Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

1354

Total

368

Share

The role of commodity exports to economic growth in Ho Chi Minh City






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

In the period of development and international economic integration; Ho Chi Minh City's import and export of commodities has an important role in the city's economic growth. Export has really become a key factor and a strong motivation of economic growth. The export growth rate in the period 2011 - 2019 averaged 8.54% per year. Moreover, the scale and high growth rate of the city's export activities have a significant impact on the city's aggregate demand, stimulating increased consumption ands investment including domestic and foreign, thus boosting economic growth of the city. Export development is one of the pillars of Ho Chi Minh City `s sustainable economic growth. Therefore, it is necessary to increase added value of commodities, focus on exporting products with competitive advantages and a sizable market share through participating in the global value chain. Therefore, based on the City's statistics and GRDP calculation from 2010 to 2020, this study points out some essential recommendations in order to improve the role of commodity export activities and the competitive products of Ho Chi Minh city in the future.

GIỚI THIỆU

Ngày nay, hoạt động xuất khẩu hàng hóa đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của một quốc gia, vì nó mở rộng khả năng sản xuất và tiêu dùng của mỗi nước. Ngoại thương cho phép một nước có thể tiêu dùng tất cả các mặt hàng với số lượng nhiều hơn mức có thể tiêu dùng với giới hạn khả năng sản xuất trong nước dưới chế độ tư cung tự cấp, không tham gia vào buôn bán quốc tế.

Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) là trung tâm kinh tế lớn của cả nước; thành phố là nơi hoạt động kinh tế năng động nhất, đi đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Từ năm 2001 đến nay tốc độ tăng trưởng của TP. HCM vẫn đạt được ở mức cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước. Điển hình nhất là năm 2019 tổng sản phẩm nội địa (GRDP) TP. HCM tăng 7,86% so với năm 2018, quy mô GRDP Thành phố chiếm 22,3% GDP của cả nước. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế; xuất nhập khẩu các hàng hóa và dịch vụ của TP. HCM đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Thành phố. Phát triển xuất khẩu là một trong những trụ cột cho tăng trưởng kinh tế bền vững ở TP. HCM; chính vì vậy, cần phải nâng cao giá trị gia tăng, tập trung đầu tư xuất khẩu sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường trên cơ sở tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa của TP.HCM đã đóng góp vào quy mô và tốc độ tăng trưởng GRDP Thành phố; tác động mạnh đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm gia tăng việc làm, góp phần tăng thu ngân sách và thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào Thành phố. Thế nhưng, hoạt động thương mại quốc tế của TP.HCM trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Kim ngạch xuất khẩu của Thành phố tuy có gia tăng, nhưng gia tăng không ổn định và quy mô kim ngạch vẫn còn nhỏ bé. Cơ cấu hàng nhập khẩu vẫn chưa hợp lý mặc dù hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất. Năng lực sản xuất kinh doanh và tiếp cận thị trường thế giới của các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa khai thác hiệu quả tiềm năng vốn có. Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào việc tăng các yếu tố đầu vào (lao động và vốn), chưa phải tăng trưởng theo chiều sâu, nên hiệu quả và chất lượng tăng trưởng không cao. Vì vậy, tác giả sẽ tổng hợp hai chỉ tiêu xuất khẩu và GRDP của thành phố Hồ Chí Minh để nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2011 -2020. Trên cơ sở đó, nghiên cứu kiến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU

Theo quan điểm của các trường phái lý thuyết cổ điển và hiện đại đã chỉ ra vai trò của thương mại quốc tế trong đó có hoạt động xuất khẩu hàng hóa đối với tăng trưởng kinh tế của một quốc gia, mà có thể tiếp cận được dưới góc độ trực tiếp hoặc gián tiếp. Thương mại quốc tế có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế khi bất kỳ một sự thay đổi nào của xuất, nhập khẩu ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng. Tác động trực tiếp này thường được nhìn nhận dưới cách tiếp cận xuất, nhập khẩu là một bộ phận cấu thành của GDP nên bất kỳ sự thay đổi nào của xuất, nhập khẩu đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự thay đổi về quy mô và tốc độ tăng trưởng của GDP. Xuất, nhập khẩu có tác động gián tiếp đến tăng trưởng kinh tế khi ảnh hưởng của xuất, nhập khẩu được truyền dẫn qua các kênh trung gian, bao gồm cả phía cung và phía cầu. Đó là tác động của xuất, nhập khẩu đến các nhân tố đầu vào như vốn, lao động, công nghệ, hoặc các nhân tố khác của tổng cầu như nhập khẩu, tiêu dùng, đầu tư. Trường hợp này, xuất khẩu thể hiện rõ hơn là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Cùng với chiến lược hội nhập và phát triển, thương mại quốc tế là một bộ phận quan trọng, gắn liền với tiến trình hội nhập và có vai trò quyết định đến lợi thế của một quốc gia trên thị trường khu vực và thế giới. Vì vậy, việc đẩy mạnh giao lưu thương quốc tế nói chung và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ nói riêng là mục tiêu phát triển kinh tế hàng đầu của các quốc gia. Xuất khẩu là cơ sở để mở rộng và thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại, tăng cường địa vị kinh tế của mỗi quốc gia trên thị trường thế giới. Xuất khẩu tạo điều kiện cho các quốc gia tận dụng được lợi thế so sánh của mình. Sức cạnh tranh của hàng hóa được nâng cao, tăng trưởng kinh tế trở nên ổn định và bền vững hơn nhờ các nguồn lực được phân bổ một cách hiệu quả hơn. Quá trình này cũng tạo ra cơ hội lớn cho tất cả các nước, nhất là các nước đang phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ.

Trong mối quan hệ nhập khẩu, xuất khẩu tạo nguồn vốn chủ yếu cho nhập khẩu công nghệ, máy móc và những nguyên, vật liệu cần thiết cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hoạt động xuất khẩu kích thích các ngành kinh tế phát triển, góp phần tích lũy vốn, mở rộng sản xuất, tăng thu nhập cho nền kinh tế, cải thiện mức sống của các tầng lớp dân cư. Ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu là nguồn tăng dự trữ ngoại tệ. Thực tế cho thấy rằng, lượng ngoại tệ dự trữ dồi dào là điều kiện cần thiết để giúp cho quá trình ổn định đồng tiền nội tệ và chống lạm phát.

Không những có vai trò đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu còn tạo ra những thay đổi quan trọng đối với sản xuất trong nước. Xuất khẩu đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất sản phẩm mới. Cần coi thị trường thế giới là hướng quan trọng để tổ chức sản xuất nhằm xuất khẩu những gì mà thị trường thế giới cần. Điều đó có tác dụng tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất sản phẩm, do các ngành sản xuất hàng xuất khẩu tạo điều kiện cho các ngành khác có cơ hội phát triển thuận lợi. Bên cạnh đó, xuất khẩu tạo ra những tiền đề kinh tế, kỹ thuật nhằm cải tạo và nâng cao năng lực sản xuất trong nước; bởi vì xuất khẩu là phương tiện quan trọng đưa nguồn vốn và kỷ thuật công nghệ từ thế giới bên ngoài vào nhằm hiện đại hóa nền kinh tế nội địa để tạo ra năng lực sản xuất mới. Thông qua xuất khẩu, hàng hóa nội địa tham gia vào cuộc cạnh tranh trên thị trường thế giới về giá cả, chất lượng. Cuộc cạnh tranh này đòi hỏi sản xuất nội địa phải được tổ chức lại, hình thành cơ cấu sản xuất luôn thích ứng được với những thay đổi của thị trường.

Một vai trò không kém phần quan trọng là xuất khẩu có tác động tích cực đến việc giải quyết công ăn việc làm và cải thiện đời sống người dân. Tác động của xuất khẩu đến đời sống bao gồm nhiều mặt. Trước hết, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu là nơi thu hút hàng triệu lao động vào làm việc với thu nhập cao. Xuất khẩu tạo ra nguồn vốn để nhập khẩu vật phẩm tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống và đáp ứng ngày càng phong phú thêm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Đồng thới xuất khẩu tác động tích cực đến trình độ tay nghề của người sản xuất hàng xuất khẩu.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ NGUỒN DỮ LIỆU

Nhóm tác giả sử dụng phương pháp định tính thông qua việc thu thập, tính toán và tổng hợp số liệu liên quan đến hai tiêu chí xuất khẩu (XK) và GRDP của thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2010 đến 2020 trong nghiên cứu.

Nguồn dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ Cục thống kê thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2010 đến năm 2020.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Kết quả hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của thành phố Hồ Chi Minh giai đoạn 2011 – 2020

Qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động xuất khẩu của TP. HCM ngày một tiến bộ cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng, có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của TP. HCM. Trong hai thập niên đầu của Thế kỷ XXI hoạt động xuất khẩu của TP. HCM đã đạt được những thành tựu hết sức khả quan. Giá trị kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng lên, đóng góp một phần quan trọng vào sự tăng trưởng GRDP của thành phố; nhất là từ năm 2007 khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO), TP. HCM đã nắm được các cơ hội để tăng quy mô xuất khẩu cũng như đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất khẩu. Sang năm 2008, thị trường xuất khẩu của TP. HCM đã được mở rộng trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt 28,1 tỷ USD, tăng 24,9% so với năm 2010, năm 2019 đạt 42,1 tỷ USD, tăng 24,6 % so với năm 2018 [ 7 , tr.71], năm 2020 đạt 40,25 tỷ USD tăng 1,4% so với năm 2019 [ 8 , tr.282]

Table 1 Kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế TP.HCM giai đoạn 2011 – 2020

Table 1 cho thấy giá trị kim ngạch xuất khẩu của TP. HCM có sự tăng giảm qua các năm. Thế nhưng, tốc độ tăng trưởng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong giai đoạn 2011 – 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng bình quân là 8,54%/năm. Mặc dù xuất khẩu còn gặp nhiều áp lực cạnh tranh và các hàng rào thương mại nhưng nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.

Xuất khẩu đã trở thành nhân tố quan trọng và động lực mạnh của tăng trưởng kinh tế. Nhìn chung, kinh tế TP. HCM đã được định vị theo hướng xuất khẩu và độ mở của kinh tế là tương đối rộng.

Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu được cải thiện theo hướng giảm dần tỷ trọng của hàng là nguyên liệu thô, tăng dần tỷ trọng của hàng hóa đã qua chế biến. Nếu như năm 2001 hàng là nguyên liệu thô chiếm trên 52% thì nay chỉ còn khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu. TP. HCM đã hình thành được nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, số lượng các mặt hàng xuất khẩu ngày càng tăng, chất lượng các mặt hàng xuất khẩu được nâng cao một cách rõ rệt, bước đầu tạo được sự cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tỷ lệ hàng chế biến và nhóm hàng công nghiệp tăng; tỷ trọng sản phẩm thô giảm và ngày càng có nhiều sản phẩm đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD (như dầu thô, hàng dệt may, giày dép, máy móc và thiết bị, máy vi tính và sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử đạt giá trị trên 14 tỷ USD). Nhiều mặt hàng xuất khẩu đã đạt được thứ hạng cao so với mặt hàng của các nước khác, có ảnh hưởng lớn đến thị trường thế giới như: gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, gỗ và sản phẩm gỗ. [ 7 , tr.73]

Cùng với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao, việc đa dạng hóa thị trường đã đem lại nhiều kết quả khả quan. Hàng hóa xuất khẩu của TP. HCM có mặt ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt vào năm 2019 có 8 thị trường tại đó TP. HCM đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó Hoa Kỳ 6,6 tỷ USD, EU 2,7 tỷ USD, Nhật Bản 3,2 tỷ USD, Trung Quốc 8,3 tỷ USD. [ 7 , tr.73]

Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường truyền thống, thì việc mở thêm những thị trường mới, trọng điểm, có nhiều cơ hội và việc giảm bớt xuất khẩu qua trung gian đã làm cho hàng xuất khẩu của TP. HCM giảm bớt được sự lệ thuộc vào một thị trường nhất định, giảm thiểu rủi ro khi có biến động thị trường và tăng được kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa.

Các chủ thể tham gia xuất khẩu không ngừng được mở rộng, đa dạng hóa và ngày càng có hiệu quả, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 đạt 24,8 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn 58,8% giá trị kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TP. HCM. Và là động lực quan trọng đối tăng trưởng xuất khẩu của TP. HCM [ 7 , tr.71]

Bên cạnh xuất khẩu hàng hóa, quá trình hội nhập của TP. HCM đang tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp, các công ty dịch vụ hoạt động trong môi trường cạnh tranh và cởi mở. Những cải cách về thể chế, chính sách và hành chính phù hợp với những cam kết quốc tế, tạo triển vọng dỡ bỏ các rào cản đối với hầu hết các dịch vụ và hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp có một sân chơi bình đẳng trên cả thị trường quốc tế và trong nước. Các doanh nghiệp ở TP. HCM cũng có thể mở rộng hoạt động xuất khẩu của mình ra nước ngoài nhờ tự do hóa thương mại ở các nước đối tác và thông qua hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ. Về trung và dài hạn, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể nghĩ đến việc đạt được những giá trị gia tăng cao hơn trong xuất khẩu dịch vụ.

Vai trò của xuất khẩu tới tăng trưởng kinh tế thành phố Hồ Chí Minh

Table 2Figure 1 cho thấy quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ gia tăng xuất khẩu, tỷ lệ xuất khẩu trên GRDP của TP.HCM có tác động mạnh theo hướng tích cực tới tổng cầu của TP. HCM. Xuất khẩu tăng có xu hướng kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố tăng, kích thích gia tăng tiêu dùng và đầu tư. Tác động này là nhân tố quan trọng góp phần đưa TP. HCM vượt qua những tác động suy giảm kinh tế do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Thúc đẩy tổng cầu dường như không chỉ ảnh hưởng tích cực trong ngắn hạn, bởi một bộ phận doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã đầu tư mở rộng sản xuất khi nhu cầu gia tăng, yếu tố sẽ giúp doanh nghiệp phát triển trong dài hạn và ngày càng gia tăng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh.

Table 2 Xuất khẩu và tăng trường kinh tế TPHCM

Figure 1 . Tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ gia tăng xuất khẩu và tỷ lệ xuất khẩu trong GRDP .

Hoạt động xuất khẩu đã góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đáp ứng tốt các nhu cầu của sản xuất và đời sống, gián tiếp góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Có thể nói, giải quyết vấn đề việc làm là một trong những hiệu ứng tích cực và nổi bật nhất của xuất khẩu hàng hóa đến tăng trưởng kinh tế của Thành phố trong thời gian qua. Với vai trò này, xuất khẩu hàng hóa đã đáp ứng được nhu cầu toàn dụng nguồn nhân lực của Thành phố Hồ Chí Minh.

Xuất khẩu hàng hóa trở thành một trong những nguồn tích lũy vốn vật chất chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế. Thu nhập ngoại tệ từ xuất khẩu đã bù đắp và tài trợ cho nhập khẩu hàng hóa nguyên, vật liệu, máy móc thiết bị, công nghệ cần thiết cho phát triển các ngành công nghiệp, đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất nội địa, tăng tiềm năng của Thành phố. Trong điều kiện mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng trưởng theo chiều rộng (tăng các yếu tố đầu vào: vốn và lao động), xuất khẩu trở thành kênh dẫn quan trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy mở cửa kinh tế và hội nhập quốc tế.

Xuất khẩu đã có hiệu ứng tích cực tới năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), là nhân tố nội sinh duy trì tăng trưởng dài hạn. Thúc đẩy xuất khẩu trong những năm qua thực sự là một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế, không chỉ bởi những con số ấn tượng về quy mô xuất khẩu, mà còn vì ảnh hưởng tích cực của xuất khẩu tới khả năng duy trì tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Tác động này, một mặt đáng khích lệ trong bối cảnh đóng góp của TFP nói chung vào tăng trưởng kinh tế có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.

Sự chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng thâm dụng kỹ năng, giảm dần tỷ trọng nhóm hàng thô và sơ chế đã tác động tích cực và đáng kể, cả trong ngắn hạn và dài hạn tới quy mô GRDP và tốc độ tăng GRDP của Thành phố. Tác động tích cực này chứng minh những ảnh hưởng động, ảnh hưởng lan tỏa của khu vực thâm dụng kỹ năng phần nào diễn ra như kỳ vọng; đồng thời, cho thấy cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh đang tiến dần theo hướng hiệu quả và hiện đại, đúng với định hướng chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu nói riêng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung, tạo tiền đề thuận lợi để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu.

Khai thác triệt để và đa dạng hóa lợi thế so sánh của hàng hóa xuất khẩu là nhân tố ảnh hưởng tích cực tới quy mô GRDP và thu nhập đầu người của Thành phố. Đáng chú ý, quá trình đa dạng hóa này không chỉ diễn ra theo chiều rộng, thể hiện ở sự tăng lên nhanh chóng của số lượng mặt hàng có lợi thế so sánh nói chung, mà còn diễn ra theo chiều sâu, qua sự gia tăng mạnh cả về số lượng và tỷ trọng của các mặt hàng có lợi thế so sánh trong khu vực chế biến. Bản thân khu vực chế biến cũng có sự dịch chuyển tích cực trong nội bộ theo hướng tăng dần mặt hàng có lợi thế so sánh bậc cao. Xu hướng này có tương quan thuận chiều và khá chặt với quy mô GRDP của kinh tế Thành phố.

Đa dạng hóa hàng hóa xuất khẩu tăng lên, tác động tích cực tới cả quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Có được điều này là nhờ cơ chế mở rộng danh mục xuất khẩu của quá trình đa dạng hóa mặt hàng, từ đó nâng cao thu nhập từ xuất khẩu, giúp giảm sốc kinh tế trước những biến động có tính chu kỳ cũng như những tác động bất ngờ từ thị trường quốc tế, góp phần ổn định kinh tế Thành phố, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế. Đa dạng hóa chủ yếu diễn ra theo chiều rộng và cũng là phương thức có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế dài hạn cả ở khía cạnh quy mô và tốc độ tăng trưởng GRDP. Phương thức này giúp mở rộng các ngành công nghiệp hiện có, kích thích phát triển các ngành công nghiệp mới, những lĩnh vực có liên quan đến nhau, thông qua các mối liên kết thượng nguồn và hạ nguồn, liên kết ngang và dọc, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu nhìn chung tương đối ổn định, tác động tích cực tới quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Xu hướng tích cực này càng đáng được ghi nhận hơn trong bối cảnh suy giảm kinh tế khiến cho nhu cầu nhập khẩu của thế giới suy giảm đáng kể. Đây có thể coi là một trong những điểm sáng quan trọng góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây.

Những hạn chế

Bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, tác động của xuất khẩu hàng hóa tới tăng trưởng kinh tế còn một số hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Xét đến giá trị gia tăng thì đóng góp từ xuất khẩu đến tăng trưởng kinh tế của Thành phố còn nhỏ hơn nhiều so với doanh số xuất khẩu theo giá thực tế. Vì vậy, xuất khẩu của Thành phố chưa đem lại sự gia tăng một cách tương ứng trong thu nhập cho Thành phố, cho nhà sản xuất và người lao động.

Tác động của xuất khẩu chưa thật sự tương xứng với quy mô và tiềm năng thể hiện ở các khía cạnh hàm lượng công nghệ, hàm lượng kỹ năng, mức độ phức tạp của sản phẩm xuất khẩu chưa cao. Hiệu ứng lan tỏa từ khu vực xuất khẩu chưa được như kỳ vọng. Hoạt động nghiên cứu và phát triển đổi mới và chuyển giao công nghệ trong khu vực xuất khẩu hàng hóa còn hạn chế. Vì vậy, để nâng cao năng suất và mức thu nhập của nhóm hàng xuất khẩu cần phải có sự can thiệp chính sách nhằm định dạng lại nhóm hàng hóa này theo hướng chất lượng và hiệu quả hơn.

Gia tăng xuất khẩu hàng hóa chế biến thâm dụng lao động có tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn của Thành phố. Tác động của khu vực thâm dụng lao động tới tăng trưởng kinh tế chủ yếu thể hiện qua kênh tạo việc làm, giải quyết vấn đề lao động. Do vậy, giải bài toán tăng trưởng kinh tế dài hạn của Thành phố không thể không tính đến những hạn chế của khu vực này để có những giải pháp thích hợp.

Chưa có ảnh hưởng rõ rệt của việc đa dạng hóa xuất khẩu hàng hóa là điểm hạn chế lớn trong tác động của xuất khẩu hàng hóa tới tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, phản ánh thực tế xu hướng đa dạng hóa theo chiều sâu mới chủ yếu diễn ra theo hướng dịch chuyển nguồn lực từ khu vực sản xuất sản phẩm thô và sơ chế sang khu vực hàng chế biến thâm dụng lao động, là nhóm hàng mà tác động của nó tới tốc độ tăng trưởng còn nhiều bất cập. Với định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiếu sâu, đây là nút thắt nhất thiết cần phải tháo gỡ và là một trong những mục tiêu chính sách quan trọng hướng tới tăng trưởng bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh.

Tỷ trọng kim ngạch của những mặt hàng có lợi thế so sánh cao có tác động thuận chiều với tốc độ tăng trưởng GRDP. Trong những năm gần đây, xu hướng giảm tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu lợi thế so sánh đã ảnh hưởng tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng kinh tế. Để những lợi thế của TP. HCM thực sự có tác động tới tốc độ và tính bền vững của tăng trưởng kinh tế, cần có cơ chế chuyển hóa những lợi thế so sánh thực sự trở thành lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Việc tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, gia nhập WTO nói riêng chưa thực sự mang lại những tác động tích cực tương xứng với mục tiêu của Thành phố đặt ra. Tác động của WTO tới tăng trưởng kinh tế và mối quan hệ giữa xuất khẩu với tăng trưởng chưa có sự khác biệt đáng kể so với giai đoạn trước.

Mở rộng xuất khẩu đang có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. Tăng trưởng xuất khẩu của Thành phố trong thời gian qua chủ yếu dựa vào khuyến khích khai thác các nguồn lợi tự nhiên và sử dụng ngày càng nhiều các yếu tố đầu vào làm gia tăng áp lực gây ô nhiễm, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, các vùng nuôi trồng thủy sản, khu vực khai thác và chế biến khoáng sản gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, nhiều vấn đề nẩy sinh trong hoạt động xuất khẩu cần có cơ chế, chính sách để giải quyết một cách tốt hơn và hiệu quả hơn. Việc chia sẻ lợi ích từ xuất khẩu chưa thật bình đẳng, đặc biệt là lợi ích thu được từ các nhóm hàng xuất khẩu có nguồn gốc tự nhiên. Gia tăng khoảng cách giàu nghèo, cơ hội về thu nhập và việc làm dựa vào xuất khẩu chưa thật bền vững đối với nhóm người dễ bị tổn thương là người có thu nhập thấp, khu vực nông nghiệp.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Kết luận

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế lớn, đóng vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu cao và đáng khích lệ trong phát triển kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với cả nước. Vốn đầu tư phát triển tăng mạnh, luôn giữ vị trí hàng đầu về đóng góp cho ngân sách nhà nước. Văn hóa, giáo dục, y tế phát triển mạnh không chỉ đáp ứng nhu cầu của Thành phố mà còn của nhiều tỉnh thành ở phía Nam.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của thành phố Hồ Chí Minh ngày một tiến bộ cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng, có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Thành phố. Giá trị kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng lên, đóng góp một phần quan trọng vào sự tăng trưởng GRDP của Thành phố. Hoạt động nhập khẩu đã đạt được những thành tựu quan trọng, đáp ứng một phần nhu cầu tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thành phố. Cơ cấu hàng nhập khẩu có sự biến động mạnh mẽ giữa hai nhóm hàng tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng; tăng tỷ trọng hàng nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất. Trong giai đoạn 2011 – 2020 thành phố Hồ Chí Minh luôn tạo ra được thặng dư thương mại nên đã đóng góp một cách đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Thành phố.

Kiến nghị

Thứ nhất, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, để giữ vững được hoạt động sản xuất và đảm bảo được xuất khẩu thì chính quyền thành phố phải thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh Covid – 19, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc bảo vệ sức khoẻ người lao động. Bên cạnh đó, cần thống nhất quan điểm lấy an toàn trong phòng chống dịch để phát triển kinh tế - xã hội; cần mở rộng nhanh những “vùng xanh an toàn” trong sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải…

Thứ hai, chính quyền thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò là trung gian, cầu nối giữa ngân hàng và các doanh nghiệp xuất khẩu để tháo gỡ những khó khăn trong việc huy động vốn của các doanh nghiệp xuất khẩu. Chính quyền thành phố cũng cần đề xuất chính phủ thực hiện các biện pháp giảm, miễn hoặc giãn nợ một số loại thuế, phí đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu để các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí.

Thứ ba, cần tiếp tục thực hiện các chính sách tổng thể về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm hoạt động lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục việc gián đoạn của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trước tình hình dịch bệnh phức tạp và chịu sự tác động kinh tế từ chiến tranh Nga và Ucraine.

Thứ tư, để việc trở lại sản xuất và kinh doanh thành công, không chỉ dựa trên các chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước mà còn phụ thuộc lớn vào sự nỗ lực của từng doanh nghiệp. Lãnh đạo các doanh nghiệp cần sớm xây dựng kế hoạch tái hoạt động thật cụ thể, thận trọng, tránh đứt gãy nguồn lao động và chuỗi cung ứng; đồng thời, nghiên cứu mở rộng thêm các sản phẩm, dịch vụ mới cho phù hợp với tình hình sau dịch và tăng cường thực hiện các chương trình kích cầu, phát triển các kênh bán hàng theo xu hướng thương mại điện tử… nhằm góp phần đưa nền kinh tế thành phố nhanh chóng khôi phục, ổn định đời sống xã hội sau dịch.

Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D); phát triển công nghiệp hỗ trợ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Thu hút và hỗ trợ dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ cho sản phẩm điện - điện tử. Xây dựng kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường học, các khu công nghệ cao với các doanh nghiệp để đưa hàm lượng khoa học công nghệ vào nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong các doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ sáu, tiếp tục mở rộng các thị trường xuất khẩu, chủ động tìm kiếm, xúc tiến việc hợp tác kinh tế đối với các đối tác nước ngoài, nhất là các bạn hàng truyền thống, đối tác chiến lược và tìm kiếm các thị trường mới để có thể triển khai ngay các hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư khi điều kiện cho phép. Tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam…

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

GDP: Gross Domestic Product

GRDP: Gross Regional Domestic Product

R&D: Research and Development

TFP: Total Factor Productivity

WTO: World Trade Organization

TP.HCM: Thành phố Hồ Chí Minh

XK: Xuất khẩu

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Nhóm tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Tác giả Nguyễn Thị Anh xây dựng cơ sở lý thuyết, tổng quan nghiên cứu và đảm nhiệm các nội dung chính của bài viết. Tác giả Nguyễn Thị Lài tìm kiếm, thu thập dữ liệu, đưa ra kết quả nghiên cứu. Tác giả Nguyễn Thị Anh và Nguyễn Thị Lài đưa ra các thảo luận và kết luận của bài viết. Hai tác giả cùng đọc và chỉnh sửa bản thảo cuối cùng.

References

  1. Bộ Công thương. Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Hà Nội. Bộ Công thương. . 2012;:. Google Scholar
  2. Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm. Vol. 2030 (bàn hành kèm theo Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ). . ;:. Google Scholar
  3. Cường MT. Chính sách thương mại quốc tế của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Luận án tiến sỹ. . 2006;:. Google Scholar
  4. Cung NĐ. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu trong ba ngành may mặc. thủy sản và điện tử ở Việt Nam; Viện Nghiên cứu kinh tế Trung Ương. . 2013;:. Google Scholar
  5. Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh. Niên Giám Thống Kê. 2016. . ;:. Google Scholar
  6. Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh. Niên Giám Thống Kê. 2018. . ;:. Google Scholar
  7. Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh. Niên Giám Thống Kê. 2019. . ;:. Google Scholar
  8. Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh. Niên Giám Thống Kê. 2020. . ;:. Google Scholar
  9. Đạt NH. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - thực trạng và những vấn đề đặt ra. Tạp Chí Nghiên Cứu Kinh Tế Số. 2009;374, tr:12-22. . ;:. Google Scholar
  10. Hiệp NQ. Phân tích mối quan hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Luận án Tiến sỹ Kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân, 2016. . ;:. Google Scholar
  11. Nhượng BH. Tăng cường xuất khẩu của Việt Nam Sau khi gia nhập WTO và một số giải pháp thúc đẩy. Tạp Chí Phát Triển Kinh Tế Số. 2011;248, tr:45-8. . ;:. Google Scholar
  12. Oanh Lê Hoàng. Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới. Tạp Chí Khoa Học Thương Mại Số. 2015;81, tr:35-42. . ;:. Google Scholar
  13. Sách TC. Thực trạng và giải pháp tái cơ cấu mô hình phát triển xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tạp Chí Kinh Tế và Phát Triển Số. 2012;183, tr:10-9. . ;:. Google Scholar
  14. Sơn BN. Nâng cao năng lực xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Nhà xuất bản ĐHQG-HN. . 2011;:. Google Scholar
  15. Sự Hà Văn. Chính sách đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa gắn với yêu cầu phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí: Kinh tế và phát triển. . 2012;218:20-27. Google Scholar
  16. Trình NV. Kinh tế đối ngoại thành phố Hồ Chí Minh trong xu thế hội nhập quốc tế. Nhà xuất bản ĐHQG TP.HCM. . 2009;:. Google Scholar
  17. Thủy NTT. Tác động của xuất khẩu hàng hóa tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Luận án Tiến sỹ Kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân, 2014. . ;:. Google Scholar
  18. Khanh PN. Chất lượng tăng trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Luận án Tiến sỹ Kinh tế, Đại học Kinh tế - Luật, 2021. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 3 (2022)
Page No.: 3160-3168
Published: Oct 15, 2022
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i3.1009

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Anh, N., & Nguyễn, L. (2022). The role of commodity exports to economic growth in Ho Chi Minh City. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(3), 3160-3168. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i3.1009

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1354 times
PDF   = 368 times
XML   = 0 times
Total   = 368 times