Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Review

HTML

1411

Total

356

Share

The uncertainty and foreign direct investment in the context of the COVID-19 pandemic of Vietnam






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

During the 1980s, international resource mobility including worldwide capital movement was liberalized. Since then, Foreign Direct Investment (FDI) has continuously grown and expanded worldwide. The emergence of the COVID-19 pandemic and its large-scale outbreak caused significant economic, social and political disruption. In particular, the economic impacts of the pandemic have caused income reduction, increase in unemployment, decrease in aggregate demand, increase in import and export costs and decrease in international trade on a large scale around the world. Since then, the global economic growth has dropped sharply, affecting the trend of global FDI flows, including FDI inflows into Vietnam. Multinational corporations have diverted investments to many countries in order to diversify their supply sources and avoid the negative impacts of trade sanctions and supply chain disruptions. The study aims to present the shifting situation of global FDI flows and FDI in Vietnam in the context of the COVID-19 pandemic; and analyze the current context of the world economic uncertainty (WUI), the world pandemic uncertainty (WPUI), and FDI inflows into Vietnam. From there, the study proposes some recommendations and policy implications to reduce the negative impact of WUI and WPUI due to the global COVID-19 pandemic on the FDI flows into Vietnam.

Phần mở đầu

Trong những năm 1980, di chuyển nguồn lực quốc tế trong đó có di chuyển vốn trên toàn thế giới đã được tự do hóa. Từ đó đến nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài (gọi tắt là FDI) đã liên tục phát triển và mở rộng phạm vi trên toàn thế giới 1 . FDI là dòng vốn đặc thù với các cam kết dài hạn, do đó FDI khuyến khích các nhà đầu tư chủ động hơn trong quá trình ra quyết định và quản lý trực tiếp hiệu quả sử dụng dòng vốn. Một mặt, FDI được xem giữ vai trò tích cực đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư, chuyển giao công nghệ, nâng cao khả năng quản lý và mở rộng thị trường xuất khẩu. Mặt khác, một số nghiên cứu lại nhấn mạnh rủi ro của FDI ở các nước tiếp nhận đầu tư. FDI có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên thiên nhiên mà không bồi thường đủ cho các nước tiếp nhận đầu tư. Do đó, có thể nói tác động của FDI phụ thuộc vào loại hình FDI, đặc điểm của doanh nghiệp, bối cảnh và chính sách 2 .

Một căn bệnh mới xuất hiện vào cuối tháng 12 năm 2019 được đặt tên chính thức là COVID-19, đã được lan truyền rộng sang nhiều quốc gia và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi là đại dịch vào ngày 11 tháng 3 năm 2020. Đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát quy mô lớn gây ra sự gián đoạn đáng kể đến kinh tế, xã hội và chính trị. Trong đó, các tác động kinh tế của đại dịch đã gây ra giảm thu nhập, tăng thất nghiệp, tổng cầu giảm, tăng chi phí xuất nhập khẩu và giảm thương mại quốc tế trên diện rộng trên toàn thế giới(1). Từ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã giảm mạnh ảnh hưởng tới xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI toàn cầu, trong đó có dòng vốn FDI vào Việt Nam. Các tập đoàn đa quốc gia đã chuyển hướng đầu tư vào nhiều quốc gia nhằm đa dạng nguồn cung, tránh tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt thuơng mại, đứt gãy chuỗi cung ứng 3 .

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, mối quan hệ giữa tình hình thu hút FDI và các chỉ số sự không chắc chắn được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm ( 4 , 5 , 6 , 7 ). Trong đó, chỉ số sự không chắc chắn về khía cạnh kinh tế toàn cầu WUI thường được xem xét để đo lường các yếu tố bất ổn về kinh tế toàn cầu và khi có biến động sẽ tác động đến dòng vốn đầu tư luân chuyển giữa các quốc gia ( 4 , 5 ). Thêm nữa, chỉ số sự không chắc chắn về dịch bệnh toàn cầu WPUI được lựa chọn để đại diện cho tác động từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chỉ số WPUI thay đổi cũng sẽ tác động trực tiếp đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các quốc gia ( 8 , 6 ) . Nghiên cứu này xem xét tình hình FDI trên toàn cầu và FDI của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đồng thời phân tích thực trạng chỉ số Sự không chắc chắn toàn cầu (WUI), Sự không chắc chắn do dịch bệnh toàn cầu (WPUI) và dòng vốn FDI vào Việt Nam. Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số khuyến nghị và hàm ý chính sách nhằm giảm tác động tiêu cực của Sự không chắc chắn toàn cầu và Sự không chắc chắn do đại dịch toàn cầu đến dòng chảy FDI vào Việt Nam.

Cơ sở lý thuyết

Mối quan hệ của Sự không chắc chắn toàn cầu (World Economic Uncertainty) đối với tình hình thu hút FDI

Sự không chắc chắn toàn cầu (WUI) là chỉ số thể hiện sự không chắc chắn về kinh tế và chính trị trong phạm vi toàn cầu. Chỉ số WUI được xây dựng dựa trên việc đếm từ “không chắc chắn” và các biến thể của nó trong các báo cáo quốc gia của Cơ quan Tình báo Kinh tế (Economist Intelligence Unit) (EIU). Chỉ số WUI thể hiện sự không chắc chắn về kinh tế và chính trị hoặc sự không chắc chắn tổng hợp do tất cả các sự kiện gây ra như chiến tranh, tấn công khủng bố, khủng hoảng nợ và tài chính, căng thẳng thương mại, bùng phát sức khỏe, bầu cử tổng thống Hoa Kỳ và Brexit 9 . Các nghiên cứu về FDI gần đây cũng đã sử dụng chỉ số này WUI đại diện cho sự không chắc chắn trong bối cảnh kinh tế hiện nay tác động đến FDI( 4 , 5 ). Các nghiên cứu gần đây về mối quan hệ giữa Sự không chắc chắn toàn cầu với FDI đều chỉ ra Sự không chắc chắn toàn cầu có tác động tiêu cực đến việc thu hút FDI ( 4 , 5 ). Nghiên cứu của Avom và cộng sự (2020) cũng đã chỉ ra WUI làm giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khi nhóm nghiên cứu phân chia mẫu phân loại theo thu nhập, mức độ tác động của WUI lên FDI ảnh nhiều hơn ở các nước mới nổi và đang phát triển so với các nước tiên tiến. Hơn thế, mức độ tác động của WUI đến FDI trong vùng SSA mạnh hơn so với các vùng khác. Tương tự với kết quả của Avom và cộng sự (2020), nghiên cứu của Imran và Rashid (2022) cũng đã chỉ ra Chỉ số Sự không chắc chắn toàn cầu (WUI) có tác động tiêu cực đến dòng vốn FDI vào các nước đang phát triển, khi nghiên cứu này nghiên cứu các yêú tố tác động đến FDI của 50 quốc gia đang phát triển trong giai đoạn 1990-2018. Từ những dẫn chứng trên, có thể thấy việc xảy ra những sự kiện sự kiện như chiến tranh, tấn công khủng bố, khủng hoảng nợ và tài chính, chiến tranh thương mại Mỹ Trung, bầu cử tổng thống Hoa Kỳ và Brexit ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút FDI, đặc biệt đối với những quốc gia đang phát triển.

Sự không chắc chắn do dịch bệnh toàn cầu (World Pandemic Uncertainty) đối với tình hình thu hút FDI

Sự không chắc chắn do dịch bệnh toàn cầu WPUI là chỉ số phản ánh tần suất xuất hiện của từ “không chắc chắn” trong các báo cáo của EIU liên quan đến đại dịch sức khỏe 9 . Mặc dù cả hai chỉ số WUI và WPUI đều được xây dựng cho 143 quốc gia phát triển và đang phát triển từ năm 1996, nhưng hai chỉ số này khác nhau về cả ý nghĩa cũng như cơ sở lý thuyết. Chỉ số WUI đo lường sự không chắc chắn về kinh tế và chính trị, trong khi chỉ số WPUI đo lường sự không chắc chắn do dịch bệnh toàn cầu. Chỉ số WUI thể hiện sự không chắc chắn về kinh tế và chính trị hoặc sự không chắc chắn tổng hợp do tất cả các sự kiện gây ra như chiến tranh, tấn công khủng bố, khủng hoảng nợ và tài chính, căng thẳng thương mại, bùng phát sức khỏe, bầu cử tổng thống Hoa Kỳ và Brexit. Ngược lại, chỉ số WPUI đo lường sự không chắc chắn về đại dịch hoặc sự không chắc chắn cụ thể do các đại dịch toàn cầu như SARS, Cúm gia cầm, Cúm lợn, Ebola và COVID-19 gây ra. Do đó, để đánh giá tác động của COVID-19 tác động đến các yếu tố liên quan đến kinh tế, các nghiên cứu gần đây đã sử dụng chỉ số WPUI để đại diện cho COVID-19 (vd., 8 , 6 , 10 , 7 ) Sự không chắc chắn toàn cầu đại dịch càng lớn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hành vi của các doanh nghiệp quốc tế và có liên quan đến việc giảm dòng vốn FDI hướng vào các nước sở tại 6 . Để đánh giá tác động của COVID-19 đến dòng vốn FDI, Fang và cộng sự, 2021 đã dùng số liệu về số ca bệnh mới được xác nhận, số ca tử vong mới và số ca được xác nhận tích lũy để đại diện cho COVID-19, kết quả đã chỉ ra số ca bệnh mới được xác nhận, số ca tử vong mới và số ca được xác nhận tích lũy có tác động tiêu cực đáng kể đến FDI. Khác với nghiên cứu ( 8 , 6 ) đã sử dụng chỉ số WPUI đại diện cho COVID-19 để kiểm tra sự tác động của COVID-19 đến FDI, kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra Sự không chắc chắn do đại dịch gây ra làm giảm dòng vốn FDI ròng trên toàn cầu. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng chứng minh rằng Sự không chắc chắn do dịch bệnh toàn cầu có tác động tiêu cực đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào các nước Châu Á - Thái Bình Dương và các nền kinh tế mới nổi từ năm 1996 đến 2019. Từ những dẫn chứng trên có thể thấy việc xảy ra đại dịch đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc thu hút FDI vào các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển.

Tình hình FDI toàn cầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Khi các quốc gia áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn cầu. Tác động tàn phá của đại dịch đối với xu hướng dòng vốn FDI là khác nhau giữa các nhóm nền kinh tế đang phát triển và phát triển. Figure 1 trình bày dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI giữa các năm 2007–2021 cho thấy rằng: Dòng vốn toàn cầu giảm 35% trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2020; Dòng vốn đầu tư vào các nước phát triển có sự sụt giảm nhiều hơn so với các nước đang phát triển. Trong đó, dòng vốn FDI đầu tư vào các nền kinh tế phát triển giảm 58% xuống 312 tỷ USD 11 . Các đợt đóng cửa trên khắp thế giới để đối phó với đại dịch COVID-19 đã làm chậm lại các dự án đầu tư hiện có và triển vọng suy thoái khiến các doanh nghiệp đa quốc gia phải đánh giá lại các dự án mới. Tất cả các lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng, nhưng FDI giảm mạnh và rõ ràng trong các lĩnh vực dịch vụ liên quan đến tiêu dùng như hàng không, khách sạn, nhà hàng, vui chơi giải trí, cũng như các ngành sản xuất và lĩnh vực năng lượng 12 . Sụt giảm FDI toàn cầu có liên quan rất chặt chẽ đến việc gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu do hậu quả của đại dịch .

Sự dịch chuyển cả về chất và lượng của dòng vốn FDI trên phạm vi toàn cầu diễn ra kể từ khi bắt đầu xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Donald Trump và càng trở nên rõ nét trong bối cảnh đại dịch Covid 19.Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ và Trung Quốc, các mức thuế áp lên Trung Quốc đã ảnh hưởng đến nhiều công ty vốn dựa vào chuỗi cũng cung ứng toàn cầu. Theo 13 , Trung Quốc đã giảm từ thứ 3 (năm 2017) xuống thứ 7 (2019) trong số các địa điểm đầu tư FDI tốt nhất Thế giới, là mức thấp nhất từ trước đến nay. Điều này phản ánh sự suy giảm sức hấp dẫn của Trung Quốc đối với các nhà đầu tư, do chi phí nhân công tăng nhanh, tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung 14 .

Vào năm 2020, các công ty đa quốc gia từ các nền kinh tế phát triển đã giảm đầu tư ra nước ngoài lên đến 56%, tương ứng 347 tỷ USD. Kết quả là, tỷ trọng của họ trong FDI ra nước ngoài toàn cầu giảm xuống mức thấp kỷ lục 47%. Đó chính là lý do giải thích sự sụt giảm nghiêm trọng đối với dòng vốn vào. Tổng đầu tư ra nước ngoài của các công ty đa quốc gia đến từ Châu Âu đã giảm 80% đến 74 tỷ USD - mức thấp nhất kể từ năm 1987.

Figure 1 . Dòng chảy FDI vào các khu vực trên thế giới (triệu USD) (Nguồn: Số liệu cập nhật của UNCTAD 15 )

Đến hết năm 2021, nền kinh tế toàn cầu bắt đầu có những dấu hiệu hồi phục và khởi sắc khi các quốc gia triển khai mạnh mẽ chiến lược tiêm chủng vắc-xin. Theo báo cáo của của UNCTAD, FDI toàn cầu tăng 77%, từ mức 929 tỷ USD năm 2020 (10) lên đến 1.582 tỷ USD năm 2021, vượt qua mức trước đại dịch COVID-19. Động lực chính của dòng vốn FDI toàn cầu năm 2021, đến từ việc bùng nổ hoạt động mua bán và sáp nhập, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực tài trợ dự án quốc tế do nới lỏng tài chính và các gói kích thích cơ sở hạ tầng lớn.

Tuy nhiên, tình hình đến nữa đầu năm 2022, môi trường kinh doanh quốc tế và đầu tư xuyên quốc gia đã thay đổi đáng kể với sự bùng nổ của cuộc xung đột tại Ukraine, gây ra những tác động mang tính toàn cầu như khủng hoảng nhiên liệu và lương thực, lạm phát tăng cao làm giảm đáng kể dòng vốn FDI toàn cầu. Hơn nữa, việc tăng lãi suất ​​ở Hoa Kỳ, Châu Âu và các nền kinh tế lớn khác và sự bùng nổ trở lại của COVID-19 tại Trung Quốc đã làm gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, có thể làm chậm thị trường mua bán và sáp nhập và làm giảm tốc độ tăng trưởng của nguồn tài chính cho các dự án đầu tư trực tiếp 16 .

Trái ngược với xu thế đó, Ấn Độ và các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang nổi lên như là điểm đến tiềm năng, là điểm đến cho sự phân bổ lại dòng vốn đầu tư, đặc biệt là xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc thông qua chiến lược “Trung Quốc cộng một”. Xu thế chung của các nhà đầu tư là tiếp tục duy trì các cơ sở đã đầu tư ở Trung Quốc nhằm tận dụng lợi thế về cơ sở hạ tầng, đội ngũ lao động được đào tạo bài bản chuyên nghiệp cũng như hệ sinh thái cung ứng công nghệ cao đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chất lượng của các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn trên thế giới đồng thời dịch chuyển sản xuất đến gần hơn với thị trường tiêu thụ cuối cùng 17 .

Tóm lại, quá trình dịch chuyển hiện nay có thể hiểu là một phương pháp đa dạng hóa thị trường của các nhà đầu tư, chỉ dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng để tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong trường hợp gặp phải những cú sốc như những tác động của đại dịch vừa qua. Nhìn chung, sự phân bổ và dịch chuyển nguồn vốn FDI được quyết định bởi 4 yếu tố cơ bản. Thứ nhất , thu nhập bình quân đầu người thể hiện chất lượng lực lượng lao động và sức mua của thị trường nội địa. Thu nhập càng cao chứng tỏ đời sống người dân càng tốt, chất lượng lao động ngày càng được nâng cao, thị trường và sức mua trong nước ngày càng được mở rộng. Vì vậy, GDP bình quân đầu người có thể có tác động tích cực đến dòng vốn FDI nhất là khi một lượng lớn dòng vốn FDI đang quay trở lại sau đại dịch. Thứ hai , nguồn nhân lực giá rẻ, đây là một yếu tố có thể có tác động tích cực đến dòng vốn FDI phân bổ theo vùng của Việt Nam do lực lượng lao động lớn. Nhóm tác giả cho rằng dân số đông chứng tỏ tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào đó là điểm mấu chốt để thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt là FDI trong lĩnh vực chế biến giản đơn hướng tới các quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng không cao, giá rẻ... Thứ ba, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, nếu chỉ số này càng cao thì cơ sở hạ tầng của tỉnh càng phát triển. Điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài; họ có thể nhìn thấy cơ hội phát triển nếu một tỉnh có sự phát triển vượt bậc về cơ sở hạ tầng. Với việc cơ sở hạ tầng phát triển , các chi phi vận chuyển sẽ được giảm đồng thời đảm bảo được tính ổn định trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng. Thứ tư , hệ thống hành chính minh bạch, chính sách thuế ưu đãi và ổn định về chính trị xã hội, do đó xung đột thương mại và sự khác biệt về các biện pháp ứng phó với đại dịch Covid của mỗi quốc gia chính là nguyên nhân dịch chuyển của dòng vốn FDI trong thời gian qua ( 12 , 17 ).

Tình hình thu hút FDI tại Việt Nam trong bối cảnh sự không chắc chắn và đại dịch Covid -19

  • Diễn tiến nguồn vốn và dự án

Kể từ khi đổi mới từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang mô hình nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước, Việt Nam đã trở thành điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài. Figure 2 trình bày tình hình thu hút FDI ở Việt Nam trong giai đoạn 2007-2021 cho thấy rằng: Lượng vốn FDI vào Việt Nam tăng dần ngay sau đó. Đáng chú ý là sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2007 đã làm gia tăng mạnh mẽ vốn FDI đăng ký vào Việt Nam từ 21,35 tỷ USD năm 2007 lên đến 71,73 tỷ USD chỉ riêng năm 2008. Sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ nổ ra vào năm 2008, dẫn đến xu hướng sụt giảm FDI vào Việt Nam kéo dài đến năm 2012. Giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2019, dòng vốn FDI liên tục gia tăng dần đều số vốn đăng ký và số vốn thực hiện mỗi năm.

Năm 2020, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn FDI, lần đầu tiên nước ta lọt vào tốp 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI, đạt mức tăng 10.6% so với cùng kỳ năm 2019 khi vốn đầu tư điều chỉnh đạt 6.4 tỷ USD; lượt đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư giảm 17.5% so với cùng kỳ khi chạm 1.140 lượt đăng ký. Bên cạnh đó, vốn thực hiện của dự án FDI dự tính bằng 98% so với cùng kỳ năm 2019 ở mức 19,98 tỷ USD 18 . Kết quả trên cho thấy rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.Việt Nam với mức tăng trưởng dương vẫn là một trong những điểm sáng trong bối cảnh đại dịch đã để lại những ảnh hưởng nặng nề lên các nền kinh tế toàn cầu.

Figure 2 . Tình hình thu hút FDI ở Việt Nam giai đoạn 2007-2021 (Nguồn: Số liệu của Tổng cục thống kê 19 )

Năm 2021, có thể nói là năm thành công với Việt Nam khi dòng vốn FDI đã từng bước tăng trưởng trở lại. Trước những diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch COVID-19, dòng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đã có chút chững lại so với năm 2020 khi ước tính đạt 19,74 tỷ USD (giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2020) 20 . Tuy nhiên, so với mặt bằng chung trên toàn thế giới khi mà dòng vốn đầu tư toàn cầu đang phải đối diện với những thách thức từ đại dịch thì đây vẫn là một con số tương đối khả quan.

Theo 17 nhận định Việt Nam là thị trường hấp dẫn để đầu tư với rủi ro tương đối thấp, khi đối sánh với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á khác, là nơi được dự đoán thu hút lượng vốn đầu tư của các công ty đa quốc gia từ các nước phát triển. Sau đại dịch, thu hút FDI vào Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để có thể đón được một làn sóng đầu tư mới. Các ngành công nghiệp có nhiều triển vọng đón nhận dịch chuyển đầu tư đều là các ngành sản xuất chủ lực, có đóng góp lớn trong tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam như: chế biến thực phẩm, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, công nghiệp sản xuất hàng điện tử và linh kiện, công nghiệp chế biến, ô tô. Việt Nam có cơ hội đón đầu xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu để thu hút vốn ngoại phát triển một số lĩnh vực mới tại Việt Nam (chưa có nhiều dự án) như: trang thiết bị y tế, sinh học, hóa dược, hóa sinh, dược phẩm, các sản phẩm công nghệ thông tin 20 .

  • Cơ cấu FDI theo hình thức đầu tư, đối tác đầu tư và theo ngành đăng ký

Theo hình thức đầu tư, FDI đầu tư vào Việt Nam những năm gần đây chủ yếu dưới hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm khoảng 73%, theo sau là hình thức liên doanh chiếm khoảng 21% 21 . Các hình thức khác chiếm tỷ trọng không đáng kể khoảng 5.8%. Cơ cấu này chứng minh phần lớn các dự án FDI được quản lý trực tiếp toàn phần của các chủ đầu tư, chỉ một số ít ngành không được nhà nước cho phép cần phải liên doanh với nhà đầu tư trong nước.

Theo đối tác đầu tư, FDI ở Việt Nam được chi phối bởi các nhà đầu tư Đông Á, nổi bật là Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông và Trung Quốc luôn dẫn đầu danh sách FDI đầu tư vào Việt Nam qua các năm ( Figure 3 ). Tính lũy kế đến hết ngày 31/12/2021, tốp 3 quốc gia Hàn Quốc, Xingapo và Nhật Bản chiếm gần 50% tổng số vốn đăng ký. FDI của Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia Châu Á bởi một số lý do sau: (1) Vị trí địa lý và giao thương thuận lợi; (2) Các nhà đầu tư nước láng giềng quen thuộc với các chính sách đầu tư của Việt Nam; (3) Việt Nam tham gia ký kết nhiều FTA với khối các quốc gia Đông Á 21 .

Figure 3 . Top các đối tác đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam theo vốn đăng ký (luỹ kế đến 31/12/2021, đơn vị: tỷ USD) (Nguồn: Số liệu của Tổng cục thống kê 19 )

Theo ngành đăng ký, FDI đã bao phủ 19 trên tổng số 21 trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo luôn chiếm tỷ trọng cao nhất, tính lũy kế các dự án còn hiệu hiệu lực đến ngày 31/12/2021 theo số liệu của GSO ngành này ở mức 248 tỷ USD, chiếm gần 60%, theo sau là ngành kinh doanh bất động sản chiếm 15,32% và các ngành còn lại mỗi ngành chiếm không đáng kể dưới 3% trên tổng số vốn đầu tư. Ngành công nghiệp chế biến và chế tạo là ngành mà các đối tác FDI dẫn đầu của Việt Nam có thế mạnh và có thể tận dụng được các lợi thế của Việt Nam như nguồn tài nguyên và nhân lực dồi dào, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do.

  • Một số chính sách của nhà nước nhằm thu hút FDI

Trong những năm gần đây, Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại có quy mô lớn như: Hiệp định Đối tác RCEPT; Hiệp định EVFTA; các hiệp định thương mại song phương với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Vương quốc Anh; Việt Nam đã phê chuẩn và Cộng đồng chung châu Âu đang đi đến phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Các FTA này giúp mở cửa thị trường đầu tư cho các đối tác và tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Việc ban hành Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 tiếp tục thể hiện chính sách đầu tư nước ngoài cởi mở của Việt Nam bằng cách cắt giảm một số thủ tục hành chính về đầu tư. Đây có thể nói là một trong những chìa khoá trong việc thu hút được những nguồn vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Việc rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động của kinh tế toàn cầu đã cho thấy Việt Nam đã hành động rất đúng lúc và kịp thời để duy trì được một hệ thống pháp lý minh bạch, bộ máy quản lý nhà nước ngày càng được tinh giản và hoạt động có hiệu quả hơn. Việc phân cấp, phân quyền, chịu trách nhiệm cũng ngày càng rõ nét tránh việc các dự án phải đi qua nhiều lớp thủ tục hành chính trước khi dự án đi vào thi công.

Ngoài ra, để đảm bảo cho mục tiêu thu hút FDI, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW đảm bảo cho việc đạt được các mục tiêu đã đặt ra đối với đầu tư nước ngoài trong năm 2022 cũng như giai đoạn đến năm 2025, năm 2030. Hơn nữa, Chính Phủ đã đưa ra Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngoài ra, để thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, Chính phủ cũng đã nỗ lực thực hiện các giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 bao gồm cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Các chính sách này không những giúp Việt Nam thu hút được những nguồn vốn đầu tư chất lượng, mà còn tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư, tăng vị thế của Việt Nam trong bản đồ kinh tế thế giới.

Thực trạng chỉ số Sự không chắc chắn toàn cầu (WUI), Sự không chắc chắn do dịch bệnh toàn cầu (WPUI) và dòng vốn FDI vào Việt Nam

Chỉ số Sự không chắc chắn toàn cầu (WUI) và chỉ số Sự không chắc chắn do dịch bệnh (WPUI) có mối quan hệ ngược chiều đối với việc thu hút FDI của các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Figure 4 dưới đây cũng đưa ra bức tranh về mối quan hệ này của chỉ số không chắc chắn toàn cầu (WUI), chỉ số sự không chắc chắn do dịch bệnh (WPUI) và FDI của Việt Nam giai đoạn 2000-2021.

Figure 4 . World Uncertainty Index, World Pandemic Uncertainty Index và FDI. 22 (Nguồn: WPUI, WUI (https://www.policyuncertainty.com); FDI của Việt Nam (https://unctadstat.unctad.org) 15 )

Chỉ số WPUI trong giai đoạn 2000-2021, chỉ thay đổi vào năm 2003 do đại dịch SARS, năm 2021 là 8.57 do đại dịch COVID-19 (WPUI, 2020). Trong 2 mốc sự kiện của dịch bệnh này thì năm 2003 dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt 1450 triệu USD, tăng 50 triệu USD so với năm 2002. Ngược lại so với năm 2003, trong giai đoạn xảy ra đại dịch COVID-19, dòng vốn FDI vào Việt Nam giảm đáng kể, năm 2020 đạt 15.800 triệu USD, giảm 320 triệu USD so với năm 2019, đến năm 2021 dòng vốn này lại giảm xuống chỉ còn 15.660 triệu USD, giảm 140 tỉ USD so với năm 2020. Điều này cho thấy tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến việc thu hút FDI của Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp vì hành vi của các công ty quốc tế ở các nền kinh tế mới nổi và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhạy cảm hơn với các cú sốc đại dịch so với các nền kinh tế và khu vực khác

Chỉ số WUI trong giai đoạn 2000-2021 có nhiều sự biến động, đỉnh điểm là giai đoạn 2018-2020, trong khi năm 2018 là 23607 thì năm 2020 là 33604, tăng khoảng 42.3% so với năm 2018. Sở dĩ có sự tăng đột biến của chỉ số WUI do xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc. Trong giai đoạn này, dòng vốn FDI có xu hướng giảm, cụ thể năm 2020 dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt 15800 triệu USD giảm so với năm 2019 khoảng 320 triệu USD. Điều này cho thấy thấy việc xảy ra những sự kiện sự kiện như chiến tranh, tấn công khủng bố, , chiến tranh thương mại Mỹ Trung, bầu cử tổng thống Hoa Kỳ và Brexit ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút FDI, đặc biệt đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp vì khi có một cú sốc tiêu cực toàn cầu, các dòng tài chính toàn cầu có xu hướng dịch chuyển khỏi các nền kinh tế kém ổn định hơn và dần chuyển sang những nền kinh tế ổn định hơn 5 .

Kết luận - Hàm ý chính sách

ự không chắc chắn toàn cầu, sự không chắc chắn do dịch bệnh về tổng thể làm giảm dòng chảy FDI toàn thế giới. Tuy nhiên, có sự khác biệt về tỷ trọng cũng như giá trị tuyệt đối của dòng chảy FDI tới các nền kinh tế khác nhau. Về cơ bản, những nền kinh tế có tính ổn định cao, ít rủi ro và nhiều lợi thế về nguồn nhân lực, vị trí địa lý... sẽ trở thành tâm điểm thu hút FDI kể cả trong bối cảnh giảm FDI toàn cầu. Trường hợp Việt Nam những năm vừa qua và hiện nay là một minh chứng rõ nét. Nhằm giảm tác động tiêu cực của Sự không chắc chắn toàn cầu và Sự không chắc chắn do đại dịch toàn cầu đến dòng chảy FDI vào Việt Nam, chính phủ và các doanh nghiệp cần xem xét một số hàm ý chính sách như sau:

Thứ nhất , đối với Việt Nam, những chính sách đã làm tốt cần được phát huy là: duy trì ổn định chính trị; dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ; khuyến khích, ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, hiện đại; nâng cao vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu; hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Những chính sách cần đẩy mạnh và nghiêm túc thực hiện hơn nữa là: đảm bảo sự nhất quán, thống nhất, ổn định của chính sách, nhất là liên quan đến thuế, ưu đãi, đất đai; giữ vững là điểm đến lâu dài, chuyển giao công nghệ của nhà đầu tư nước ngoài giúp hình thành mạng lưới các ngành công nghiệp sản xuất với quy mô lớn, đa dạng, hiện đại. Các biện pháp khuyến khích đầu tư bằng cách đưa ra mức thuế suất thấp hơn để khuyến khích đầu tư thì nên được thực hiện.

Thứ hai , các doanh nghiệp nên xem xét hoãn trả các khoản vay để giảm áp lực thanh khoản lên thị trường vốn. Thứ ba , chính phủ cần tăng cường đưa ra các chính sách khuyến khích đầu tư thông qua các hiệp định thương mại và đầu tư để cải thiện môi trường đầu tư. Rà soát, cập nhật các hiệp định thương mại hiện hành sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, khuyến khích thương mại và đầu tư trong khu vực và quốc tế.

Thứ tư , Việt Nam nên tham gia các cụm kinh tế cũng sẽ mang lại lợi ích cho các quốc gia về khả năng phục hồi kinh tế lâu dài sau đại dịch. Thứ năm , là một thành viên có trách nhiệm của khu vực và quốc tế, Việt Nam đã và đang thông qua những cơ chế, khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương nhằm góp phần giải quyết, giảm bớt bất ổn toàn cầu. Việc kiên định tự do hoá thương mại, đầu tư; kết nối kinh tế khu vực và thế giới; cam kết cắt giảm khí thải nhà kính là những nỗ lực vì ổn định toàn cầu. Làm tốt việc này sẽ giúp tăng cường, phát huy hơn nữa những lợi thế tương đối đã có của Việt Nam như sự ổn định chính trị.

Thứ sáu , cần đẩy nhanh quá trình làm chủ công nghệ, tiếp cận với những công nghệ cao, công nghệ mới hiện đại. Chính Phủ cần xây dựng nên những cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết hay mua cổ phần của các doanh nghiệp FDI trong các dự án sử dụng công nghệ cao. Đồng thời, cần phải xây dựng những chính sách hỗ trợ về tư vấn chuyên gia,tư vấn, hỗ trợ đào tạo nhân lực, đội ngũ quản trị để đi theo định hướng phát triển công nghiệp, bám sát mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Cuối cùng , chính phủ cần đưa ra chính sách ưu đãi cụ thể về thuế, tiếp cận đất đai đối với các ngành sản xuất có giá trị gia tăng lớn, sử dụng công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao. Đồng thời, đối với các dự án đầu tư mở rộng cần được áp dụng và được lựa chọn hoặc áp dụng quy định về thuế suất có thời hạn, miễn giảm thuế có thời hạn đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại hoặc áp dụng mức ưu đãi chung cho toàn bộ dự án trước đây đã được ưu đãi đầu tư.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

ASEAN: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á

EUI: Cơ quan Tình báo Kinh tế

EVFTA: Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam

EVIPA: Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu

FDI: Đầu tư trực tiếp nước ngoài

FTA: Hiệp định thương mại tự do

GDP: Tổng sản phẩm nội địa

RCEP: Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực

WHO: Tổ chức Y tế Thế giới

WUI: Sự không chắc chắn toàn cầu

WPUI: Sự không chắc chắn do dịch bệnh toàn cầu

UNCTAD: Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

"The authors declare that they have no conflicts of interest" -"Nhóm tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo".

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Đóng góp của từng tác giả đối với nội dung bài báo.

- Tác giả 1 Nguyễn Đức Trung chịu trách nhiệm nội dung: Xây dựng cơ sở lý thuyết cho mối quan hệ của sự không chắc chắc và sự không chắc chắn do dịch bệnh toàn cầu với nguồn vốn FDI và đưa ra những hàm ý chính sách.

- Tác giả 2 Nguyễn Đức Thành chịu trách nhiệm nội dung: Tổng quan thực trạng FDI toàn cầu và tổng quan thực trạng FDI vào Việt Nam và đưa ra những hàm ý chính sách.

References

  1. Koçak S, Barış-Tüzemen ÖB. Impact of the COVID-19 on foreign direct investment inflows in emerging economies: evidence from panel quantile regression. Future Bus J. 2022;8(1, December). . ;:. Google Scholar
  2. Nawo L, Njangang H. The effect of Covid-19 outbreak on foreign direct investment: do sovereign wealth funds matter? Transnat Corp Rev. 2022;14(1):1-17. . ;:. Google Scholar
  3. APTIT. Asia‐Pacific trade and investment trends 2021/2022: foreign direct investment trends and outlook in Asia and the pacific. UNESCAP. 2021. . ;:. Google Scholar
  4. Njangang H, Nawo L, Avom D. World economic policy uncertainty and foreign direct investment. Econ Bull. 2020;40(2):1457-64. . ;:. Google Scholar
  5. Nguyen CP, Lee GS. Uncertainty, financial development, and FDI inflows: global evidence. Econ Modell. 2021;99(1). . ;:. Google Scholar
  6. Fang J, Collins A, Yao S. On the global COVID-19 pandemic and China's FDI. J Asian Econ. 2021;74(1):101300. . ;:. PubMed Google Scholar
  7. Ho LT, Gan C. Foreign direct investment and world pandemic uncertainty index: do health pandemics matter? J Risk Financ Manag. 2021;14(3):107. . ;:. Google Scholar
  8. Pinshi C. Monetary policy, Uncertainty and COVID-19. J Appl Econ Sci. 2020;15(3):579-93. . ;:. Google Scholar
  9. Ahir H, Bloom N, Furceri D. The world uncertainty index. Cambridge: NATIONAL BUREAU OF ECONOMIC RESEARCH; 2022. . ;:. Google Scholar
  10. Habtamu D. COVID-19 pandemic uncertainty shock impact on macroeconomic stability in Ethiopia. Munich Personal RepEC Arch. 2020. . ;:. Google Scholar
  11. UNCTAD. World investment report 2020. United Nations; 2020. . ;:. Google Scholar
  12. UNCTAD. World investment report 2021: investing in sustainable recovery. United Nations; 2021. . ;:. Google Scholar
  13. Kearney A, "2019 Foreign Direct Investment (FDI) Confidence Index," Kearney, 2019. . ;:. Google Scholar
  14. WB. Xu hướng FDI toàn cầu và ý nghĩa đối với Việt Nam. Washington, DC: World Bank; 2021. . ;:. Google Scholar
  15. UNCTAD. UNCTAD statistics. United Nations; 2022 [online] [cited Aug 15 2022]. . ;:. Google Scholar
  16. Bank W. 'Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2022,' World Bank; 2022. . ;:. Google Scholar
  17. UNCTAD. World investment report 2021: international Tax Reforms and Sustainable Investment. United Nations; 2022. . ;:. Google Scholar
  18. FIA. 'Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài,' Cục đầu tư nước ngoài- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội; 2020. . ;:. Google Scholar
  19. GSO. Tổng cục thống kê; August 15 2022 [online]. Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư [cited Aug 15 2022]. . ;:. Google Scholar
  20. FIA. 'Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài,' Cục đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Vol. 2021; 2021. . ;:. Google Scholar
  21. T. T. W. v. h. nhập. Đầu tư Australia vào Việt Nam: Đánh giá hiệu quả thực tế và Những giải pháp chính sách NXB bộ Công Thương, Hà Nội, 2021. . ;:. Google Scholar
  22. EP. Uncertainty. Economic policy uncertainty Economic Policy Uncertainty [cited Aug 15 2022]. . 2012;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 4 (2022)
Page No.: 3672-3681
Published: Jan 31, 2023
Section: Review
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i4.1139

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Duc Trung, N., & Duc Thanh, N. (2023). The uncertainty and foreign direct investment in the context of the COVID-19 pandemic of Vietnam. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(4), 3672-3681. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i4.1139

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1411 times
PDF   = 356 times
XML   = 0 times
Total   = 356 times