Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

2926

Total

1029

Share

Customer experience discovery model based on sentiment analysis and machine learning method






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Exploiting customer insights plays a key role in the long-term development strategy of every business, which strongly supports them in building trust with customers and enhancing competitive advantages. Especially in the period of rapid growth of technology, as there is a significant increase in online users, all the interactions and comments become more important in extracting valuable insights into customer behaviours and emotions. Our research aims to conduct sentiment analysis on comments in mobile commerce apps , then classify them into positive or negative sentiment, based on a hybrid approach that combines supervised machine learning methods and natural language processing techniques; at the same time, evaluating the model performance through the Confusion Matrix to ensure the reliability of the results. The study experimented on a proposed model with 04 machine learning methods including Naive Bayes, SVM, Random Forest and Logistic Regression on more than 935,000 comments collected from 04 popular mobile commerce apps in Vietnam (Tiki, Shopee, Lazada and Sendo). The experiment categorised positive and negative views with high accuracies of 91%, expressed by reports and charts that reflect customer trends and feelings. Moreover, the study also brings new and deeper perspectives on customer behaviours, assisting administrators to detect the strengths and weaknesses of services and apps, thereby improving user experience. Based on the research results, E-commerce businesses can analyse market trends and explore customers' needs and interests to develop effective product and service development strategies.

Giới thiệu

Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ di động được dẫn đầu bởi các điện thoại thông minh và các phần mềm ứng dụng, quá trình phát triển hoạt động bán lẻ đã được thúc đẩy tạo nên sự dịch chuyển tương tác của người tiêu dùng và nhà bán lẻ. Theo báo cáo “Kinh tế Internet khu vực Đông Nam Á năm 2020” của Google, Temasek và Bain & Company, số lượng người truy cập Internet từ năm 2015-2020 tăng từ 260 đến 400 triệu trong năm 2020, trong đó tỷ lệ người mua sắm trực tuyến mới tại Việt Nam đạt 41% cho thấy sự thay đổi hành vi khách hàng, xu hướng mua sắm trực tuyến tăng lên và là dấu hiệu lạc quan cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển thương mại điện tử. Trong năm 2020, Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt quyết định 645/QĐ-TTg về Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. Quyết định này cho thấy doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt triển khai thương mại điện tử với mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ và thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử cho các doanh nghiệp.

Khi người tiêu dùng sử dụng các thiết bị di động ưu tiên mua sắm trực tuyến để tìm kiếm thông tin, truy cập, so sánh, đánh giá các sản phẩm thì giải pháp thương mại di động là kênh kinh doanh đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, nhà bán hàng tăng cường các chiến lược kỹ thuật số nhằm tiếp cận người dùng hiệu quả và đây là cơ hội để thu hút khách hàng, hiện diện thương hiệu doanh nghiệp trên các nền tảng trực tuyến. Bên cạnh đó, thấu hiểu tâm lý khách hàng để đưa chiến lược tiếp thị phù hợp, xây dựng lòng tin đối với họ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Việc thu thập, phân tích các đánh giá của người dùng trên các nền tảng di động khi trải nghiệm mua sắm trên các nền tảng kỹ thuật số với mục đích nâng cao trải nghiệm khách hàng để từ đó gia tăng sự trung thành, hài lòng và nâng cao được chất lượng và phát triển ứng dụng tốt hơn trong môi trường cạnh tranh như hiện nay 1 , 2 . Chính vì vậy, phân tích quan điểm của khách hàng dựa trên những bình luận và phản hồi trên các kênh mua sắm trực tuyến là vô cùng quan trọng. Việc khai thác dữ liệu một cách hiệu quả giúp doanh nghiệp biết được trải nghiệm của khách hàng, nắm bắt những vấn đề đang gặp phải nhằm cải thiện kết quả kinh doanh và đưa ra những chiến lược thị trường tốt hơn, giúp cắt giảm chi phí, tăng doanh thu.

Nội dung tiếp theo của bài báo là phần 2 gồm cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu liên quan, nhằm định hình, xác định các mô hình, phương pháp nghiên cứu phù hợp với mục tiêu đặt ra. Các vấn đề liên quan và quá trình thực nghiệm được mô tả trong phần 3 - phương pháp và quy trình thực hiện nghiên cứu. Sau quá trình thực nghiệm, kết quả thực nghiệm được tìm ra và những thảo luận được đề cập trong phần 4. Phần cuối cùng là kết luận và hướng phát triển của nghiên cứu.

Cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu liên quan

Phân tích quan điểm

Phân tích quan điểm còn được gọi là khai thác ý kiến, là lĩnh vực nghiên cứu về ý kiến, tình cảm, đánh giá, thẩm định, thái độ và quan điểm đối với các thực thể như sản phẩm và dịch vụ 3 , 4 . Phân tích quan điểm thường được phân loại thành 03 khía cạnh: tích cực, tiêu cực và trung tính. Phân tích quan điểm được áp dụng để quản lý thông tin chính phủ 5 cho phép chính phủ theo dõi được những ý kiến đóng góp hoặc phản ánh của người dân; ứng dụng vào phân tích những tin tức thời sự nhằm phân tích những nội dung tin tức hoặc xác định xu hướng tin tức được quan tâm nhiều nhất 6 ; ứng dụng trong lĩnh vực giao đồ ăn trực tuyến để phân tích những phản hồi của khách hàng về sự hài lòng của họ nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm người dùng 7 . Ngoài ra, phân tích quan điểm cũng được áp dụng để cải thiện hệ thống giáo dục dựa vào các đánh giá về khóa học, học kỳ hay thậm chí là giảng viên giảng dạy 8 .

Đối với một doanh nghiệp, những nội dung do người dùng tạo trên các ứng dụng di động đã có thể cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin về ý kiến ​​tích cực, tiêu cực hay trung tính của người tiêu dùng về sản phẩm của doanh nghiệp và của đối thủ cạnh tranh 9 . Các doanh nghiệp thường gặp khó khăn trong việc đo lường mức độ quan tâm của người tiêu dùng và xác định dữ liệu người dùng nào thực sự hữu ích để họ thu thập. Bằng cách sử dụng phân tích quan điểm được bổ sung với sự thông minh của con người, các doanh nghiệp có thể lọc ra dữ liệu nhiễu, mơ hồ và với sự trợ giúp của công nghệ máy học có thể xác định dữ liệu quan trọng thúc đẩy hoạt động kinh doanh của họ 10 .

Các phương pháp phân tích quan điểm

Cho đến hiện nay, có nhiều phương pháp được nghiên cứu và áp dụng vào phân tích ý kiến khách hàng trực tuyến. Trong đó, điển hình là hai phương pháp đó là phương pháp máy học (machine learning) 11 , 12 và phương pháp dựa trên từ vựng (lexicon-based) 13 , 14 , 15 . Mỗi phương pháp có những ưu điểm và hạn chế khi được áp dụng. Chẳng hạn như, phương pháp dựa trên từ vựng là một cách tiếp cận không giám sát tương đối dễ thực hiện 16 . Tuy nhiên, đối với các tập dữ liệu lớn với nhiều đặc trưng để phân tích thì chỉ phương pháp dựa trên từ vựng là không đủ để tiếp cận một cách có hiệu quả 17 , 18 . Trong khi đó các phương pháp máy học có giám sát khi phân loại dữ liệu thành các lớp yêu cầu dữ liệu đầu vào phải sạch và được gán nhãn theo cấu trúc nhất định 19 . Dữ liệu thô phải được xử lý, lấy mẫu, dán nhãn; với ba tập dữ liệu mẫu gồm huấn luyện, xác thực và kiểm tra 7 .

Các phương pháp máy học được áp dụng cho phân tích quan điểm chủ yếu thuộc về phân loại có giám sát. Một số phương pháp máy học được sử dụng để phân loại các đánh giá: Naive Bayes 20 , Hồi quy Logistic 21 , Random Forest 22 , Support Vector Machine 23 và nhiều mô hình khác. Phương pháp máy học bắt đầu từ việc thu thập tập dữ liệu huấn luyện, trích xuất đặc trưng 24 và sau đó huấn luyện một bộ phân loại trên dữ liệu huấn luyện.. Cuối cùng, phân loại có giám sát cho biết cách thức tập dữ liệu thể hiện 25 .

Các nghiên cứu trước đó đã đạt được những kết quả tốt trong lĩnh vực phân tích quan điểm, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế như trao đổi trên. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đề xuất kết hợp phương pháp máy học và kỹ thuật xử lí ngôn ngữ tự nhiên (hybrid method) 11 nhằm nâng cao tính chính xác và hiệu quả trong phân tích quan điểm và đồng thời thực nghiệm mô hình trên bộ dữ liệu thực tế (những bình luận, ý kiến phản hồi của khách hàng trên 04 ứng dụng thương mại di động). Từ kết quả thực nghiệm, nghiên cứu sẽ áp dụng phương pháp ma trận nhầm lẫn để đánh giá hiệu suất của phương pháp đề xuất sau khi huấn luyện và lựa chọn mô hình hiệu quả nhất để áp dụng cho dữ liệu thực tế và đưa ra phương pháp phù hợp giúp cho các nhà phát triển ứng dụng có thể xác định những ưu điểm hiện có của ứng dụng để tiếp tục phát huy, đồng thời nhận ra những khuyết điểm còn tồn tại để nhanh chóng khắc phục, nâng cao tối đa trải nghiệm mua sắm trực tuyến của người dùng.

Phương pháp và mô hình nghiên cứu đề xuất

Phương pháp nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, sự kết hợp hai phương pháp khám phá ý kiến khách hàng dựa trên từ vựng và phương pháp máy học. Trong đó, phương pháp dựa trên từ vựng phù hợp để phân tích câu và mức độ đặc trưng mà không cần dữ liệu huấn luyện. Phương pháp máy học sử dụng các yếu tố ngôn ngữ để giải quyết phân loại quan điểm và đưa ra dự đoán. Khai thác ưu điểm của cả hai phương pháp này bằng phương pháp lai kết hợp (hydrid method), chúng tôi đã đề xuất một mô hình phân tích quan điểm bằng phương pháp lai và thực nghiệm mô hình trên bộ dữ liệu trong lĩnh vực thương mại di động tại Việt Nam.

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Figure 1 trình bày mô hình nghiên cứu khám phá trải nghiệm khách hàng trong lĩnh vực thương mại di động dựa trên phương pháp phân tích quan điểm và học máy. Trong đó, quy trình thực hiện nghiên cứu được tích hợp vào mô hình để tiến hành từ bước phân tích yêu cầu, thu thập dữ liệu thô các đánh giá mà khách hàng để lại từ 04 ứng dụng thương mại di động Tiki, Shopee, Sendo và Lazada. Tập dữ liệu này được tiền xử lý, chuẩn hóa và gán nhãn trước khi đưa vào trích xuất đặc trưng. Bộ dữ liệu của 04 ứng dụng thương mại di động được chia làm hai phần: tập dữ liệu huấn luyện (training data) và tập dữ liệu kiểm tra (test data). Tập dữ liệu huấn luyện sử dụng để thiết lập các phương pháp máy học và tập dữ liệu kiểm tra được dùng để đánh giá các phương pháp máy học, từ đó chọn ra mô hình phù hợp nhất với bộ dữ liệu thu thập được. Cuối cùng, sau khi có được mô hình phù hợp với bộ dữ liệu, dữ liệu được trực quan hóa để có thể so sánh, đánh giá giữa các ứng dụng thương mại di động và tìm ra hướng đi phù hợp cho các doanh nghiệp triển khai thương mại di động.

Figure 1 . Mô hình khám phá trải nghiệm khách hàng (Nguồn: tác giả)

Thu thập dữ liệu

Để thực nghiệm phương pháp đề xuất, chúng tôi đã thực hiện việc nghiên cứu đề tài, tiến hành thu thập hơn 1.000.000 bình luận từ 04 ứng dụng thương mại di động lớn tại Việt Nam bao gồm Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Table 1 trình bày các trường dữ liệu được thu thập từ 04 ứng dụng thương mại di động. Theo thứ tự từ trái qua phải, trường “userName” là cột dữ liệu về tên khách hàng/người bình luận, “content” là cột dữ liệu trình bày nội dung bình luận, “at” là cột dữ liệu về thời gian khách hàng đó bình luận và được đăng tải lên, “score” là cột dữ liệu thể hiện điểm đánh giá từ 1 đến 5 cho ứng dụng, “thumbsUpCount” là cột dữ liệu thể hiện số lượt thích của những người khác dành cho bình luận đó, “address” là cột dữ liệu về tên ứng dụng mà người đó bình luận.

Table 1 Mẫu dữ liệu thu thập được từ các ứng dụng thương mại di động

Tiền xử lý dữ liệu

Trước tiên, dữ liệu thô sẽ được phân tích bởi phương pháp phân tích dữ liệu khám phá (Exploratory Data Analysis - EDA) để khái quát hóa dữ liệu một cách tổng quan, tìm ra những đặc điểm chính của dữ liệu, sau đó thông qua tiền xử lý và lấy mẫu, gán nhãn lần thứ nhất trước khi thực hiện các phương pháp máy học.

Figure 2 . Xác định các ngoại lai của tập dữ liệu

Dựa vào Figure 2 , các biểu đồ hộp (Boxplot) cho thấy dữ liệu thô thu thập từ 04 ứng dụng thương mại di động có rất nhiều đánh giá có số lượng từ hoặc số lượng ký tự rất lớn ( Figure 3 ), các giá trị ngoại lai này sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác và gây nhiễu cho các phương pháp máy học.

Figure 3 . Mẫu đánh giá có số lượng từ lớn (Nguồn: tác giả)

Vì vậy, chúng tôi đã lọc ra các giá trị ngoại lai nằm ngoài chặn trên (upper fence) và chặn dưới (lower fence) của các đánh giá thu thập được bằng cách loại bỏ các giá trị ngoại lai và thay thế các giá trị ngoại lai bằng IQR để cải thiện hiệu suất và độ tin cậy của các mô hình (kết quả được thể hiện trên Figure 4 ). Từ đó, đồng bộ được dữ liệu và tiến hành các bước xử lý tiếp theo.

Figure 4 . Xử lý các ngoại lai của tập dữ liệu (Nguồn: tác giả)

Trong những nghiên cứu có liên quan đến ngôn ngữ tự nhiên, pha tiền xử lý dữ liệu vô cùng quan trọng và có ảnh hưởng đến kết quả phân tích. Khi thu thập bộ dữ liệu từ các ứng dụng thương mại di động điện tử, dữ liệu đang ở dạng thô (chưa được qua xử lý, có những trường bị rỗng, sai chính tả, chứa các ký tự đặc biệt hoặc các biểu tượng quan điểm,...), dữ liệu này sẽ làm giảm độ chính xác của kết quả các mô hình. Vì vậy, chúng tôi đã tiến hành các bước hiệu chỉnh góp phần tăng độ chính xác cho phân loại. Cuối cùng, tách từ là một phần không thể thiếu của quá trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Chúng tôi đã sử dụng bộ công cụ mã nguồn mở xử lý ngôn ngữ tự nhiên Tiếng Việt Underthesea v1.3.4 26 để tách cụm từ, câu, đoạn văn, tài liệu văn bản thành các đơn vị nhỏ hơn (Tokens) để có thể dễ dàng diễn giải ý nghĩa của văn bản. Một số mẫu kết quả trước và sau khi thực hiện tiền xử lý được trình bày trong Table 2 .

Table 2 Minh họa dữ liệu trước và sau khi tiền xử lý

Sau khi thực hiện tiền xử lý, dữ liệu từ dữ liệu thô đã được chuẩn hóa đưa về cùng một một dạng hỗ trợ cho việc huấn luyện và phân tích quan điểm khách hàng thông qua đánh giá để có được một kết quả dự đoán tốt nhất. Table 3 thể hiện số lượng các bình luận trước và sau khi tiền xử lý.

Table 3 Số lượng các bình luận thu thập được trước và sau khi tiền xử lý

Dán nhãn dữ liệu

Bước này là để chuẩn bị một bộ dữ liệu được phân loại đủ lớn để được sử dụng như một bộ dữ liệu huấn luyện. Thông thường, các bộ dữ liệu này sẽ được xây dựng bằng tay để biết các nghiên cứu bằng các phương pháp máy học. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, sau khi xem xét ngẫu nhiên các bộ dữ liệu được thu thập và đưa ra điểm đánh giá, nghiên cứu này tìm thấy các đánh giá với điểm đánh giá dưới 3,0 là tiêu cực, những điểm lớn hơn 3,0 là tích cực và trung tính khi điểm bằng 3,0. Do đó, bộ dữ liệu huấn luyện sẽ được phân loại và gán nhãn thành 2 lớp: tiêu cực, tích cực.

Phương pháp trích xuất đặc trưng

Để trích xuất đặc trưng từ tập dữ liệu chuẩn bị cho bước huấn luyện mô hình, trong các nghiên cứu của 27 , 28 đã đưa ra một số kỹ thuật tiền xử lý tập dữ liệu dạng văn bản, sau đó gán nhãn và sử dụng véc-tơ trọng số TF-IDF để đánh giá mức độ quan trọng của 1 từ và tần suất xuất hiện của từ đó trong đoạn văn bản, khi áp dụng kỹ thuật trích xuất đặc trưng này thì chúng ta sẽ xếp hạng được các véc-tơ đặc trưng cùng với các thuật toán phân cụm. Trong nghiên cứu này, sau bước tiền xử lý dữ liệu, phương pháp trích xuất đặc trưng TF-IDF 29 , 30 được áp dụng để xây dựng véc-tơ trọng số thể hiện tần suất xuất hiện của từ trong các bình luận của khách hàng. Table 4 trình bày một số mẫu minh họa ma trận tần xuất TF_IDF với các dòng thể hiện mỗi bình luận của khách hàng và các cột thể hiện trọng số của từ xuất hiện trong bình luận.

Table 4 Mẫu ma trận tần xuất TF_IDF từ tập dữ liệu

Thực nghiệm và đánh giá mô hình

Sau khi trích xuất đặc trưng toàn bộ tập dữ liệu với trên 935.000 bình luận, chúng tôi tiến hành huấn luyện phương pháp máy học cho tập dữ liệu huấn luyện. Dữ liệu được lấy mẫu được chia thành 2 nhóm: tập dữ liệu huấn luyện (80%) và tập dữ liệu kiểm tra (20%). Tập dữ liệu huấn luyện được sử dụng để thiết lập bởi phương pháp máy học bao gồm Hồi quy Logistic (LR), Support Vector Machine (SVM), Naïve Bayes (NB) và Random Forest (RF) và sau đó áp dụng ma trận nhầm lẫn (Confusion Matrix) 31 với các độ đo Precision, Recall, F-score và Accuracy để đánh giá kết quả nhằm chọn ra mô hình phù hợp nhất, tiến hành gán nhãn lần thứ hai để áp dụng cho tập dữ liệu kiểm tra. Kết quả được thực nghiệm và đánh giá mô hình được thể hiện trên Table 5 .

Table 5 Kết quả đánh giá mô hình trên toàn bộ dữ liệu

Từ bảng trên, chúng tôi nhận thấy rằng về độ chính xác thì thuật toán Random Forest là cao nhất (92%), lần lượt theo sau là Logistic Regression, Support Vector Machine (91%) và Naive Bayes (90%) là thấp nhất. Về thời gian huấn luyện mô hình thì thuật toán Naive Bayes là tốn ít thời gian nhất (9,04s), xếp theo sau là Logistic Regression (17,8s), Random Forest (41min 4s) và Support Vector Machine (17h 38min 47s). So về thời gian dự đoán, Logistic Regression là thuật toán sử dụng ít thời gian để dự đoán nhất (1,3s), tiếp theo là Naive Bayes (1,33s), Random Forest (24,3s) và Support Vector Machine (28min 16s). Với những chỉ số đánh giá trên, chúng tôi cho rằng với tập dữ liệu chúng tôi thu thập thì thuật toán Logistic Regression là phù hợp nhất.

Tập dữ liệu từ 04 ứng dụng thương mại di động (với Tiki gồm 57.788 bình luận, Shopee gồm 343.786 bình luận, Lazada gồm 386.062 bình luận và Sendo gồm 148.136 bình luận) sau khi được huấn luyện bằng phương pháp máy học dựa trên phân tích quan điểm đã cho kết quả khác nhau và thể hiện trên Table 6 .

Table 6 Kết quả so sánh các mô hình

Sau khi thực nghiệm phương pháp máy học trên tập dữ liệu, kết quả cho thấy thuật toán SVM có thời gian huấn luyện và thời gian dự đoán lâu hơn tương đối nhiều so với các thuật toán khác, bởi vì bộ dữ liệu của 4 ứng dụng tương đối lớn nên mất nhiều thời gian để ánh xạ dữ liệu vào một không gian nhiều chiều hơn. Thời gian huấn luyện nhanh nhất Naive Bayes bởi vì thuật toán này chạy dựa trên lý thuyết các biến dữ liệu độc lập với nhau, nhưng độ chính xác lại thấp hơn so với các thuật toán khác khi chạy trên các bộ dữ liệu của 04 ứng dụng thương mại di động thu thập được. Độ chính xác của thuật toán hồi quy Logistic cao hơn các thuật toán khác trong hầu hết các bộ dữ liệu (Tiki: 92%, Sendo: 90%, Shopee: 91%, and Lazada: 92%), chỉ thua độ chính xác của Random Forest trong bộ dữ liệu Lazada (93%). Tuy nhiên, thời gian huấn luyện và dự đoán lại nhanh hơn rất nhiều so với các thuật toán Random Forest và SVM. Kết quả cho thấy, Hồi quy Logistic là thuật toán tốt hơn so với các thuật toán khác khi xét về tổng thể thời gian dự đoán, huấn luyện cũng như là độ chính xác khi thực thi. Từ đó cho thấy rằng hồi quy Logistic phù hợp với bộ dữ liệu của 04 ứng dụng thương mại di động.

Kết quả thực nghiệm và thảo luận

Nhìn vào các đánh giá được trực quan sau khi được áp dụng mô hình và xử lý, kết quả thực nghiệm đã cho thấy hiệu suất của việc phân loại dựa trên cảm tính từ tập dữ liệu về các đánh giá ứng dụng thương mại di động. Theo kết quả phân tích, tỷ lệ đánh giá tiêu cực (03 sao trở xuống) và tích cực (04 sao trở lên) trên 04 bộ dữ liệu của 04 ứng dụng thương mại di động tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ đánh giá tích cực của 04 ứng dụng đều ở mức cao (Tiki: 79,54%, Sendo: 83,99%, Shopee: 73,46%, Lazada: 83,80%).

Biểu đồ thanh như trong Figure 5 được tạo ra để trực quan hóa những từ thường gặp nhất trong số tất cả các bình luận của khách hàng được phân tích. Biểu đồ đã cho thấy cách khách hàng nghĩ và cảm nhận về sản phẩm và dịch vụ trên các ứng dụng thương mại di động. Các từ “nghiện”, “nhanh”, “tuyệt vời”, “tuyệt”,... là những từ thường gặp nhất trong các đánh giá mang tính tích cực, điều này cho thấy khách hàng có cảm nhận tốt đối với 04 ứng dụng thương mại di động được khảo sát. Từ “nhanh” và “nghiện” là hai trong số những từ thường gặp nhất trong số tất cả các bình luận mang tính tích cực, cho thấy rằng hầu hết khách hàng đều có cảm nhận rất tích cực đối với bốn ứng dụng. Các từ “quảng cáo”, “tệ”, “chán”, “kém”,... là những từ thường gặp trong các bình luận tiêu cực, điều này cho thấy khách hàng vẫn có những cảm nhận chưa được tốt khi dùng các ứng dụng thương mại di động.

Figure 5 . Những từ mang quan điểm tích cực và tiêu cực thường xuất hiện (Nguồn: tác giả)

Figure 6 . Phân bổ phần trăm đánh giá theo ứng dụng và theo năm (Nguồn: tác giả)

Figure 6 chỉ ra rằng hiệu suất của các đánh giá tích cực vượt trội hơn các đánh giá tiêu cực và trung bình chiếm hơn 75% trong tổng số các đánh giá thu thập được, từ đó, cho thấy số lượng đánh giá tích cực và mức độ hài lòng của khách hàng đối với các hoạt động trên các ứng dụng thương mại di động được khảo sát là cao. Điều này thể hiện sự hài lòng và tin tưởng của người dùng trong lĩnh vực thương mại di động. Nhìn vào ứng dụng Shopee, chúng ta dễ dàng nhận thấy tỷ lệ lượt đánh giá trong năm 2015 đến nay ngày càng tăng lên, chiếm hơn nửa tổng số các lượt đánh giá và đang dẫn đầu trong số các ứng dụng thương mại di động còn lại. Mặt khác, tỷ lệ lượt đánh giá của Sendo từ năm 2015 chiếm vị trí đứng đầu so với các ứng dụng thương mại di động khác nhưng đến năm 2021 đã giảm xuống hơn 8 lần so với trước và giữ vị trí thứ 3 chỉ đứng trước Tiki. Điều này cũng cho thấy được rằng, về tổng quan Shopee có sự phát triển mạnh mẽ nhất khi thu hút được thêm nhiều khách hàng qua số lượng bình luận được gia tăng hằng năm. Tiếp theo là về Lazada, khi số lượng bình luận, đánh giá có thể nói khá ổn định qua từng năm, tuy không phát triển nhanh như Shopee nhưng vẫn giữ vững được thị phần của mình và tiếp tục phát triển.

Figure 7 . WordCloud từ Tích cực (Nguồn: tác giả)

Figure 8 . WordCloud từ Tiêu cực (Nguồn: tác giả)

Dựa vào Figure 7Figure 8 , các từ thể hiện quan điểm được sử dụng trong các đánh giá của khách hàng được hình ảnh hóa thông qua WordCloud. Từ đây, có thể thấy rằng các từ được khách hàng dùng nhiều trong các bình luận được thể hiện qua kích thước từ lớn để nhỏ dần. Cụ thể số lượng từ được dùng nhiều mang ý nghĩa tích cực ( Figure 7 ) và tiêu cực ( Figure 8 ), người quản lý có thể hình dung được khách hàng của mình đang quan tâm đến vấn đề gì. Chẳng hạn như từ “ngon” thì phần nhiều sẽ được hiểu là đang nói về thực phẩm/ thức ăn, điều này có nghĩa là thực phẩm được bán trên ứng dụng được đánh giá tốt, còn với từ “dễ”, có nghĩa là dễ sử dụng các ứng dụng. Mặt khác, khi nói đến dịch vụ giao hàng, từ “nhanh” đại diện giao hàng hay thanh toán nhanh sau giao dịch. Những quan điểm hay khía cạnh mà khách hàng quan tâm sẽ giúp người quản lý nắm bắt tâm lý khách hàng một cách nhanh chóng và có chiến lược phát triển hiệu quả cho dịch vụ của mình.

Bên cạnh đó, xu hướng đánh giá chất lượng sản phẩm và dịch vụ của công ty cũng là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp có thể có thêm cơ sở cải thiện chất lượng tốt hơn. Figure 8 đã chỉ ra kết quả về xu hướng đánh giá tiêu cực và tích cực theo từng giai đoạn thời gian, và thể hiện tổng quan về số lượng đánh giá tiêu cực và tích cực tại theo từng tháng từ năm 2015 đến năm 2021. Thông qua hai biểu đồ thể hiện trên Figure 8 , ta có thể thấy năm 2015 đến 2017 thì thương mại di động mới bước đầu xuất hiện tại Việt Nam nên số lượng đánh giá không thu thập được nhiều, nhưng sau đó số lượng đánh giá có sự phát triển theo thời gian. Từ năm 2018, thương mại di động tại Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện với mức tăng trưởng cao 30% so với các năm trước. Shopee là ứng dụng thương mại di động có mức độ hài lòng thấp với số lượng đánh giá tiêu cực liên tục gia tăng, đỉnh điểm là vào tháng 8 năm 2021 với khoảng 38% đánh giá tiêu cực, tiếp theo là Lazada, Sendo, Tiki. Shopee và Lazada là hai ứng dụng có số lượt đánh giá cao và cũng đang phát triển rất mạnh mẽ về mức độ nhận diện cũng như thương hiệu so với Sendo và Tiki.

Figure 9 . Số lượng đánh giá của khách hàng từ năm 2015 đến 2021 (Nguồn: tác giả)

Kết quả trên Figure 9 cũng cho thấy, tổng số lượng bình luận tích cực và tiêu cực từ năm 2019 đến năm 2021 bắt đầu tăng lên mạnh mẽ, ngay trong thời điểm đại dịch COVID-19 đang bùng phát (cuối năm 2019), khẳng định được nhu cầu mua sắm trực tuyến và việc sử dụng các ứng dụng thương mại di động ngày càng phổ biến như một xu hướng tất yếu khi so sánh với số lượng bình luận ở các năm trước. Đối với việc tăng lên hoặc giảm xuống của các bình luận mang tính chất tích cực, thể hiện cho sự hài lòng của khách hàng đối với các sản phẩm và dịch vụ mà họ trải nghiệm trên 4 ứng dụng thương mại di động, kết hợp với các biểu đồ trực quan khác (như Figure 5Figure 7 ) để thấy rõ vấn đề mà khách hàng có nhận xét tích cực, từ đó doanh nghiệp có thể đánh giá tổng quan chiến lược kinh doanh đang áp dụng có phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng hay không dựa vào quan điểm của họ đối với các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Thêm vào đó, cũng như các bình luận tích cực thì với các bình luận tiêu cực, doanh nghiệp có thể tìm ra được lỗ hổng trong các dịch vụ của mình, từ đó cải thiện lại các hoạt động nhằm đem lại trải nghiệm tốt cho khách hàng của mình, điều này giúp doanh nghiệp nhìn vào dữ liệu mà khách hàng để lại trực tiếp từ ứng dụng (lấy dữ liệu tức thời và xử lý) thay vì phải chủ động đi khảo sát thị trường từng nhóm khách hàng, điều này làm mất nhiều thời gian và kém hiệu quả trong việc bắt kịp xu hướng mua sắm của hiện tại.

Kết luận và hướng phát triển

Sau quá trình nghiên cứu này, mô hình phân tích quan điểm được đề xuất và thực nghiệm trên bộ dữ liệu trong lĩnh vực thương mại di động và kết quả đánh giá mô hình với tính chính xác cao. Việc tiến hành thực nghiệm và so sánh 04 phương pháp máy học (Naive Bayes, SVM, Hồi quy Logistic và Random Forest ) đã phản ánh những đặc điểm, thuộc tính của từng thuật toán đối với bộ dữ liệu nghiên cứu thông qua các chỉ số của ma trận nhầm lẫn như Accuracy, F_Score. Các kết quả từ việc phân loại quan điểm (tích cực và tiêu cực) qua bình luận khách hàng đã cho thấy nhiều thông tin hữu ích về quan điểm và hành vi khách hàng, giúp các doanh nghiệp xác định được nhu cầu khách hàng và đưa ra gợi ý sản phẩm phù hợp cho những khách hàng tiềm năng. Qua những báo cáo, biểu đồ trực quan hóa dữ liệu, các doanh nghiệp có thể phân tích những mong muốn của khách hàng về nhiều khía cạnh trên các ứng dụng thương mại di động (chất lượng sản phẩm, đề xuất tìm kiếm, phản hồi, dịch vụ vận chuyển, ưu đãi giảm giá,vv...), từ đó đưa ra những chiến lược tối ưu nâng cao trải nghiệm khách hàng và tăng lợi thế cạnh tranh của thương hiệu. Bên cạnh đó, mô hình của nghiên cứu có thể được tích hợp thêm vào ứng dụng nhằm khảo sát quan điểm khách hàng đối với nhiều lĩnh vực, dịch vụ và và sản phẩm khác nhau của các doanh nghiệp.

Bộ dữ liệu thực nghiệm được thu thập trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2021, đảm bảo tính thực tế và phản ánh được sự biến động trong thời gian dài. Điều này giúp các nhà phân tích tìm ra được xu hướng thị trường và đưa ra các dự đoán cho tương lai, từ đó có những chiến lược đầu tư hợp lý giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất. Có thể thấy, việc ứng dụng phân tích quan điểm qua những bình luận bằng các phương pháp máy học và xử lý ngôn ngữ tự nhiên là giải pháp cần thiết nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

Trong tương lai, để cải thiện hiệu suất và tính chính xác của mô hình, phương pháp BERT trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên, trích xuất các khía cạnh với kỹ thuật gắn thẻ từng phần (POS Tagging), phân tích các biểu tượng cảm xúc trong các bình luận sẽ được nghiên cứu và khai thác. Bên cạnh đó, nghiên cứu tiếp tục tối ưu hóa mô hình để xây dựng thành một hệ thống đánh giá, phân loại bình luận người dùng với cơ chế hoạt động liên tục thu thập dữ liệu, áp dụng mô hình phân loại đưa ra các báo cáo trực quan hỗ trợ doanh nghiệp ra quyết định; mở rộng mô hình nghiên cứu sang các lĩnh vực khác không chỉ dừng lại ở thương mại di động, khai thác mọi tương tác và bình luận của khách hàng trực tuyến với mục đích mang lại những lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và người dùng.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

EDA : Exploratory Data Analysis

TF_IDF : Term Frequency – Inverse Document Frequency

LR : Logistic Regression

SVM : Support Vector Machine

NB: Naive Bayes

RF : Random Forest

BERT : Bidirectional Encoder Representations from Transformers

Pos : Positive

Neg : Negative

IQR : Interquartile Range

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Nhóm tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung bài báo do nhóm tác giả thực hiện. Đóng góp của từng tác giả với nội dung bài báo:

Nguyễn Trần Thúy Quỳnh, Bùi Nguyễn Bích Ngọc, Nguyễn Thị Bảo Trâm, Hồ Trung Thành chịu trách nhiệm nội dung: khảo sát các nghiên cứu liên quan, xây dựng mục tiêu, đề xuất phương pháp và mô hình nghiên cứu, đánh giá kết quả và thảo luận.

Trần Nhật Nguyên, Võ Bá Tùng và Hồ Trung Thành chịu trách nhiệm nội dung: Khảo sát các nghiên cứu liên quan, nghiên cứu về ý tưởng, triển khai ý tưởng dựa trên phương pháp nghiên cứu, phân tích dữ liệu, và trực quan kết quả phân tích.

References

  1. The value and role of data in electronic commerce and the digital economy and its implications for inclusive trade and development [internet]. UNCTAD; 2019. . ;:. Google Scholar
  2. Ritter T, Pedersen CL. Digitization capability and the digitalization of business models in business-to-business firms: past, present, and future. Ind Mark Manag. 2020;86:180-90. . ;:. Google Scholar
  3. Liu B. Sentiment analysis and opinion mining. San Rafael, CA: Morgan & Claypool; 2012. . ;:. Google Scholar
  4. Sharma R, Nigam S, Jain R. Opinion mining in Hindi language: A survey. IJFCST. 2014;4(2):41-7. . ;:. Google Scholar
  5. Bang B, Lee L. Opinion mining and sentiment analysis. Found Trends Inf Retrieval. 2008;2(1-2):1-135. . ;:. Google Scholar
  6. Wanner F, Rohrdantz C, Mansmann F, Oelke D, Keim D. Visual sentiment analysis of RSS News Feeds featuring the US presidential election in 2008 (VISSW 2009); 2009. Visual Interfaces to the Social and the Semantic [web]. . ;:. Google Scholar
  7. Nguyen B, Nguyen V-H, Ho T. Sentiment analysis of customer feedback in online food ordering services. Bus Syst Res J. 2021;12(2):46-59. . ;:. Google Scholar
  8. Binali H, Potdar V, Wu C. A state of the art opinion mining and its application domains IEEE International Conference on Industrial Technology. Vol. 2009; 2009. . ;:. Google Scholar
  9. Ruder S, Ghaffari P, Breslin G J. A Hierarchical Model of Reviews for Aspect-based Sentiment Analysis. EMNLP. 2016;7. . ;:. Google Scholar
  10. Al-Otaibi S, Alnassar A, Alshahrani A, Al-Mubarak A, Albugami S, Almutiri N et al. Customer satisfaction measurement using sentiment analysis. Int J Adv Comput Sci Appl. 2018;9(2). . ;:. Google Scholar
  11. Mudinas A, Zhang D, Levene M. Combining lexicon and learning based approaches for concept-level sentiment analysis. Proceedings of the first international workshop on issues of sentiment discovery and opinion mining. Wisdom. 2012;'12. . ;:. Google Scholar
  12. Pang B, Lee L, Vaithyanathan S. Thumbs up? Proceedings of the ACL-02 conference on Empirical methods in natural language processing - EMNLP. Vol. 2002; '02. . ;:. Google Scholar
  13. Vu L, Le T. A lexicon-based method for Sentiment Analysis using social network data. Information and Knowledge Engineering (IKE). 2017;10-6. . ;:. Google Scholar
  14. Taj S, Shaikh B, Fatemah Meghji A. Sentiment Analysis of News Articles: A Lexicon based Approach 2nd International Conference on Computing, Mathematics and Engineering Technologies (iCoMET). Vol. 2019; 2019. . ;:. Google Scholar
  15. Ding X, Liu B, Yu P. A holistic lexicon-based approach to opinion mining. Proceedings of the international conference on web search and web data mining - WSDM. Vol. 2008; '08. . ;:. Google Scholar
  16. Palanisamy P, Yadav V, Elchuri H. Serendio: simple and Practical lexicon based approach to Sentiment Analysis; 2013. . ;:. Google Scholar
  17. Poria S, Chaturvedi I, Cambria E, Bisio F. Sentic LDA: improving on LDA with semantic similarity for aspect-based sentiment analysis. 2016 International Joint Conference on Neural Networks (IJCNN);2016. . ;:. Google Scholar
  18. Ruder S, Ghaffari P, Breslin G J. A Hierarchical Model of Reviews for Aspect-based. Sentiment analysis. EMNLP. 2016;7. . ;:. Google Scholar
  19. Hutto C, VADER GE. A parsimonious rule-based model for sentiment analysis of social media text. ICWSM. 2015. . ;:. Google Scholar
  20. Domingos P, Pazzani M. Mach Learn. 1997;29(2/3):103-30. doi: 10.1023/A:1007413511361. . ;:. Google Scholar
  21. Maalouf M. Logistic regression in data analysis: an overview. Int J Data Anal Tech Strateg. 2011;3(3):281. . ;:. Google Scholar
  22. Cutler A, Cutler D, Stevens J. Random forests. Ensemble Mach Learn. 2012:157-75. . ;:. Google Scholar
  23. Neshan S, Akbari R. A combination of machine learning and lexicon based techniques for sentiment analysis 6th International Conference on Web Research (ICWR). Vol. 2020; 2020. . ;:. Google Scholar
  24. Dang NC, Moreno-García MN, De la Prieta F. Sentiment analysis based on deep learning: A comparative study. Electronics. 2020;9(3):483. . ;:. Google Scholar
  25. Nandi A, Sharma P. Comparative study of sentiment analysis techniques. Interdiscip Res Technol Manag. 2021:456-60. . ;:. Google Scholar
  26. GitHub - undertheseanlp/underthesea: Underthesea - Vietnamese NLP Toolkit; 2022 [cited May 20 2022]. . ;:. Google Scholar
  27. Ahmed H, Awan M, Khan N, Yasin A, Faisal Shehzad H. Sentiment analysis of online food reviews using big data analytics. Elem Educ Online. 2021;20(2):827-36. . ;:. Google Scholar
  28. Nasim Z, Rajput Q, Haider S. Sentiment analysis of student feedback using machine learning and lexicon based approaches International Conference on Research and Innovation in Information Systems (ICRIIS). Vol. 2017; 2017. . ;:. Google Scholar
  29. Rajaraman A[ and Ullman, J., n.d. Data mining. Mining of Massive Datasets, pp. 1-17. . ;:. Google Scholar
  30. Beel J, Gipp B, Langer S, Breitinger C. Research-paper recommender systems: a literature survey. Int J Digit Libr. 2016;17(4):305-38. . ;:. Google Scholar
  31. Visa S, Ramsay B, Ralescu A, Knaap E. Confusion matrix-based feature selection. CiteSeerX; 2022. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 3 (2022)
Page No.: 3277-3290
Published: Oct 15, 2022
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i3.1030

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Thuy, Q., Bich, N., Bao, T., Nhat, N., Vo, T., & Ho, T. (2022). Customer experience discovery model based on sentiment analysis and machine learning method. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(3), 3277-3290. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i3.1030

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 2926 times
PDF   = 1029 times
XML   = 0 times
Total   = 1029 times