Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

21

Total

11

Share

The Complete provisions on criminal concealment






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The 2015 Criminal Code, amended and supplemented in 2017, defines the responsibility of "All citizens must actively participate in crime prevention and fighting" In addition to raising awareness of the rule of law, anti-crime activities also require a significant contribution from individuals to contribute significantly. Accordingly, the criminal law also stipulates cases of concealment of crimes in which the subjects who are not criminally responsible if he/she is a grandparent, parent, child, niece/nephew, sibling, or spouse of the offender. Current regulations not only define the special relationship between the concealer and the concealed person, but also limit the type of concealed crime to show humanity and in accordance with our country's moral traditions. However, the legal provisions for this crime are still need to be improved in some cases. Of who conceals the crime shall not bear criminal responsibility. Moreover, there is still no official guidance on the signs of aggravating the penalty framework, so that judicial practice is only sometimes applied. This paper addresses shortcomings in applying Article 389 of the 2015 Criminal Code and makes several recommendations on the issue in question.

GIỚI THIỆU

Trong Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS), tội che giấu tội phạm được quy định trong chương Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Loại tội phạm này đã xâm phạm đến hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như cản trở quá trình phát hiện, điều tra cũng như chứng minh tội phạm. Đặc biệt loại tội phạm này đã xâm phạm nguyên tắc: “ Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật ” được quy định tại Điều 3 BLHS. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 BLHS, hành vi che giấu tội phạm được hiểu là “ hành vi che giấu người phạm tội, che giấu dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc là hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội ”. Có thể hiểu hành vi che giấu phạm tội được thực hiện dưới các dạng sau:

- Hành vi che giấu người phạm tội: là hành vi giấu đi, không để lộ ra ngoài cho người khác biết về người phạm tội hoặc dùng mọi thủ đoạn để cản trở việc phát hiện hoặc có hành vi bao che người phạm tội trước hoạt động điều tra tội phạm của các cơ quan chức năng. Hành vi này được thực hiện qua các hoạt động cụ thể như tạo cơ hội, điều kiện để người phạm tội lẩn trốn, cho mượn nơi ở, phương tiện, công cụ, thiết bị hỗ trợ để người phạm tội lẫn trốn sau khi thực hiện tội phạm.

- Hành vi che giấu dấu vết, tang vật của tội phạm: là hành vi xóa, tiêu hủy các dấu vết hay giấu đi, tiêu hủy, hủy bỏ các vật, tiền, hàng hóa hoặc các công cụ, phương tiện phạm tội liên quan trực tiếp đến quá trình phạm tội. Các dấu vết, tang vật này là chứng cứ quan trọng, quyết định việc phát hiện, điều tra hành vi phạm tội của người được che giấu. Các hành vi che giấu dấu vết được thực hiện như lau dọn hiện trường vụ án, rửa sạch sẽ các công cụ, phương tiện gây án như dao, kéo, xe cộ… nhằm mục đích xóa bỏ các dấu vết mà người phạm tội đã để lại để tác động, ảnh hưởng theo hướng bất lợi cho quá trình điều tra tội phạm. Còn che giấu tang vật là làm mất, tiêu hủy các vật là công cụ, phương tiện phạm tội có ý nghĩa trong việc phát hiện, điều tra tội phạm hay những vật là đối tượng của tội phạm, tiền và các vật khác có giá trị chứng minh tội phạm cũng như người phạm tội.

Bên cạnh hành vi che giấu, hành vi khách quan của loại tội phạm còn có thể là hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội. Đó có thể là những hành vi như hành vi cung cấp thông tin giả để đánh lạc hướng điều tra, ngụy tạo ra các chứng cứ, dấu vết giả để che giấu hành vi tội phạm, gây mất điện hoặc các hành vi khác để ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình khám nghiệm hiện trường… 1

Chủ thể của tội che giấu tội phạm được quy định là chủ thể bình thường, tức người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và không thuộc trường hợp trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 21 BLHS. Các dấu hiệu pháp lý của tội che giấu tội phạm được thể hiện trong hai khoản của Điều 389 BLHS, trong đó, khoản 1 quy định các dấu hiệu định tội và khoản 2 quy định các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng của tội này. 2

Trong thực tiễn áp dụng quy định về tội che giấu tội phạm cho thấy vẫn còn thiếu sót trong việc quy định các trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này. Ngoài ra, dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng “ lợi dụng chức vụ, quyền hạn ” hiện vẫn chưa có hướng dẫn chính thức để áp dụng thống nhất.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Phương pháp nghiên cứu chủ yếu được sử dụng trong bài viết này là phương pháp phân tích luật học. Phương pháp này được sử dụng để phân tích các quy định pháp luật hình sự hiện hành cũng như các quy định có liên quan, từ đó đưa ra những nhận định, đánh giá về quy định pháp luật về tội che giấu tội phạm. Bên cạnh đó, phương pháp tổng hợp và so sánh cũng được nhóm tác giả sử dụng để minh chứng cho các phân tích, đánh giá để đưa ra đề xuất hoàn thiện pháp luật một cách khách quan và khoa học.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Các trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm

Khoản 1 Điều 389 BLHS quy định dấu hiệu “ nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này ”. Thực chất trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 BLHS cũng là trường hợp che giấu tội phạm nhưng được loại trừ trách nhiệm hình sự do mối quan hệ đặc biệt thân thiết giữa người che giấu với người được che giấu. Theo đó, dấu hiệu trên được hiểu là dấu hiệu có liên quan đến chủ thể của tội phạm. Đây là dấu hiệu mới được bổ sung trong BLHS năm 2015. Trước đó, dấu hiệu này chỉ được quy định ở tội không tố giác tội phạm.

Dấu hiệu này xác định rõ những chủ thể không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi “che giấu tội phạm” của họ. Dấu hiệu này không chỉ xác định mối quan hệ đặc biệt giữa người che giấu và người được che giấu mà còn giới hạn loại tội được che giấu.

Về mối quan hệ đặc biệt giữa người che giấu và người được che giấu, tại Khoản 2 Điều 18 BLHS đã xác định mối quan hệ này là mối quan hệ giữa ông, bà với cháu; giữa cha, mẹ với con; giữa anh chị em ruột với nhau và giữa vợ với chồng. Các quan hệ đặc biệt trên đây cần được hiểu như sau:

- Ông, bà ở đây có thể hiểu là ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại.

- Cha, mẹ ở đây có thể là cha, mẹ đẻ hoặc cha, mẹ nuôi và như vậy, con có thể là con đẻ hoặc con nuôi. Trong trường hợp là cha, mẹ nuôi và con nuôi thì việc nhận con nuôi phải có đầy đủ thủ tục đúng với quy định của pháp luật về nuôi con nuôi.

- Anh chị em ruột ở đây có thể là anh chị em có cùng cha và mẹ, anh chị em có cùng cha nhưng khác mẹ hoặc có cùng mẹ nhưng khác cha.

- Vợ chồng ở đây phải là vợ chồng hợp pháp được quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình công nhận. Đối với các trường hợp được xác định là hôn nhân thực tế cũng như không được pháp luật công nhận thì vẫn không thuộc trường hợp này.

Quy định pháp luật hình sự Việt Nam không đề cập đến điều kiện những người này cần phải sống chung với nhau hay phải có mối quan hệ thường xuyên qua lại với nhau mà chỉ cần xác định giữa họ có quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng. Nếu có những nghi ngờ về quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng hoặc hôn nhân thì cần phải trưng cầu giám định quan hệ huyết thống hay xác minh quan hệ nuôi dưỡng hoặc quan hệ hôn nhân.

Việc quy định những trường hợp che giấu tội phạm mà chủ thể không phải chịu trách nhiệm hình sự thể hiện tính nhân văn của pháp luật Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và thực tế trong xã hội. Đối với những người có quan hệ đặc biệt với nhau như vậy, việc họ che giấu tội phạm cho nhau là điều dễ hiểu, thậm chí còn phù hợp với chuẩn mực đạo đức của một số người. Điều này chủ yếu xuất phát từ chuẩn mực đạo đức, tư duy về mối quan hệ gia đình vốn được xem là đạo lý truyền thống trong gia đình Việt Nam.

Liên quan đến việc trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm thì tại Điều 167 Luật hình sự Đài Loan (Trung Quốc) quy định vợ, chồng, người có quan hệ huyết thống phạm vi năm đời, hoặc quan hệ huyết thống ở phạm vi ba đời qua hôn nhân nếu phạm tội che giấu tội phạm thì được giảm hoặc miễn hình phạt. Có thể thấy đối tượng không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm Đài Loan (Trung Quốc) được mở rất rộng so với quy định pháp luật hình sự Việt Nam. 3

Luật hình sự của Latvia quy định miễn trách nhiệm hình sự đối với che giấu tội phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng đối với những người có mối quan hệ như sau: đã đính hôn, vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em ruột, ông, bà và cháu cũng như người cùng chung sống trong một hộ gia đình. 4 Như vậy, so sánh với pháp luật Việt Nam, thì pháp luật của Latvia còn quy định thêm trường hợp hôn phu hoặc hôn thê và người sống chung trong một hộ gia đình của người phạm tội cũng được miễn trách nhiệm đối với hành vi che giấu tội phạm.

Có thể thấy, pháp luật Việt Nam cũng như một số quốc gia quy định người che giấu tội phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong trường hợp có quan hệ thân thích trên đây là để dung hòa xung đột giữa nghĩa vụ pháp lý (không được che giấu tội phạm) với nghĩa vụ đạo đức (giúp người thân thích). Tuy nhiên, sự dung hòa này cũng có giới hạn. Khi tội phạm được che giấu là các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nhất định thì nghĩa vụ pháp lý phải được đặt trên nghĩa vụ đạo đức. Do vậy, các trường hợp trên không thể loại trừ trách nhiệm hình sự cho hành vi che giấu tội phạm.

Việc loại trừ trách nhiệm hình sự đã nêu là có cơ sở và cần thiết. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy cần phải mở rộng phạm vi những người được loại trừ trách nhiệm hình sự. Xét về tính bao quát, cần phải xem xét bổ sung các trường hợp “người thân thích khác” vào những người không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi che giấu tội phạm để đảm bảo tính thống nhất với các ngành luật khác. Các trường hợp được liệt kê tại Điều 18 BLHS năm 2015 mới chỉ là các trường hợp có quan hệ huyết thống và quan hệ hôn nhân.

Trong khi đó, theo truyền thống đạo đức, mối quan hệ gia đình của Việt Nam, còn có những mối quan hệ được hình thành bằng quan hệ hôn nhân kết hợp với quan hệ huyết thống. Cụ thể, những người có mối quan hệ thân thích khác chưa được Điều 18 BLHS đề cập như “ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng” của người phạm tội. Các quan hệ này vẫn được xác định rất gần gũi, mật thiết đối với những người đã lập gia đình. Đối với họ, xét về nghĩa vụ đạo đức, giữa nhóm người thân thích này và nhóm người thân thích đã được liệt kê tại khoản 2 Điều 18 là không có sự khác nhau. Có thể vì lý do như vậy mà một số ngành luật của Việt Nam đã đề cập đến nhiều mối quan hệ thân thích như Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, trong pháp luật tố tụng hình sự, những “người thân thích” của các chủ thể tham gia tố tụng hay người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lại được xác định rộng hơn. Cụ thể, theo BLTTHS năm 2015 xác định rõ “người thân thích” gồm:

“- Vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi;

- Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột;

- Cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.” 5

Theo đó, có tổng số 27 đối tượng được coi là “người thân thích của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng”. Khi xác định có quan hệ “thân thích” với một trong số người trên thì “ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phải từ chối hoặc bị đề nghị thay đổi khi tiến hành hoặc tham gia các hoạt động tố tụng hình sự ”. Như vậy, có thể thấy BLTTHS xác định phạm vi những người có quan hệ thân thích, có khả năng ảnh hưởng đến tính khách quan trong quá trình tố tụng hình sự rất rộng, bao gồm cả người thân thích của vợ hoặc chồng.

Do đó, xét về nội dung, nhóm tác giả nhận thấy, “ ông bà, cha, mẹ, con, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng của người phạm tội ” là những người có mối quan hệ thân thích, gần gũi với vợ hoặc chồng mình và do vậy, xét về quan niệm gia đình của người Việt Nam thì cũng là những mối quan hệ mật thiết và gần gũi nhất khi một cá nhân đã kết hôn. Việc pháp luật hình sự chưa đề cập đến những trường hợp này có thể là một hạn chế vì chưa giải quyết triệt để xung đột giữa đạo đức và pháp luật cũng như chưa có sự thống nhất khi xác định các mối quan hệ thân thích giữa BLHS và BLTTHS.

Ngoài ra, cũng cần khẳng định, hiện nay có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có nội dung về “người thân thích” nhưng không có sự thống nhất với nhau. Việc nghiên cứu các văn bản có liên quan này có thể giúp cơ quan lập pháp có cái nhìn tổng thể và rút ra kết luận có tính hợp lý và thống nhất về phạm vi “người thân thích” trong từng lĩnh vực.

Dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”

Khoản 2 Điều 389 quy định khung hình phạt có “ mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm ”. Khung hình phạt được áp dụng cho trường hợp thỏa mãn một trong các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng đã được quy định. Đó là dấu hiệu “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm” và dấu hiệu “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn có những hành vi khác bao che người phạm tội”. Dấu hiệu này đòi hỏi chủ thể thực hiện hành vi che giấu tội phạm phải là người có chức vụ, quyền hạn và họ đã sử dụng “chức vụ, quyền hạn” của mình như là “phương tiện” để cản trở việc phát hiện tội phạm.

Theo pháp luật hình sự, người có chức vụ được xác định theo Khoản 2 Điều 352 BLHS “ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ .”. Còn “ người có quyền hạn là các cá nhân được cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ đó ”. Người có quyền hạn có thể là một người trong lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, trưởng khu vực, tổ trưởng tổ dân phố… được cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ nhất định từ đó có một số quyền hạn nhất định để có thể thực hiện nhiệm vụ. Trong những “ người có chức vụ, quyền hạn ” nói chung có nhóm người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp. Vấn đề được đặt ra ở đây, dấu hiệu “chức vụ, quyền hạn” được quy định tại khoản 2 của Điều 389 BLHS có phải chỉ giới hạn trong nhóm đối tượng có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp.

Tội che giấu tội phạm được xếp trong chương Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp nên đã có ý kiến cho rằng “chức vụ, quyền hạn” được quy định tại khoản 2 của Điều 389 BLHS phải là chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp nhưng cũng có ý kiến cho rằng, “chức vụ, quyền hạn” ở đây là chức vụ, quyền hạn nói chung theo quy định pháp luật 6 . Do đó, cần thống nhất trong cách hiểu về dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để cản trở quá trình phát hiện tội phạm hoặc các hành vi khác nhằm bao che người phạm tội.

Theo quan điểm của nhóm tác giả, cần hướng dẫn dấu hiệu “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” được hiểu theo nghĩa rộng. Nghĩa là chủ thể được xác định thỏa dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để che giấu tội phạm không chỉ là người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp mà là tất cả những người có chức vụ, quyền hạn nói chung. Cụ thể, tại pháp luật phòng chống tham nhũng xác định người có chức vụ, quyền hạn gồm:

“a ) Cán bộ, công chức, viên chức;

b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

c) Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;

d) Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó ”. 7

Như vậy, theo pháp luật hiện hành có bốn nhóm đối tượng được coi là người có chức vụ, quyền hạn. Các chủ thể trên có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để cản trở quá trình điều tra, phát hiện tội phạm sẽ thỏa mãn dấu hiệu “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm”. Thay vì sử dụng các quyền hạn có được từ chức vụ hoặc nhiệm vụ được giao để phục vụ lợi ích chung của nhà nước và xã hội thì họ đã lợi dụng “quyền hạn” này như là điều kiện “thuận lợi” cho việc thực hiện hành vi che giấu tội phạm, gây khó khăn trở ngại, làm cho việc phát hiện tội phạm không tiến hành được dễ dàng, suôn sẻ.

THẢO LUẬN

Qua nghiên cứu, phân tích các quy định pháp luật, nhóm tác giả đã đưa ra một số đề xuất để hoàn thiện pháp luật về tội che giấu tội phạm. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, bổ sung các trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi che giấu tại Khoản 2 Điều 389 BLHS. Theo đó cần bổ sung các trường hợp, trong đó người phạm tội (cũng như tội phạm họ thực hiện) được che giấu là ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng của người phạm tội. Như vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 18 BLHS như sau: “Người che giấu tội phạm là vợ hoặc chồng, ông, bà, cha mẹ, con, cháu, anh chị em ruột của người phạm tội hoặc của vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp...”

Việc bổ sung này không những cần thiết mà còn phù hợp với thực tế, giải quyết được đầy đủ hơn xung đột giữa nghĩa vụ đạo đức và nghĩa vụ pháp lý mà còn đảm bảo được tính thống nhất giữa pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự.

Thứ hai, đối với Điều 389 BLHS, cần quy định bổ sung khung hình phạt giảm nhẹ cho một số trường hợp có quan hệ thân thích khác ngoài quan hệ đã được xác định hình tại khoản 2 Điều 18 BLHS. Đó là các trường hợp, trong đó người được che giấu là những người có quan hệ huyết thống trong phạm vi ba đời còn lại của người có hành vi che giấu tội phạm như bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột. Việc bổ sung này không chỉ là hoàn thiện thêm việc dung hòa xung đột giữa nghĩa vụ pháp lý và nghĩa vụ đạo đức mà còn tạo ra sự liên tục, là cầu nối giữa trường hợp có trách nhiệm hình sự và trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp không xem xét bổ sung khung hình phạt giảm nhẹ thì cần phải coi các trường hợp này là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm sự theo khoản 2 Điều 51 BLHS.

Có thể thấy việc quy định đầy đủ các trường hợp loại trừ hoặc được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi che giấu tội phạm sẽ giải quyết hài hòa giữa lợi ích cá nhân và xã hội, giữa những chuẩn mực đạo đức và các quy phạm pháp luật, tránh những xung đột trong quá trình chấp hành pháp luật hình sự.

Thứ ba, về dấu hiệu định khung “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để che giấu tội phạm . Theo quan điểm của nhóm tác giả, cần hướng dẫn dấu hiệu “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” cần được hiểu theo nghĩa rộng, tức gồm cả bốn nhóm đối tượng được coi là người có chức vụ, quyền hạn nói chung theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng mà không giới hạn trong phạm vi các cơ quan tiến hành tố tụng như đã được trình bày ở trên. Các chủ thể này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thực hiện hành vi che giấu tội phạm. Theo đó, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện” và “hành vi khác bao che người phạm tội” cần được hiểu chung là lợi dụng chức vụ, quyền hạn che giấu tội phạm hay nói cách khác là chủ thể đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình như là điều kiện để dễ dàng thực hiện hành vi che giấu tội phạm. Bên cạnh đó, cần xác định dấu hiệu “ chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tư pháp ” được xem là tình tiết tăng nặng của loại tội phạm này. Bởi lẽ đây là các chủ thể được nhà nước trao quyền hạn, được bổ nhiệm các chức danh tư pháp để bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền lợi của nhà nước, của các tổ chức xã hội và của công dân nhưng lại sử dụng chính nhiệm vụ, kiến thức, kỹ năng trong hoạt động tư pháp để che giấu tội phạm, đi ngược lại với chức vụ, quyền hạn được Nhà nước giao phó.

KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu, nhóm tác giả nhận thấy việc bổ sung các trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi che giấu tại khoản 2 Điều 18 BLHS là cần thiết đáp ứng được yêu cầu hài hòa giữa nghĩa vụ pháp lý và nghĩa vụ đạo đức. Đồng thời, để phù hợp hơn với thực tế và đảm bảo tính thống nhất giữa BLHS và BLTTHS trong việc xác định nội hàm “người thân thích”, tác giả đề xuất bổ sung trường hợp che giấu tội phạm do ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng họ thực hiện cũng thuộc trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, để tạo sự “liên tục” giữa các trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự và không phải chịu trách nhiệm hình sự, cần bổ sung khung hình phạt giảm nhẹ cho một số trường hợp có quan hệ “ thân thích khác” ngoài quan hệ đã được xác định hình tại khoản 2 Điều 18 BLHS của người có hành vi che giấu tội phạm. Đồng thời cần sớm hướng dẫn về dấu hiệu định khung “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để che giấu tội phạm để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Các đề xuất về hoàn thiện quy định pháp luật, hướng dẫn áp dụng pháp luật về tội che giấu tội phạm trên có thể vẫn cần phải có những thảo luận, nghiên cứu, trao đổi thêm hướng tới quy định pháp luật về tội che giấu tội phạm một cách khoa học và hợp lý, hoạt động xét xử thực hiện một cách công khai, minh bạch và kịp thời đối với mọi hành vi phạm tội, không xảy ra tình trạng bỏ lọt tội phạm và đặc biệt là không làm oan người vô tội./

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

BLHS: Bộ luật Hình sự

BLTTHS: Bộ luật Tố tụng hình sự

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Nhóm tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

TUYÊN BỐ ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

  • Tác giả Lê Thanh Vũ chịu trách nhiệm nội dung: phần giới thiệu, kết quả nghiên cứu, thảo luận và tổng quan toàn bộ bài viết.

  • Tác giả Lâm Bá Khánh Toàn chịu trách nhiệm nội dung: phần phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu, kết luận và là tác giả liên hệ chính với tạp chí trong việc đăng bài.

References

  1. Nguyễn Ngọc Hòa (chủ biên), Bình luận khoa học BLHS năm 2015 – Phần các tội phạm, quyển 2, Hà Nội: Nxb. Tư pháp, 2018. . ;:. Google Scholar
  2. Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. . ;:. Google Scholar
  3. Trang cơ sở dữ pháp luật của Bộ Tư pháp - Đài Loan (Trung Quốc), Luật hình sự Đài Loan (Trung Quốc), [sửa đổi ngày 27/12/2023]. . ;:. Google Scholar
  4. Điều 22 Luật hình sự của Latvia, [ban hành 1998, sửa đổi năm 2016]. . ;:. Google Scholar
  5. Khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. . ;:. Google Scholar
  6. Viện Khoa học pháp lý, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ: Đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm hoạt động tư pháp trong điều kiện cải cách tư pháp, 2012. . ;:. Google Scholar
  7. Khoản 3 Điều 1 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 8 No 3 (2024)
Page No.: 5276-5281
Published: Sep 30, 2024
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v8i3.1353

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Vũ, L., & Khánh Toàn, L. (2024). The Complete provisions on criminal concealment. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 8(3), 5276-5281. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v8i3.1353

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 21 times
PDF   = 11 times
XML   = 0 times
Total   = 11 times