Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Review

HTML

1523

Total

290

Share

The institution of trust from comparative law perspective and its applicability in Viet Nam






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Trust is not a new regime, but it has been existing since Roman time and developed profoundly in common-law countries such as England and Unites States ever since. In 2007, trust law has been imported into France, a conservative civil law country which is heavily influenced by theory of France’s legal heritage (Aubry and Rau on the patrimony). French lawmakers have inherited and adjusted the Trust to make it appropriate with their legal system. This proves that there is strong basic for the existence of trust law. Indeed, Vietnam is also a country that follows the civil law tradition and is heavily influenced by the French legal system. In Vietnam, although trust property has not been well-known in practice, it has been existing in civil lives. In current society, there are several legal circumstances to which if we have not applied current regulations shall not be completely resolved. On the contrary, if we apply the trust regime, those legal circumstances shall be well resolved. Therefore, this article focuses in analyzing in depth trust regime from a law comparative perspective and aims at giving a few suggestions on its applicability in Viet Nam.

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CHẾ ĐỊNH TÍN THÁC

T rust t rong hệ thống Common law . Chế định trust xuất phát từ sự kiện lịch sử tại nước Anh trong thời kỳ Thập tự chinh đầu thiên niên kỷ thứ II. Dưới sự kêu gọi của giáo hoàng, các lãnh chúa, quý tộc đã tham gia vào cuộc thập tự chinh ở Jerusalem, họ đã “tín thác” đất đai của cải và tài sản lại cho người bạn để quản lý trong thời gian tham chiến. Theo thỏa thuận giữa hai bên, nếu họ không quay trở về thì tài sản này sẽ trao lại cho những người thừa kế thụ hưởng.

Người lập Trust đi xa và biệt tích, người thụ hưởng (những người thừa kế) kiện ra tòa án common law nhưng thất bại vì Tòa án thừa nhận quyền sở hữu của người nhận tín thác đối với tài sản. Người thụ hưởng tiếp tục kiện lên nhà vua, nhà vua giao cho Bộ tư pháp (Chancery) xử lý và giải quyết khiếu nại dẫn đến sự hình thành lý thuyết về trust. Bộ tư pháp ghi nhận và đánh giá nội dung của thỏa thuận tín thác dựa vào lẽ công bằng (equity) thay vì dựa vào nguyên tắc cứng nhắc của Tòa án. Từ đó, Bộ tư pháp đưa ra kết quả là không phủ nhận phán quyết của Tòa án vẫn thừa nhận tư cách của người nhận tín thác (legal owner), đồng thời thừa nhận quyền của người thụ hưởng do hiệu lực của thỏa thuận tín thác (equitable interest); phán quyết này dẫn đến việc thừa nhận hai nhóm quyền độc lập của hai chủ thể trên cùng một tài sản cũng là cơ sở ra đời trust.

Fiducie trong luật của Pháp - Phá vỡ quan niệm truyền thống về sản nghiệp (patrimoine) . Sản nghiệp theo học thuyết cổ điển của Aubry và Rau của hệ thống pháp luật nước cộng hòa Pháp được hiểu toàn bộ tài sản có và tài sản nợ của một người, và một người chỉ có thể có một sản nghiệp duy nhất 1 . Dựa trên chế định tín thác (Trust) của hệ thống Common Law, và dựa trên cơ sở chế định tín thác di sản (fidéicommis) của hệ thống pháp luật La Mã, tín thác (fiducie) ra đời năm 2007 tại Pháp 2 , 3 . Tín thác được hiểu là một khối tài sản đi ra khỏi sản nghiệp của một người ( A - bên lập tín thác ) để đi vào một khối tài sản tách biệt được quản lý bởi bên thứ ba ( B - bên nhận tín thác ) là tổ chức tín dụng và được mở rộng thêm thẩm quyền của luật sư năm 2009, và được chuyển cho người được chỉ định ( C - bên thụ hưởng ) trong hợp đồng tín thác, bên tín thác cũng có thể là bên thụ hưởng.

Figure 1 . Tín thác

CHẾ ĐỘ PHÁP LÝ CỦA HỢP ĐỒNG TÍN THÁC

Khái niệm và nội dung của hợp đồng tín thác theo Luật Pháp và Luật Anh - Mỹ

Tín thác là một công cụ pháp lý cho phép đặt một khối sản nghiệp tín thác dưới sự quản lý của bên nhận tín thác. Theo điều 2011 BLDS, tín thác là một giao dịch mà một hoặc nhiều người (bên tín thác) chuyển toàn bộ hoặc một phần tài sản, quyền hoặc nghĩa vụ mà người tín thác sở hữu cho một hoặc nhiều người khác (bên được tín thác), với trách nhiệm là hành động vì một mục đích cụ thể vì lợi ích của một hoặc một số người thụ hưởng.

Tài sản được chuyển giao sẽ hình thành một khối tài sản riêng biệt, tách biệt với khối tài sản của người được tín thác. Chính sự tách biệt này làm phá vỡ quan niệm truyền thống về khối sản nghiệp, mỗi người chỉ có một và duy nhất một khối sản nghiệp 4 . Trong hệ thống common law không tồn tại lý thuyết về sản nghiệp, nhưng để một trust có thể vận hành thì luật Anh Mỹ cũng thừa nhận là khối tài sản trust phải được chuyển giao cho trustee 5 . Hai hệ thống pháp luật khác nhau dù có quy định khác nhau nhưng cũng đều đi đến kết quả thống nhất là người lập tín thác phải chuyển giao quyền sở hữu cho người nhận tín thác.

Trong hợp đồng tín thác phải chứa đựng các nội dung cơ bản sau đây: chủ thể - định danh các bên (người tín thác, người được tín thác, người thụ hưởng có thể là người tín thác); đối tượng - chi tiết tài sản chuyển giao, tình trạng tài sản, quyền đối với hoa lợi lợi tức; quyền và nghĩa vụ các bên; mục đích và thời hạn.

Chủ thể của hợp đồng tín thác . Chủ thể của hợp đồng tín thác bao gồm người tín thác và người thụ hưởng có thể là cá nhân hoặc pháp nhân, trong nhiều trường hợp thì người tín thác đồng thời là người thụ hưởng. Tuy nhiên, đối với người nhận tín thác chỉ có thể là pháp nhân bao gồm các tổ chức tín dụng và ngân hàng … Vào năm 2009, luật Pháp bổ sung vai trò của luật sư với tư cách là người nhận tín thác (Điều 2015 BLDS Pháp).

Đối tượng của hợp đồng tín thác . Đối tượng của hợp đồng tín thác bao gồm tài sản (bất động sản, động sản), các quyền (quyền tài sản, quyền đòi nợ, quyền sở hữu trí tuệ) và nghĩa vụ. Ở đây có thể thấy đối tượng của hợp đồng tín thác rộng hơn so với hợp đồng ký quỹ ở Việt Nam. Đối tượng của hợp đồng ký quỹ chỉ giới hạn ở tiền, kim loại quý giá, đá quý. So sánh này chỉ giới hạn ở đối tượng của hợp đồng tín thác và hợp đồng ký quỹ, chúng ta có thể thấy điểm tương đồng về đối tượng ký quỹ và tín thác, không có nghĩa là hai chế định này giống nhau. Việc so sánh hai chế định này vì ở góc độ dùng tài sản tín thác để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có nét tương đồng với quy định về ký quỹ theo pháp luật Việt Nam, sự khác biệt cơ bản của hai quy định này là khi tài sản dùng để ký thì tài sản này vẫn thuộc về chủ sở hữu ký quỹ, còn tài sản tín thác thì đã chuyển quyền sở hữu cho tổ chức tín dụng (người nhận tín thác).

Hợp đồng tín thác phải chứa đựng các nội dung sau, theo điều 2018 BLDS Pháp: chi tiết đối tượng tài sản, quyền hoặc nghĩa vụ chuyển giao, thời hạn hợp đồng, định danh các bên tham gia và mục đích cũng như nhiệm vụ của bên nhận tín thác.

Thời hạn của hợp đồng tín thác . Có thể nói rằng sự chuyển dịch tài sản này chỉ mang tính chất tạm thời, vì hợp đồng tín thác sẽ kết thúc khi một trong hai bên chết (đối với pháp nhân thì mất tư cách pháp nhân trong trường hợp giải thể, sáp nhập hay phá sản); khi mục đích của hợp đồng này đạt được trước thời hạn quy định; người thụ hưởng từ chối; hoặc trong trường hợp vẫn chưa hay không đạt được mục đích thì thời hạn của hợp đồng không thể quá 99 năm.

Hiệu lực của hợp đồng tín thác . Để hợp đồng tín thác có hiệu lực pháp lý thì hợp đồng này phải được công chứng nếu tài sản tín thác là tài sản chung hay tài sản không thể chia được thuộc sở hữu của vợ chồng. Trong trường hợp tài sản này là bất động sản thì phải đăng ký và công bố tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất về tình trạng của tài sản này. Trong thời hạn một tháng, hợp đồng tín thác phải được đăng ký ở chi cục thuế doanh nghiệp nơi trụ sở của bên nhận tín thác. Sau khi đăng ký thành công hợp đồng tín thác phải được công bố trên sổ đăng ký quốc gia về tín thác.

Lợi ích của hợp đồng tín thác . Lợi ích cơ bản của hợp đồng tín thác được thể hiện rõ trong trường hợp người tín thác là người yếu thế trong xã hội personnes vulnérables (người cao tuổi, người sức khỏe kém hay người bệnh tật…). Những người này nếu không thuộc trường hợp có người giám hộ hay đại diện, họ có nguyện vọng là giao tài sản cho người tin tưởng quản lý một cách hợp pháp theo yêu cầu và nguyện vọng của họ và họ cũng có thể trở thành người thụ hưởng nếu ghi rõ trong hợp đồng. Ví dụ trong trường hợp ông A cổ đông của một công ty hay chủ của một doanh nghiệp có vợ là người nghiện bài bạc và con là người nghiện chất kích thích. Ông A cảm thấy sức khỏe ngày càng yếu và thỉnh thoảng có chứng đãng trí thì ông A có thể tín thác tài sản của mình cho một luật sư quản lý cho đến khi ông A lấy lại sức khỏe hoặc cho đến khi vợ con ông cai nghiện thành công. Hoặc trong trường hợp này ông A mắc bệnh ung thư và có mong muốn điều trị tại nước ngoài, vì làm điều trị có những rủi ro nhất định nên ông A làm hợp đồng tín thác tài sản cho một tổ chức tín dụng nào đó giúp ông A quản lý tài sản của mình cho đến khi phẫu thuật thành công thì ông A có thể lấy lại tài sản đã tín thác.

Ngoài ra lợi ích quản lý tài sản, hợp đồng tín thác còn có thể bổ sung cho hợp đồng ủy quyền sau khi chết. Nó cho phép người còn sống chọn một người tùy ý để trao nhiệm vụ quản lý tài sản cho đến khi chết mà không cần sự đồng ý của bất kỳ người thừa kế nào. Hai công cụ pháp lý này có thể lồng ghép vào nhau trong chiến lược quản lý di sản.

Lợi ích khác không thể bỏ qua của hợp đồng tín thác là tài sản tín thác không còn nằm trong khối sản nghiệp của người tín thác, các khoản nợ phát sinh sau đó sẽ không được quyền kê biên tài sản đã được tín thác. Và cũng như vậy, chủ nợ của người nhận tín thác cũng không thể kê biên tài sản đã được tín thác mặc dù nó tạm thời thuộc sở hữu của người nhận tín thác. Như vậy, nói khối tài sản tín thác nằm ngoài sự giao lưu dân sự? Điều này không hẳn đúng, vì tài sản tín thác có thể được người nhận tín thác khai thác và hoa lợi lợi tức thu được thông thường được quy định trong hợp đồng tín thác như là chi phí quản lý tài sản tín thác. Đó là trường hợp khai thác tài sản tín thác có phát sinh hoa lợi lợi tức, còn trong trường hợp ngược lại thì người nhận tín thác phải chịu trách nhiệm các khoản nợ phát sinh từ việc khai thác này.

Sự khác biệt giữa hợp đồng tín thác và hợp đồng ủy quyền là ở chỗ tài sản ủy quyền thông thường không được chuyển giao cho người được ủy quyền, khối tài sản này vẫn nằm trong sản nghiệp của người ủy quyền. Đây là sự khác biệt cơ bản nhất so với hợp đồng tín thác vì nó có sự chuyển giao quyền sở hữu.

Còn đối với hợp đồng thế chấp, thế chấp là một quyền trên tài sản chứ không phải quyền sở hữu như hợp đồng tín thác. Tài sản thế chấp thông thường không được giao cho bên nhận thế chấp mà chỉ giao giấy tờ liên quan, tài sản vẫn thuộc sự quản lý của bên thế chấp.

Đối với hợp đồng tín thác thì người tín thác mất đi quyền sở hữu trên tài sản chuyển giao và người nhận tín thác sẽ trở thành chủ sở hữu nhưng bị hạn chế quyền định đoạt. Hoa lợi lợi tức phát sinh từ việc khai thác tài sản tín thác này có thể trả lại cho người tín thác nếu điều khoản hợp đồng có quy định.

Phân loại tài sản tín thác theo Luật Pháp và chế định tương tự tồn tại trong Luật Việt

Có ba loại tín thác: tín thác quản lý tài sản, tín thác đảm bảo thực hiện nghĩa vụ và tín thác tặng cho. Hình thức tín thác thứ ba không được pháp luật Pháp thừa nhận vì nhằm mục đích ngăn chặn việc trốn thuế và nhằm bảo đảm quyền thừa kế.

Tín thác quản lý tài sản (quỹ tín thác)

Tín thác quản lý tài sản là hợp đồng theo đó bên tín thác sẽ chuyển tài sản của mình cho bên nhận tín thác để bên này quản lý khối tài sản được chuyển giao vì lợi ích của bên tín thác hoặc bên thứ ba thụ hưởng 6 .

Ứng phó với sự bất ổn của doanh nghiệp . Lợi ích của việc tín thác quản lý nhằm mục đích, trong một chừng mực nào đó, bảo vệ khối tài sản này nằm ngoài phạm vi kê biên của chủ nợ. Đối tượng của hợp đồng có thể là bất động sản, công cụ tài chính, tài sản doanh nghiệp…

Ứng phó với sự bất ổn của chủ doanh nghiệp . Việc tín thác quản lý có thể được xem là biện pháp an toàn cho các doanh nghiệp trong trường hợp chủ doanh nghiệp rơi vào tình trạng cần được pháp luật bảo vệ (người bị mất tự chủ, người bị rối loạn tinh thần…). Có thể là một người bình thường nào đó, trong trường hợp bị chứng đãng trí hay mất trí nhớ, người này cũng có thể sử dụng biện pháp này để bảo vệ khối tài sản của mình.

Ứng phó với sự tiêu tán tài sản của thành viên trong gia đình . Do sự tiêu tán tài sản của con cái hoặc con vị thành niên mà cha mẹ có thể xem xét là hợp đồng tín thác khi cha mẹ rơi vào tình trạng không có khả năng quản lý tài sản (như đãng trí, mất trí nhớ…). Trong trường hợp này thì hợp đồng tín thác giống như hợp đồng tặng cho nhưng có điều kiện (cho ai đó nhưng vẫn còn nắm cán) bằng cách giới hạn việc sử dụng tài sản này. Người thụ hưởng phải thông qua người được tín thác để nhận tài sản theo định kỳ, ví dụ như một tháng người con này có thể lấy 10.000.000 VND nhằm tránh tiêu tán tài sản một cách nhanh chóng.

Tín thác cho gia đình trong chiến lược tránh thuế . Phân bổ từng phần, tín thác được xem như một công cụ hoạch định thuế, chia từng phần thu nhập của người tín thác cho các thành viên trong cùng một gia đình nhằm mục đích giảm thuế.

Loại hình này ở Việt Nam chưa được thừa nhận. Tuy nhiên, có thể hay không một hình thức hợp đồng đặc biệt được ký kết nhằm mục đích quản lý tài sản? Không có điều khoản nào cấm các bên ký kết loại hợp đồng này, do đó câu trả lời là có thể xác lập hợp đồng tín thác nhưng phải thỏa các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng theo quy định của BLDS.

Tín thác đảm bảo thực hiện nghĩa vụ

Theo điều 2011 BLDS Pháp, tín thác đảm bảo thực hiện nghĩa vụ là một hợp đồng theo đó bên tín thác chuyển quyền sở hữu hoặc tài sản của mình cho bên được tín thác nhằm mục đích bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ nào đó. Hợp đồng tín thác còn có thể có thêm điều khoản bổ sung tài sản tín thác trong trường hợp có khoản nợ mới phát sinh (Điều 2372-5 và 2488-5 BLDS Pháp). Như vậy ở đây có sự khác biệt với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thông thường là tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được giao cho bên thức ba giữ và quản lý và điều đặc biệt là tài sản này không còn thuộc quyền sở hữu của bên tín thác. Tín thác không tồn tại trong pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, ở Việt Nam có một hình thức tương tự gọi là ký quỹ. Trong trường hợp người có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, người có quyền sẽ được thanh toán khoản nợ bởi tổ chức tín dụng sau khi trừ các khoản phí cần thiết. Thật vậy, theo điều 330 BLDS Việt Nam thì ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, sự khác nhau giữa tín thác và ký quỹ là ở chỗ đối tượng của hợp đồng tín thác rộng hơn đối tượng của hợp đồng ký quỹ. Ngoài những loại tài sản được liệt kê ở hợp đồng ký quỹ thì hợp đồng tín thác còn bao gồm các quyền tài sản và nghĩa vụ. Sự giống nhau nổi bật giữa hai loại này là khối tài sản chuyển giao sẽ ra khỏi khối tài sản của người ký quỹ hoặc người tín thác nhưng tồn tại dưới dạng bị phong tỏa bởi bên thứ ba và được quản lý bởi bên thứ ba (điểm khác biệt là tài sản phong tỏa vẫn thuộc sở hữu của bên ký quỹ) và bên thứ ba sẽ chuyển khối tài sản này cho người thụ hưởng được chỉ định trong hợp đồng nếu như bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự đã cam kết.

Tín thác tặng cho tài sản

Đây là hình thức tín thác mà trong pháp luật Anh-Mỹ gọi là Trust 7 . Tuy nhiên, theo pháp luật nước cộng hòa Pháp, loại tín thác tặng cho không có đền bù này bị cấm vì lý do nó không mang lại nhiều lợi ích như các biện pháp tặng cho khác như ủy quyền sau khi chết mandat à effet posthume (điều 812 BLDS), tặng cho qua trung gian libéralité graduelle libéralité résiduelle (điều 1048 và 1049 BLDS). Ngoài ra, còn một lý do khác nữa là ngăn ngừa việc sử dụng tín thác để trong mục đích lẫn tránh hay gian lận làm gây hại đến những quy định về tặng cho và thừa kế.

VAI TRÒ CỦA TÍN THÁC VÀ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG TẠI VIỆT NAM

Tín thác là hình thức tách biệt sở hữu tài sản và quản lý tài sản. Trong pháp luật Việt Nam, chế định tín thác vẫn chưa được thừa nhận nhưng vẫn có một số chế định mang bản chất của tín thác.

Di sản dùng vào việc thờ cúng . Điển hình nhất là chế định cổ xưa “Hương hỏa” hay ngày nay còn gọi là Di sản dùng vào việc thờ cúng theo Điều 645 BLDS 2015. Trong lịch sử thời phong kiến, việc để lại hương hỏa là bắt buộc, ít nhất là 1/20 phần di sản của người chết, ngày nay việc để lại di sản thờ cúng là không bắt buộc. Di sản thờ cúng này bản chất là tài sản tín thác vì khối di sản thời cúng này tồn tại độc lập với sản nghiệp của người thờ tự (người quản lý di sản thờ cúng) và nó tồn tại vì mục đích thờ cúng tổ tiên. Khi người thờ tự mất hoặc bị truất quyền thì di sản này sẽ được chuyển giao cho người thừa tự kế tiếp để tiếp tục thực hiện mục đích thờ cúng tổ tiên.

Đứng tên hộ người khác . Điển hình liên quan đến việc đứng tên hộ người khác có thể xem án lệ số 02/2016/AL về vụ án tranh chấp đòi lại tài sản. Nếu áp dụng lý thuyết về tài sản tín thác, chúng ta có thể hình dung sự việc qua lăng kính tài sản tín thác như sau: người Việt Nam định cư tại nước ngoài do họ không có tư cách chủ thể của quyền sử dụng đất tại Việt Nam, họ đã bỏ ra số tiền tức là chuyển quyền sở hữu của số tiền này sang cho người Việt Nam trong nước đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ mình. Người đứng tên hộ được xem là người nhận tài sản tín thác, thật sự tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tên người này; nhưng trong quan hệ tín thác thì người đứng tên hộ chịu sự ràng buộc bởi quan hệ tín thác với người nước ngoài (người lập tín thác). Giải pháp của Tòa án tối cao có thể hợp lý nhưng chưa có căn cứ thuyết phục và rõ ràng về việc xác định công sức ngang nhau để chia phần giá trị chênh lệch tăng thêm so với số tiền gốc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nếu xem đây là chi phí quản lý tài sản tín thác thì có vẻ hợp lý và thuyết phục hơn. Có thể thấy rằng tuy quan hệ tín thác chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận, nhưng xét trong mối quan hệ này thì Tòa án có xu hướng xét xử như là một quan hệ tín thác.

Quỹ từ thiện tư nhân . Vấn đề kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào Miền Trung, hàng loạt bài báo, thông tin trên mạng xã hội xôn xao trong thời gian vừa qua về việc ca sĩ Thủy Tiên đã đứng ra kêu gọi người dân đóng góp hỗ trợ miền Trung 8 , 9 . Xuất phát từ mục tiêu khắc phục thiệt hại vì thiên tai, ca sĩ Thủy Tiên đã đứng ra gây quỹ để ủng hộ người dân bị thiệt hại, việc kêu gọi quyên góp gây ra nhiều ý kiến trái chiều xung quanh hành động từ thiện này, cụ thể hơn là liên quan đến số tiền quyên góp được 10 . Bỏ qua yếu tố khen chê của người dân về hành động của cô ca sĩ này, các Đại biểu Quốc hội, các Luật sư cũng đã vào cuộc, những quy định pháp luật hiện hành cũng đã được nêu lên, cụ thể là chỉ có các tổ chức có tư cách pháp nhân mới có quyền kêu gọi, ủng hộ, phân phối tiền hàng cứu trợ (theo Điều 4 và 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP) 11 . Đa số các chuyên gia cho rằng các quy định này không còn phù hợp hay đầy chỉ là vấn đề thủ tục, thậm chí còn nêu lên đây là quan hệ hợp đồng tặng cho tài sản 12 . Xuất phát từ vấn đề này, việc áp dụng các quy định hiện hành một cách cứng nhắc dẫn đến nhiều bức xúc, phẫn nộ trong xã hội.

Đối với trường hợp cô ca sĩ Thủy Tiên, nếu xem đây là quan hệ tín thác “quỹ tín thác từ thiện”, người lập tín thác là toàn bộ người dân góp tiền bằng cách chuyển quyền sở hữu số tiền đó vào tài khoản người nhận tín thác là ca sĩ Thủy Tiên nhằm thực hiện một mục tiêu nhất định (ủng hộ đồng bào miền Trung) thì có thể giải quyết cơ bản vấn đề vừa được đề cập.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Từ những phân tích trên cho thấy pháp luật Việt Nam hiện nay chưa đủ quy định để áp dụng vào các tình huống như di sản dung vào việc thờ cúng, đứng tên hộ, quỹ từ thiện tư nhân… Nếu như vận dụng tín thác trong các bối cảnh pháp lý cụ thể như trên thì có thể giải quyết được nhiều vấn đề còn tồn tại trong xã hội hiện nay.

Tuy pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận một cách minh thị nhưng sự hiện hữu của quan hệ tín thác luôn tồn tại trong xã hội. Nhìn chung trên thực tế tín thác là một dạng hợp đồng luôn tồn tại xung quanh chúng ta, tồn tại trong xã hội. Do đó, cần phải được pháp luật can thiệp để giải quyết một số xáo trộn trong đời sống xã hội dân sự.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung bài viết chỉ do tác giả Nguyễn Thị Mỹ Hạnh thực hiện.

References

  1. Larroumet C. La fiducie inspirée du trust. Recueil Dalloz. . 1990;119:. Google Scholar
  2. Prigent S. Premier pas en fiducie dans le code civil. AJDI. . 2007;:280. Google Scholar
  3. Larroumet C. La loi du 19 février 2007 sur la fiducie: propos critiques. Recueil Dalloz. . 2007;1350:. Google Scholar
  4. Karl Z. Aubry Charles et R. Charles. Cours de droit civil français d'après la méthode de Zacharie. T.4. 4ème éd. Paris: Marchal ey Brillard. . ;1873:. Google Scholar
  5. Lewis BC. The law of trusts, CALI eLangdell press. . ;2013:. Google Scholar
  6. Claude WITZ. La fiducie française face aux expériences étrangères et à la convention de la Haye relative au trust. Dalloz. . 17/05/2007;20:n0. Google Scholar
  7. Boggs SP. La fiducie: a form of French trust [online], [cited avr 15 2021]. . 2007;:. Google Scholar
  8. Điểu T. Thủy Tiên giải trình 178 tỉ cứu trợ miền Trung, 2 vợ chồng ca sĩ góp thêm gần 3,7 tỉ. Báo Tuổi Trẻ Online [cited Jun 29 2021]. . 2020;:. Google Scholar
  9. Lê L. Từ việc Thủy Tiên quyên góp được. Vol. 100 tỷ, ĐBQH thấy có một số vấn đề phải tính toán; 2020. Báo điện tử VOV [cited Jun 29 2021]. . ;:. Google Scholar
  10. Du Đ, Tiên T. Công Vinh lên tiếng về tin đồn ăn chặn 42 tỷ đồng từ thiện; 2021 [cited 07 sep 2021]. Báo Lao Động Online. . ;:. Google Scholar
  11. Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/05/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiệm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. . ;2008:. Google Scholar
  12. Anh T, Trần H. Thủy Tiên kêu gọi từ thiện có gặp rắc rối về pháp lý?; 2020. Báo Điện Tử Thanh Niên [cited Jun 29 2021]. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 4 (2022)
Page No.: 3485-3490
Published: Jan 31, 2023
Section: Review
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i4.1026

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyen, H. (2023). The institution of trust from comparative law perspective and its applicability in Viet Nam. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(4), 3485-3490. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i4.1026

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1523 times
PDF   = 290 times
XML   = 0 times
Total   = 290 times