trung bình của một người tính từ lúc sinh. Tri thức được đo lường thông qua các chỉ số tỷ lệ biết chữ ở người trưởng thành và tỷ lệ nhập học ở các cấp, vì đây là những yếu tố thể hiện mức độ giáo dục và kiến thức trong cộng đồng. Cuối cùng, thu nhập được đo bằng tổng sản phẩm quốc nội bình quân mỗi người hàng năm, phản ánh trình độ phát triển kinh tế và mức sống dân cư 10 .

Dựa vào HDI, ta có thể phân các nước thành 03 nhóm: các nước có mức phát triển con người thấp (HDI ≤ 0,50), các nước có mức phát triển con người trung bình (0,51 ≤ HDI ≤ 0,79), các nước có mức phát triển con người cao (HDI ≥ 0,8) 3 .

Lý thuyết tăng trưởng nội sinh

Lý thuyết nội sinh của Solow nhấn mạnh vai trò then chốt của phát triển con người trong tăng trưởng kinh tế bền vững. Lý thuyết này khẳng định tăng trưởng kinh tế lâu dài phải đến từ sự đầu tư không chỉ về vốn vật chất mà cả vốn con người. Mô hình nghiên cứu của Ranis và cộng sự (2000) cũng tập trung nghiên cứu sự phát triển của con người đối với tăng trưởng kinh tế, khẳng định rằng đầu tư vào vốn con người, đặc biệt thông qua giáo dục và y tế, là yếu tố quyết định cho tăng trưởng kinh tế dài hạn 11 .

Đầu tư vào vốn con người là vai trò và trách nhiệm của chính phủ thông qua các khoản chi của ngân sách nhà nước về y tế, giáo dục, quốc phòng. Chi tiêu cho giáo dục và y tế trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong khi đầu tư vào quốc phòng đảm bảo môi trường ổn định cho phát triển. Có thể thấy rằng để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, chính phủ không chỉ cần tăng cường hiệu quả ngân sách mà còn cần định hình chính sách hướng tới phát triển con người.

Mối liên hệ giữa chi tiêu chính phủ và HDI

Chi tiêu cho giáo dục

Đầu tư vào giáo dục có thể tạo ra những cơ hội mới, nâng cao chất lượng lao động và góp phần tăng cường sức mạnh nhân lực, từ đó có thể thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia. Kết quả nghiên cứu của Lantion và cộng sự tại một số nước ASEAN đã cho thấy một ảnh hưởng tích cực và đáng kể của chi tiêu của chính phủ vào giáo dục đối với chỉ số HDI. Các tác giả khẳng định nguồn chi này đảm bảo khả năng tiếp cận và chất lượng giáo dục, trang bị cho công dân các kiến thức về khoa học, nghiên cứu và công nghệ, giảm thiểu sự bất bình đẳng về trình độ giáo dục 12 . Theo lý thuyết tăng trưởng nội sinh, một nền giáo dục chất lượng cao là điều kiện cần để nâng cao yếu tố tri thức của con người nói riêng và chỉ số phát triển con người nói chung. Nghiên cứu của Kushwaha và Tiwari ở Ấn Độ, Saputro và Hamzah ở một số nước ASEAN cũng thể hiện tác động tích cực của chi tiêu cho giáo dục tới sự phát triển con người 13 , 14 . Trên cơ sở đó, giả thuyết H1 được xây dựng như sau:

H1: Tỷ lệ chi tiêu công cho giáo dục tác động tích cực đến HDI của các quốc gia ASEAN giai đoạn 2009 - 2022.

Chi tiêu cho quốc phòng

Benoit phát biểu rằng một mức độ an ninh quốc gia ổn định có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và xã hội, từ đó ảnh hưởng tích cực đến HDI 15 . Chi tiêu quân sự mang lại sự bảo vệ cho công dân trong nước bằng cách duy trì an ninh bên trong và bên ngoài, từ đó tạo ra môi trường đầu tư và thương mại tích cực cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thuận lợi tăng cường năng lực nguồn nhân lực của lực lượng lao động thông qua cung cấp giáo dục và y tế, đặc biệt là ở các nước kém phát triển. Điều này cũng phù hợp đối với lý thuyết tăng trưởng nội sinh, khi con người là trung tâm của sự phát triển và được kiến tạo những điều kiện tốt nhất để khai thác tiềm năng. Các nghiên cứu của Dunne và Tian, Sandler và Hartley, Nguyễn Quang Trung và Trần Phạm Khánh Toàn tại các quốc gia Đông Nam Á cũng cho thấy tác động tích cực của chi tiêu cho quốc phòng tới sự phát triển con người 16 , 17 , 18 . Trên cơ sở đó, giả thuyết H2 được xây dựng như sau:

H2: Tỷ lệ chi tiêu cho quốc phòng tác động tích cực đến HDI của các quốc gia ASEAN giai đoạn 2009 - 2022

Chi tiêu cho y tế

Banik và cộng sự cho rằng đầu tư vào y tế không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn tăng khả năng lao động và giảm tỷ lệ mắc bệnh, góp phần nâng cao HDI và phát triển kinh tế, điều này phù hợp với lý thuyết tăng trưởng nội sinh 19 . Tuy nhiên, nhiều công trình nghiên cứu hướng tới các nước Đông Nam Á chỉ ra rằng khoản chi này đang kém hiệu quả hay thậm chí có ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển con người, như của Lantion và cộng sự tại một số nước ASEAN, Ramesh và Wu tại các quốc gia Đông Nam Á, Pahlevi tại Indonesia 12 , 20 , 21 . Nguyên nhân đầu tiên có thể xuất phát từ hiệu lực và hiệu quả chi tiêu y tế. Bên cạnh quy mô chi tiêu y tế, điều quan trọng cần nhận ra là số tiền chi tiêu y tế không thể mô tả được mức độ hiệu quả và hiệu suất chi tiêu. Tình trạng này có thể đến từ thực trạng hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và Philippines đã bị tư nhân hóa, dẫn đến việc triển khai các khu vực y tế công cộng kém hiệu quả. Trên cơ sở đó, giả thuyết H3 được xây dựng như sau:

H3: Tỷ lệ chi tiêu cho y tế tác động tiêu cực đến HDI của các quốc gia ASEAN giai đoạn 2009 - 2022.

Lạm phát

Yolanda nhận định, tỷ lệ lạm phát gia tăng cũng kèm theo sự tăng lên của nghèo đói 22 . Sự gia tăng trong giá cả hàng hóa sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, y tế và kinh tế của cộng đồng, dẫn đến sự gia tăng số lượng người nghèo khi họ phải chịu thiếu thốn về tài chính và các dịch vụ xã hội cơ bản. Arisman cũng cho rằng sự tăng lên của lạm phát ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua của người dân đối với các loại hàng hóa, có tác động trực tiếp âm đến HDI 23 . Trên cơ sở đó, giả thuyết H4 được xây dựng như sau:

H4: Tỷ lệ lạm phát tác động tiêu cực đến HDI của các quốc gia ASEAN giai đoạn 2009 - 2022.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài

Nghiên cứu của Ahmad và cộng sự cho thấy, từ góc độ xã hội, FDI có thể mang lại nguồn tài trợ, công nghệ mới và khả năng tạo ra việc làm, từ đó mang lại tác động tích cực với việc xóa đói giảm nghèo 24 . Việc quản lý FDI hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, góp phần gia tăng phúc lợi xã hội mà mỗi cá nhân nhận được. Ngoài ra, những nghiên cứu của Gohou và Soumaré, Hanushek, Neumayer cũng cho thấy tầm quan trọng của việc quản lý FDI đối với sự phát triển của con người 7 , 25 , 26 . Trên cơ sở đó, giả thuyết H5 được xây dựng như sau:

H5: Chi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài tác động tích cực đến HDI của các quốc gia ASEAN giai đoạn 2009 - 2022.

Lực lượng lao động

Dù ASEAN là khu vực có lực lượng lao động lớn thứ 03 trên thế giới, đây vẫn chưa hẳn là một lợi thế rõ rệt của khu vực 27 . Điều kiện lao động là một trong những khuyết điểm lớn đối với các nước ASEAN. Thứ nhất, theo Abbas , lao động tại các quốc gia này có nguy cơ cao gặp phải thương tật do lao động cao hơn, trong khi hạ tầng y tế kém phát triển và các chương trình bảo hiểm xã hội chưa được củng cố đúng mức, gây ra chi phí cao cho hệ thống an sinh xã hội quốc gia 28 . Thứ hai, theo Autor và cộng sự, sự bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận giáo dục và đào tạo nghề cũng là nguyên nhân khiến phần đông lao động không có chất lượng cao và phải làm những công việc có mức lương thấp 29 . Vì vậy, lực lượng lao động đông đảo thậm chí có thể là một bất lợi đối với phát triển con người do sự bất bình đẳng vẫn còn tiếp diễn, gây ra chi phí cao cho hệ thống an sinh xã hội quốc gia và ảnh hưởng xấu đến hiệu quả phân bổ tài nguyên giữa các công dân của các nước này. Trên cơ sở đó, giả thuyết H6 được xây dựng như sau:

H6: Lực lượng lao động tác động tiêu cực đến HDI của các quốc gia ASEAN giai đoạn 2009 - 2022.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Dữ liệu được thu thập thông qua World Bank, IMF, ASEAN Statistics, những nguồn thông tin đáng tin cậy và toàn diện về các quốc gia trên thế giới. Dữ liệu này được cập nhật thường xuyên, đảm bảo tính chính xác và phù hợp cho nghiên cứu.

Phương pháp nghiên cứu định tính: báo cáo đã tìm hiểu và tổng quan một số công trình nghiên cứu về chi tiêu chính phủ và HDI. Từ đó, nghiên cứu tham khảo và kế thừa một số cơ sở lý luận cho đề tài, cũng như là xây dựng nên mô hình nghiên cứu có tính thuyết phục hơn.

Phương pháp phân tích dữ liệu bao gồm thống kê mô tả, mô hình Fixed Effect (FEM), Random Effect (REM), Pooled OLS và Feasible Generalized Least Squares (FGLS). Sau quá trình phân tích và đánh giá hiệu quả của các mô hình, nghiên cứu này quyết định sử dụng mô hình FGLS (Feasible Generalized Least Squares), một phương pháp hồi quy dùng để ước lượng các tham số trong mô hình tuyến tính khi hiệp phương sai không đồng nhất hoặc có sự tương quan giữa các phần dư. FGLS cố gắng điều chỉnh phương sai của phần dư để làm cho các ước lượng của tham số hợp lý hơn 30 . Các biến được sử dụng trong mô hình nghiên cứu được trình bày trong bảng thống kê mô tả ( Table 1 ) bao gồm các chỉ số về giá trị trung bình, độ lệch chuẩn, giá trị nhỏ nhất và lớn nhất, cung cấp cái nhìn tổng quan về đặc điểm và phân phối của các biến trong mẫu nghiên cứu.

Table 1 Các biến trong mô hình nghiên cứu

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kết quả ước lượng mô hình Pooled, FEM & REM

Sau khi thu thập dữ liệu từ World Bank, IMF, ASEAN Statistics trong giai đoạn 2009 đến 2022 ở 09 quốc gia ASEAN, bài nghiên cứu tiến hành phân tích và đo lường kết quả bằng phần mềm Stata 15 với các mô hình bao gồm Pooled-OLS, FEM và REM. Kết quả được trình bày ở Table 2 .

Table 2 Kết quả ước lượng mô hình Pooled, FEM & REM

Kết quả mô hình cho thấy cả ba mô hình đều có ý nghĩa thống kê với độ phù hợp trên 50%. Nhằm lựa chọn ra mô hình phù hợp, nghiên cứu thực hiện các kiểm định Wald test, Breusch-Pagan và Hausman được trình bày ở Table 3 .

Table 3 Bảng kiểm định mô hình phù hợp và kiểm định khuyết tật mô hình FEM

Đầu tiên, nghiên cứu thực hiện kiểm định Wald test và thấy rằng mô hình FEM phù hợp hơn mô hình Pooled-OLS (p-value = 0,000 nên bác bỏ H0). Tiếp theo, kiểm định Breusch - Pagan cho thấy kết quả mô hình REM phù hợp hơn so với Pooled-OLS. Cuối cùng, để so sánh mô hình FEM và REM, nghiên cứu sử dụng kiểm định Hausman, với kết quả p-value = 0,000 nên kết luận bác bỏ H0, mô hình FEM là phù hợp nhất.

Bước kế tiếp, hai kiểm định Modified Wald và Woolridge cho thấy mô hình FEM còn tồn tại hai hiện tượng phương sai sai số thay đổi và tự tương quan. Nhằm khắc phục hai khuyết tật này, nhóm đã tiến hành thực hiện ước lượng theo phương pháp FGLS, thu được kết quả ở Table 4 .

HDI i,t = 0,704 + 0,0110Ge i,t + 0,0482Gd i,t - 0,0170Ghc i,t + 0,0000653Inf i,t + 0,0146lnFDI i,t - 0,00931lnLab i,t + 𝛆 𝒊 , 𝒕

Table 4 Phương pháp bình phương bé nhất tổng quát khả thi (FGLS)

Kết quả ước lượng từ Table 4 cho thấy cả ba biến tỷ lệ chi tiêu công đều có ảnh hưởng đáng kể. Cụ thể tỷ lệ chi tiêu công cho giáo dục (Ge) và quốc phòng (Gd) cho thấy tác động tích cực với chỉ số HDI, trong khi tỷ lệ chi tiêu công cho y tế (Ghc) lại có tác động tiêu cực. Về các yếu tố vĩ mô, hầu hết đều đóng vai trò kiểm soát hiệu quả, ngoại trừ biến tỷ lệ lạm phát (Inf) không có ý nghĩa thống kê.

THẢO LUẬN VỀ KẾT QUẢ MÔ HÌNH ƯỚC LƯỢNG

Tỷ lệ chi tiêu công cho giáo dục

Nghiên cứu chỉ ra tác động tích cực của tỷ lệ chi tiêu công cho giáo dục đến chỉ số phát triển con người ở Đông Nam Á từ 2009 - 2022. Cụ thể, với điều kiện các yếu tố khác không thay đổi, khi tỷ lệ chi tiêu công cho giáo dục tăng lên 1% thì HDI sẽ tăng 0,0110 đơn vị. Kết quả này phù hợp với kết quả của các nghiên cứu của Lantion và cộng sự, Kushwaha và Tiwari, Saputro và Hamzah. Mặc dù chi tiêu giáo dục ở các nước ASEAN có dao động, nó vẫn thể hiện hiệu quả trong việc nâng cao trình độ và chất lượng cuộc sống người dân. Kết quả này nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư giáo dục đối với sự phát triển con người. Vì vậy, giả thuyết H1 được chấp nhận.

Tỷ lệ chi tiêu công cho quốc phòng

Nghiên cứu chỉ ra tác động tích cực của chi tiêu công cho quốc phòng đến chỉ số phát triển con người ở Đông Nam Á từ 2009 - 2022. Cụ thể, với điều kiện các yếu tố khác không thay đổi, khi tỷ lệ chi tiêu công cho quốc phòng tăng 1% thì HDI của các quốc gia nghiên cứu tăng 0,0482 đơn vị. Điều này phù hợp với nghiên cứu trước đây như của Dunne và Tian, Sandler và Hartley, Nguyễn Quang Trung và Trần Phạm Khánh Toàn nhấn mạnh vai trò của chi tiêu quốc phòng trong việc đảm bảo an ninh, tạo điều kiện phát triển kinh tế, và gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng HDI. Sự phát triển kinh tế được hỗ trợ gián tiếp thông qua các hoạt động của chính phủ, như cung cấp quốc phòng quốc gia, bảo vệ quyền sở hữu bằng cách tăng cường động lực cho công dân sản xuất và tích lũy đầu tư. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng ngân sách này để tránh tác động tiêu cực. Vì vậy, giả thuyết H2 được chấp nhận.

Tỷ lệ chi tiêu công cho y tế

Mô hình nghiên cứu cho thấy tỷ lệ chi tiêu công cho y tế có tác động tiêu cực tới chỉ số phát triển con người của các quốc gia Đông Nam Á trong giai đoạn nghiên cứu. Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, khi chính phủ các quốc gia tăng tỷ lệ chi tiêu công cho y tế lên 1% thì HDI giảm 0,0170 đơn vị. Kết quả này là hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu của Lantion và cộng sự, Ramesh và Wu, Pahlevi, trái với nhận định của Banik và cộng sự. Nguyên nhân có thể do hiệu quả và hiệu suất sử dụng nguồn lực chưa tối ưu, phân bổ không công bằng, thiếu hụt cơ sở hạ tầng và nhân lực y tế. WHO cũng ghi nhận những hạn chế trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe khu vực này, như chăm sóc ngoại trú thấp và người nghèo thành thị khó tiếp cận dịch vụ. Mặc dù chi tiêu y tế ở các nước Đông Nam Á khá cao (3-5% GDP), nhưng chưa phát huy hết tiềm năng. Các quốc gia cần tập trung vào quản lý, đánh giá hiệu quả và phân bổ nguồn lực y tế công bằng hơn để tối ưu hóa lợi ích cho sức khỏe cộng đồng và phát triển con người. Vì vậy, giả thuyết H3 được chấp nhận.

Tỷ lệ lạm phát

Biến tỷ lệ lạm phát không có ý nghĩa thống kê, không thỏa kỳ vọng ban đầu rằng lạm phát có tác động tiêu cực đối với chỉ số phát triển con người. Kết quả này không tương đồng với kết quả của nghiên cứu Yolanda và Arisman rằng biến số lạm phát thực sự có gây ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số phát triển con người theo chiều hướng tiêu cực.

Vốn đầu tư nước ngoài FDI

Kết quả ước lượng cho thấy FDI có tác động tích cực đến chỉ số phát triển con người ở các quốc gia khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2009 - 2022. Trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi, khi FDI tăng lên 1% thì HDI tăng khoảng 0,000146 đơn vị. Kết quả ước lượng của mô hình sử dụng cũng cho thấy sự phù hợp với kết quả nghiên cứu của Ahmad và cộng sự, Gohou và Soumaré, Hanushek, Neumayer, rằng dòng vốn FDI có thể tạo ra nhiều lợi ích kinh tế, bao gồm cả tăng cường đầu tư, cung cấp việc làm và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia, gia tăng phúc lợi xã hội, qua đó cải thiện HDI. Vì vậy, giả thuyết H5 được chấp nhận.

Lực lượng lao động

Kết quả ước lượng cho thấy lực lượng lao động có tác động tiêu cực đến HDI của các quốc gia khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2009 - 2022. Cụ thể, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, khi lực lượng lao động tăng 1% thì HDI ở các quốc gia này giảm 0,000093 đơn vị. Điều này có thể giải thích bởi tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng trong khu vực. Theo Autor và cộng sự, dân số trẻ của ASEAN, nếu không được đào tạo và sử dụng hiệu quả, có thể dẫn đến thất nghiệp và các vấn đề xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và HDI. Trần Phạm Khánh Toàn cũng nhận định rằng khi lực lượng lao động tăng nhanh mà không có đủ việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tăng có thể làm giảm thu nhập và hạn chế khả năng chi trả cho y tế, giáo dục, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống 31 . Vì vậy, giả thuyết H6 được chấp nhận.

HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục đào tạo và xem đây là giải pháp cơ bản cho sự phát triển nguồn nhân lực nói riêng, sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của các quốc gia Đông Nam Á. Các khoản chi tiêu cho giáo dục cần có kế hoạch cụ thể để xác định đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm nhằm đảm bảo tính hiệu quả, tạo hiệu ứng lan tỏa giữa các vùng. Bên cạnh các khoản chi tiêu công, nhà nước cần có chính sách khuyến khích các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục thông qua các chính sách xã hội hóa giáo dục nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực cho quốc gia.

Thứ hai, đẩy mạnh các khoản chi tiêu công cho các lĩnh vực quốc phòng an ninh, tạo môi trường hòa bình, ổn định cho người dân, doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài an tâm sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ quốc phòng an ninh nhằm góp phần tạo việc làm cho người dân, vừa tạo ra môi trường thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế, kích thích đầu tư và thương mại trong và ngoài nước.

Thứ ba, thực hiện tốt các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm ổn định nền kinh tế trước các tác động mạnh mẽ từ nền kinh tế thế giới như khủng hoảng, lạm phát nhằm ổn định đời sống người dân. Thực hiện các biện pháp nhằm thống kê mức sống tối thiểu của người dân theo từng khu vực để có chính sách về tiền lương phù hợp, đảm bảo mức sống cho người dân.

Thứ tư, hoàn thiện hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương, đồng thời có chiến lược đầu tư vào lĩnh vực y tế theo hướng phát triển trọng tâm, trọng điểm, kết hợp giữa nguồn vốn của nhà nước với các nguồn lực khác cho lĩnh vực y tế. Cần thực hiện tốt khâu kiểm tra, đánh giá nhằm đảm bảo rằng khoản chi tiêu công của chính phủ được phân bổ đến đúng các khu vực thiếu thốn về dịch vụ xã hội; tăng cường các biện pháp dịch vụ bảo hiểm y tế nhằm góp phần cải thiện khả năng chi trả cho các dịch vụ y tế của người dân hay.

Thứ năm, chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế nhằm chủ động lựa chọn các dự án đầu tư của nước ngoài theo hướng đảm bảo nguyên tắc hài hòa giữa mục tiêu kinh tế, môi trường và xã hội, nhằm góp phần nâng cao chất lượng sống của con người.

KẾT LUẬN

Kết quả nghiên cứu tác động của chi tiêu chính phủ đối với chỉ số phát triển con người ở 09 quốc gia Đông Nam Á trong giai đoạn 2009 – 2022 đã cho thấy các khoản chi tiêu công cho giáo dục và quốc phòng có tác động tích cực đến chỉ số phát triển con người HDI. Điều này cũng bước đầu chứng minh rằng các khoản chi tiêu công của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã được phân bổ có hiệu quả, góp phần không nhỏ vào việc phát triển vốn con người trong nền kinh tế. Trong khi đó, chi tiêu công cho lĩnh vực y tế ở các nước Đông Nam Á có tác động tiêu cực đến chỉ số phát triển con người. Điều này chứng tỏ rằng hệ thống y tế của các nước trong khu vực Đông Nam Á chưa được đầu tư hiệu quả, các khoản chi tiêu công cho lĩnh vực y tế vì thế cũng đang gặp phải các vấn đề phức tạp trong quá trình sử dụng và quản lý tài nguyên. Ngoài ra, FDI đang là chỉ số mà các nước Đông Nam Á cần phải cải thiện và phát huy, trong khi lạm phát và lực lượng lao động nên được kiểm soát và duy trì ở mức phù hợp. Sự phát triển con người của khu vực có thể nói là phụ thuộc lớn vào khả năng giải quyết các vấn đề xoay quanh các nhân tố trên.

HẠN CHẾ CỦA ĐỀ TÀI

Bên cạnh những kết quả đạt được, đề tài vẫn tồn tại một số hạn chế. Thứ nhất là giới hạn về mặt không gian khi chỉ nghiên cứu trong phạm vi 9 quốc gia thuộc ASEAN (không bao gồm Myanmar và Đông Timor), có thể làm hạn chế sự áp dụng của các kết quả cho toàn bộ khu vực. Thứ hai, các biến đại diện cho chi tiêu chính phủ được đưa vào nghiên cứu chỉ bao gồm chi tiêu cho y tế, giáo dục và quốc phòng nên chưa phản ánh tất cả các khía cạnh quan trọng của chi tiêu công. Kết quả là các biến trong mô hình nghiên cứu chỉ giải thích được 58,98% biến phụ thuộc là HDI, cho thấy vẫn còn những yếu tố khách quan khác bên ngoài hoặc nội tại của chính các nước này tác động đến HDI nhưng chưa được đưa vào nghiên cứu.

HƯỚNG NGHIÊN CỨU MỚI

Cải thiện và mở rộng phạm vi nghiên cứu về không gian và thời gian trong tương lai, tìm kiếm và bổ sung thêm các biến độc lập, bao gồm chi đầu tư phát triển, chi sự nghiệp kinh tế, chi khoa học công nghệ, chi an sinh xã hội... vào mô hình phân tích của mình, mang đến một cái nhìn tổng thể và chi tiết hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến HDI.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

ASEAN: Association of Southeast Asian Nations (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á)

EU: European Union (Liên minh châu Âu)

GDP: Gross Domestic Product (Tổng sản phẩm quốc nội)

HDRO: Human Development Report Office (Văn phòng Báo cáo phát triển con người)

HDI: Human Development Index (Chỉ số phát triển con người)

FDI: Foreign Direct Investment (Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài)

UNDP: United Nations Development Programme (Chương Trình Phát Triển Liên Hợp Quốc)

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Các tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Nguyễn Đình Bình: định hướng, góp ý và bổ sung những thiếu sót của nghiên cứu.

Các tác giả cùng xây dựng tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý luận và giả thuyết nghiên cứu.

Phạm Hải Anh: hàm ý chính sách, hạn chế, hướng đi mới và kết luận, thiết kế và chỉnh sửa văn bản nghiên cứu.

Huỳnh Thị Ngọc Kiều: thu thập dữ liệu, thảo luận kết quả nghiên cứu.

Trần Đỗ Phương Uyên: thu thập dữ liệu, chạy mô hình và thảo luận kết quả nghiên cứu.

Lê Nguyễn Uyên My: chỉnh sửa phần giới thiệu, xây dựng giả thuyết và hàm ý chính sách.

Tạ Như Ngọc: phương pháp nghiên cứu, hàm ý chính sách.

References

  1. Haq K. Mahbub ul Haq: pioneering a development philosophy for people. Oxford University Press's, Academic Insights for the Thinking World [serial online] 2017 [cited 2024 Jan 11]. . ;:. Google Scholar
  2. UNDP (United Nations Development Programme). Human Development Report 1990: Concept and Measurement of Human Development. New York: Oxford University Press; 1990. . ;:. Google Scholar
  3. United Nations. What is Human Development? [Online]. 2015. . ;:. Google Scholar
  4. Hậu PT. Tác động của chi ngân sách địa phương đến chất lượng cuộc sống của người dân [Master thesis]. Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh; 2014 [cited 2023 Nov 24]. Available from: Thư viện Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh. . ;:. Google Scholar
  5. Thủy LTH, Mai BTH. Tác động của chi chính phủ trong lĩnh vực y tế và giáo dục đến chỉ số HDI ở các quốc gia đang phát triển [Master's thesis]. Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh; 2014 [cited 2023 Nov 24]. Available from: Thư viện Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh. . ;:. Google Scholar
  6. Linhartova V. Analyzing the role of public expenditures in human development: Panel data analysis of EU-28 countries. Montenegrin Journal of Economics. 2021;17(1). . ;:. Google Scholar
  7. Gohou G, Soumaré I. Does foreign direct investment reduce poverty in Africa and are there regional differences? World Dev. 2012;40(1):75–95. . ;:. Google Scholar
  8. Lê Chi Mai. Quản lý chi tiêu công. Nhà Xuất bản Chính trị Quốc Gia; 2011. . ;:. Google Scholar
  9. Razmi MJ, Abbasian E, Mohammadi S. Investigating the effect of government health expenditure on HDI in Iran. J Knowl Manag Econ Inf Technol. 2012;2(5). . ;:. Google Scholar
  10. Nguyễn Thị Mai Hương, Nguyễn Thị Bích Diệp. Một số vấn đề phát triển con người ở Việt Nam. Thông tin Khoa học Thống kê. 2017;1:28–31. . ;:. Google Scholar
  11. Ranis G, Stewart F, Ramirez A. Economic growth and human development. World Dev. 2000;28(2):197–219. . ;:. Google Scholar
  12. Lantion DAS, Musngi GV, Cabauatan RR. Assessing the relationship of Human Development Index (HDI) and government expenditure on health and education in selected ASEAN countries. Int J Soc Manag Stud. 2023;4(6):13–26. . ;:. Google Scholar
  13. Kushwaha M, Tiwari DR. A causal relationship between public expenditure on education and human development: Analysis of Indian states. Gap Gyan. 2020;3(3):1–7. . ;:. Google Scholar
  14. Saputro SE, Hamzah MZ, Santosa B. Determinant factors of human development and its impact on level of productivity in ASEAN countries. Adv Econ Bus Manag Res. 2023;265:312–32. . ;:. Google Scholar
  15. Benoit E. Growth and defense in developing countries. Econ Dev Cult Change. 1978;26(2):271–80. . ;:. Google Scholar
  16. Dunne JP, Tian N. Military expenditure and economic growth: A survey. Econ Peace Secur J. 2013;8(1):5–11. . ;:. Google Scholar
  17. Sandler T, Hartley K. Handbook of defense economics: Defense in a globalized world. Elsevier; 1995. . ;:. Google Scholar
  18. Nguyễn Quang Trung, Trần Phạm Khánh Toàn. Tác động của chi tiêu công đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia Đông Nam Á. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh - Kinh tế và Quản trị Kinh doanh. 2014;9(2):50–9. . ;:. Google Scholar
  19. Banik B, Roy CK, Hossain R. Healthcare expenditure, good governance, and human development. EconomiA. 2023;24(1):1–23. . ;:. Google Scholar
  20. Ramesh M, Wu X. Realigning public and private health care in Southeast Asia. Pac Rev. 2008;21(2):171–87. . ;:. Google Scholar
  21. Pahlevi M, Merita. Impact of governance and government expenditure on human development in Indonesia [master's thesis]. Indonesia: International Institute of Social Studies; 2017. Available from: Erasmus University Thesis Repository. . ;:. Google Scholar
  22. Yolanda Y. Analysis of factors affecting inflation and its impact on Human Development Index and poverty in Indonesia. Eur Res Stud J. 2017;20(4B):38–56. . ;:. Google Scholar
  23. Arisman A. Determinants of Human Development Index in ASEAN countries. Signifikan. 2018;7(1):113–22. . ;:. Google Scholar
  24. Ahmad F, Draz MU, Ozturk I, Rauf A, Ali S. Impact of FDI inflows on poverty reduction in the ASEAN and SAARC economies. Sustainability. 2019;11(9):2565. . ;:. Google Scholar
  25. Hanushek EA. Economic growth in developing countries: The role of human capital. Econ Educ Rev. 2013;37:204–12. . ;:. Google Scholar
  26. Neumayer E. Human development and sustainability. J Hum Dev Capabilities. 2010;13(4):561–79. . ;:. Google Scholar
  27. Vinayak HV, Thompson F, Tonby O. Understanding ASEAN: Seven things you need to know. Growth. 2014;2000:13. . ;:. Google Scholar
  28. Abbas M. Trend of occupational injuries/diseases in Pakistan: Index value analysis of injured employed persons from 2001–02 to 2012–13. Saf Health Work. 2015;6(3):218–26. . ;:. Google Scholar
  29. Autor DH, Katz LF, Kearney MS. The polarization of the US labor market. Am Econ Rev. 2006;96(2):189–94. . ;:. Google Scholar
  30. Amemiya T. Advanced Econometrics. Harvard University Press; 1985. . ;:. Google Scholar
  31. Phạm Trần Khánh Toàn. Unemployment and shadow economy in ASEAN countries. J Asian Financ Econ Bus. 2021;8(11):1–12. . ;:. Google Scholar


Article Details

Issue: Vol 8 No 4 (2024)
Page No.: 5611-5621
Published: Dec 31, 2024
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v8i4.1398

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyễn, B., Phạm, A., Huỳnh, K., Trần, U., Lê, M., & Tạ, N. (2024). The impact of government expenditure on human development index in ASEAN countries from 2009 to 2022. VNUHCM Journal of Economics, Law and Management, 8(4), 5611-5621. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v8i4.1398

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 0 times
PDF   = 0 times
XML   = 0 times
Total   = 0 times

Most read articles by the same author(s)